08/02/2007 14:37 GMT+7

Vòng đàm phán Uruguay

TTO
TTO

TTO - Xin nói rõ hơn về nội dung, tiến trình, các thỏa thuận đạt được của vòng đàm phán Uruguay. Có phải đây là vòng đàm phán ảnh hưởng nhiều WTO sau này?(viettrung...@yahoo.com)

- Xin trả lời câu hỏi của bạn như sau:

Vòng đàm phán Uruguay( 1986-1994): bao gồm 125 nước tham gia. Đây là vòng đàm phán cuối cùng và cũng là vòng đàm phán tham vọng nhất trong số tất cả các vòng đàm phán của GATT. Vòng đàm phán này đã dẫn đến việc thành lập WTO và thông qua một loạt các hiệp định mới.

Những nét chính của vòng này là: thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thay thế cho GATT; giảm thuế và các biện pháp trợ cấp xuất khẩu; giảm hạn ngạch và các hạn chế nhập khẩu khác trong vòng 20 năm; ký kết Hiệp định về Bảo hộ Quyền sở hữu Trí tuệ liên quan đến Thương mại (TRIPS); mở rộng phạm vi áp dụng của luật thương mại quốc tế sang lĩnh vực dịch vụ thông qua Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS); dỡ bỏ hạn chế đối với đầu tư nước ngoài.

Ý tưởng về Vòng đàm phán Uruguay được nhen nhóm vào tháng 11-1982 tại một hội nghị cấp Bộ trưởng của các nước thành viên GATT tại Geneva. Bấy giờ, các vị Bộ trưởng đã dự định tiến hành một vòng đàm phán lớn nhưng hội nghị lúc đó đã không vượt qua được rào cản quá lớn là vấn đề nông nghiệp và bị coi như thất bại. Song trên thực tế, một chương trình làm việc mới đã được lên kế hoạch và đây chính là tiền đề cho chương trình vòng đàm phán Uruguay.

Tuy nhiên, phải mất bốn năm vất vả cùng nhiều nỗ lực tìm kiếm và làm sáng tỏ những vấn đề cần bàn cũng như quyết tâm tiến tới thỏa thuận thì các vị bộ trưởng mới đi đến quyết định tiến hành vòng đàm phán mới. Quyết định này được đưa ra vào tháng 9-1986 tại Punta del Este (Uruguay).

Các vị bộ trưởng cuối cùng cũng thống nhất một chương trình đàm phán đề cập đến hầu như toàn bộ các vấn đề về chính sách thương mại còn bỏ ngỏ cho tới thời điểm bấy giờ. Các cuộc đàm phán có nhiệm vụ thúc đẩy việc mở rộng thương mại đến nhiều lĩnh vực mới, đặc biệt là thương mại dịch vụ và sở hữu trí tuệ, đồng thời cải tổ các chính sách thương mại đối với những sản phẩm nhạy cảm như nông sản và hàng dệt may.

Tất cả các điều khoản của GATT cũng sẽ được đưa ra xem xét lại. Đây sẽ là vòng đàm phán lớn nhất từ trước tới nay và các vị bộ trưởng đã nhất trí dành tới 4 năm để thực hiện nó một cách tốt đẹp.

Hai năm sau, vào tháng 12-1988, các vị bộ trưởng lại một lần nữa nhóm họp tại Montréal (Canada) để đánh giá những tiến bộ đã đạt được sau nửa chặng đường thực hiện vòng đàm phán. Nhiệm vụ lúc bấy giờ là xây dựng kế hoạch hành động cho hai năm còn lại của lịch trình đàm phán. Tuy nhiên các cuộc thương thảo đã đi vào ngõ cụt và mãi tới tháng 4 năm sau, các quan chức cấp cao mới lại gặp mặt nhau tại Giơnevơ để tranh luận một cách bình tĩnh hơn.

Tại hội nghị Montréal, bất chấp một số tồn tại, các vị bộ trưởng đã cùng công nhận một loạt các thành tựu đầu tiên, đặc biệt là sự nhượng bộ về thị trường cho sản phẩm của các quốc gia phương Nam để giúp đỡ các nước đang phát triển cũng như hợp lý hóa hệ thống giải quyết tranh chấp và thiết lập cơ chế kiểm tra đầu tiên mang tính chất toàn diện, hệ thống và định kỳ các chính sách và hoạt động thương mại của các nước thành viên GATT.

Các cuộc đàm phán lẽ ra sẽ kết thúc vào thời điểm diễn ra hội nghị bộ trưởng tháng 12-1990 tại Bruxelles. Nhưng các vị bộ trưởng đã không thành công trong việc đàm phán về cải cách thương mại đối với nông phẩm và quyết định kéo dài thời gian tranh luận. Vòng đàm phán Uruguay lúc này bước vào giai đoạn tồi tệ nhất.

Cho dù triển vọng về mặt chính trị tỏ ra không mấy sáng sủa, các công tác chuẩn bị vẫn được tiếp tục khẩn trương để cho ra đời bản dự thảo công cụ có hiệu lực pháp lý cuối cùng. Arthur Dunkel, bấy giờ là tổng giám đốc GATT, nhân vật chủ trì các cuộc đàm phán cấp cao là người đã soạn thảo dự thảo “Văn kiện cuối cùng”. Văn bản này được trình bày trước các bên tham gia đàm phán tại Geneva tháng 12-1991. Văn bản này giống hoàn toàn với văn bản được soạn thảo tại Punta del Este, chỉ thiếu danh sách cam kết của các quốc gia về vấn đề giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường dịch vụ. Bản dự thảo này là cơ sở xây dựng hiệp định chính thức.

Trong 2 năm tiếp theo, các cuộc đàm phán đã diễn ra hết sức khó khăn, thành công và thất bại đều hết sức mong manh. Tiến trình đàm phán thường chậm hơn so với tiến độ. Cùng với nông nghiệp, những vấn đề khác như thương mại dịch vụ, thâm nhập thị trường, luật chống bán phá giá hay thậm chí việc thiếp lập một thể chế kinh tế mới cũng trở thành những chủ đề gây xung đột. Sự bất đồng giữa Mỹ và liên minh châu Âu là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự thành công rất được trông đợi