22/03/2012 09:35 GMT+7

Vòng đời luẩn quẩn

TRƯƠNG THỊ HỒNG TÂM
TRƯƠNG THỊ HỒNG TÂM

TT - Bạn bè xưa gặp lại tôi đều mừng rỡ, đứa nào cũng muốn đãi tôi một chầu “chích choác”, mừng tôi trở về sau năm năm vắng bóng. Tôi trốn luôn ở TP, không về núi rừng Phú Văn, không thèm kết hôn, không cần gì cả. Tự do vẫn hơn.

Kỳ 1: Chông chênh đường đờiKỳ 2: Càng bước càng lún sâuKỳ 3: Chuỗi ngày trường trại

TxpZnkP2.jpgPhóng to

Chị Tâm (đeo túi) trong một buổi truyền thông ở Bình Dương Ảnh: CTV

Lại trốn

Tôi lại tiếp tục đêm đêm ra đứng lề đường. Chưa được một tháng, tôi bị người của nông trường đi tìm và bắt trở lại Phú Văn. Tôi bị kỷ luật, phải đi phát rừng làm rẫy và ăn, nghỉ trưa đều ở ngoài nắng. Nắng mưa gì cũng phải ráng mà chịu.

Hết kỷ luật được trở về A, tôi cố gắng làm đủ thứ việc mà cấp trên yêu cầu. Hơn một năm trời phấn đấu tốt, tôi lại được cất nhắc lên làm văn thể mỹ. Đơn vị tôi luôn được nhận giấy khen mỗi khi nông trường phát động thi đua, như viết báo tường, trình diễn văn nghệ, lao động sản xuất. Tôi được tin tưởng và tuyên dương là tấm gương cho những trại viên đơn vị khác noi theo. Nhưng trong đầu tôi vẫn chưa quên ý định đi tìm tự do.

Lần này tôi đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm làm người dẫn đường và dẫn theo 50 chị cùng trốn. Cuộc trốn trại thật lắm gian nan. Không dám đi đường mòn, chúng tôi cắt rừng để đi. Lũ vắt rừng theo bám đầy chân, máu chảy dài từ các vết cắn. Chúng tôi chia ra từng tốp nhỏ, mạnh ai nấy đi.

Ra tới đường nhựa, tôi cải trang thành một phụ nữ mang thai với cái bụng to đùng rồi thuê xe ôm về thành phố. Biết tôi trốn trại, anh xe ôm khuyên tôi nên kiếm nón lá để đội thì mới giống dân địa phương. Rồi anh biểu tôi núp trong lùm cây, chờ anh về nhà lấy nón. Đội chiếc nón rách trên đầu cũng khó mà nhận ra. Vậy mà khi chúng tôi đi gần tới chợ Đồng Xoài thì có một tốp “vũ trang” khác chạy xe máy đuổi theo phía sau. Anh xe ôm cố gắng chạy thật nhanh nhưng cũng không thoát...

Tôi bị đưa về kỷ luật. Rồi lại trốn. Lại bị bắt, lại trốn.

Đời quay lưng

Có nhiều người che chở tôi trên đường trốn trại, rồi căn dặn tôi cố gắng tìm việc gì đó để làm ăn, đừng sống cuộc sống cũ nữa. Nhưng cuộc đời đâu dễ dàng chấp nhận tôi, một con bé vừa nghiện ma túy vừa làm mại dâm! Cứ về Sài Gòn tôi lại tới khu Lê Lai, lại đi ngay vào động chích ma túy. Tôi chích cho quên cuộc đời. Tôi hận nhiều người, hận chính bản thân tôi.

Cứ vậy, Đồng Phú, Duyên Hải, Đỗ Hạ... trường nào tôi cũng bị bắt vào rồi lại trốn đi, lại đứng đường. Cuộc đời cứ thế trôi đi. Nhiều đêm vắng khách, tôi ngồi bó gối bên gốc cây ven đường đưa mắt nhìn vào những căn nhà phía trước mà thèm khát một gia đình êm ấm, ao ước có một ai đó chịu lấy tôi về làm vợ, rồi sinh con, vợ chồng con cái quây quần bên nhau, dù nghèo nàn nhưng hạnh phúc. Hoặc có ai đó chịu giúp tôi có một việc làm chân chính để tôi làm lại cuộc đời, để cuộc sống của tôi không còn phập phồng lo sợ. Tôi thật sự muốn làm một người phụ nữ bình thường như bao nhiêu phụ nữ bình thường khác. Nhưng thật không dễ dàng gì.

Lần cuối bị đưa vô Trường Phục hồi nhân phẩm phụ nữ 2, nhân viên của trường vừa thấy tôi liền la lên: “Trời đất! Con nhỏ này sao mà giống bắt cóc bỏ đĩa quá vậy!”. Cô Thanh, nhân viên của lớp mây - tre - lá, nhận tôi về lớp của cô. Tôi vừa xúc động vừa hổ thẹn. Bao nhiêu lần bị bắt vô trường, cô Thanh đều giúp đỡ, đều tha thứ bao dung. Cô động viên tôi: “Lần này em cố gắng phấn đấu, cô sẽ tìm cách giúp em được hồi gia danh chánh ngôn thuận đàng hoàng, đừng trốn trường nữa”.

Tôi không hứa với cô nhưng từ trong tâm khảm tôi tự hứa sẽ không bỏ trốn nữa. Tôi ở trường phấn đấu thật tốt, tham gia mọi công tác của trường. Trong thời gian đó, tôi gặp được dì Tư Đỗ Duy Liên. Dì đến thăm trường và xem kết quả học tập của tất cả các chị em. Sau khi đọc bài báo tường do tôi viết, dì gọi tôi lên nói chuyện: “Dì thấy con có khả năng về văn hóa. Sao con không tìm việc gì để làm? Con cứ sống như vầy hoài làm sao có tương lai?”.

Đợi dì nói xong, tôi xin phép dì cho tôi được nói. Dì đồng ý lắng nghe tôi: “Thưa dì, nếu như dì là giám đốc của một công ty, thấy hoàn cảnh của con như vầy dì có dám nhận con vào làm nhân viên hay không, dù là nhận con vào chỉ để làm tạp vụ? Con chắc là không rồi. Nếu là giám đốc, dì nhận con vào làm trong khi quá khứ của con chẳng tốt, dì cũng sợ mang tiếng với nhân viên chứ. Còn nếu dì là người giàu có, dì cũng không dám cho con mượn tiền vì biết nhà cửa con ở đâu mà đòi. Ai cũng nói tốt được hết, nhưng khi đụng thực tế thì khác. Con đâu muốn làm người xấu, cũng đâu muốn bị bắt vô trường hoài. Con cũng muốn sống tốt lắm chứ, nhưng vốn liếng lấy đâu ra! Nhà cửa thì không có, giấy tờ cũng không, làm sao sống tốt được hả dì?”.

Nghe tôi nói một hơi, dì bảo lần đầu tiên dì gặp được một người dám nói sự thật với dì. Tôi hứa với dì sẽ cố gắng phấn đấu và không trốn trường nữa. Cô Thanh cũng được ban giám hiệu khen thưởng vì đã giáo dục được một người như tôi chịu sống tốt. Mỗi khi Nhà văn hóa Thủ Đức có chương trình ca nhạc, cô Thanh đề xuất cho tôi được ra ngoài xem vì cô tin tưởng tôi không bỏ trốn. Thấy cô lúc nào cũng yêu thương tin tưởng, tôi càng quyết tâm tiến bộ cho cô vui. Hai năm trời tôi sống ở trường và phấn đấu tốt. Đó là điều mà tất cả nhân viên của trường không ai ngờ. Làm việc quá sức, cơ thể tôi bắt đầu suy kiệt, người gầy nhom. Phòng y tế không tìm ra bệnh. Cô Thanh xót xa, lại xin cho tôi đi phép chữa bệnh. Trước khi tôi ra khỏi cổng trường, cô Thanh khuyên tôi nên về tìm má, và nếu được, tôi nên cố gắng sống tốt, sau này có giấy hồi gia nên sống bên má, đừng để phải vào trường nữa.

Chữa bệnh xong, tôi ở luôn ngoài đời không vô trường nữa, cũng không cần sống tốt hay chờ giấy hồi gia làm gì! Lại tiếp tục cuộc sống lê lết trên đường phố về đêm. Canh có chiến dịch là tôi nghỉ làm, ở nhà mượn tiền sống tạm, chờ qua chiến dịch lại tiếp tục kiếm tiền trả nợ.

Ban đêm tôi đi làm, ban ngày ngủ vùi lấy sức. Chiến dịch liên miên, tôi có kinh nghiệm hơn nên không để bị bắt. Ế ẩm, lại mượn nợ. Lãi mẹ đẻ lãi con. Nợ chồng nợ chất. Tôi kêu trời, trời không thấu; kêu đất, đất không nghe. Tôi lại tìm đến “cô ba phù dung”, lại chích cho quên đời. Chích, chích cho nhiều, cho mau chết để thoát khỏi cuộc đời đau khổ này. Nhưng không thể nào chết được.

_____________________

Kỳ tới: Đốm lửa trong đêm

TRƯƠNG THỊ HỒNG TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên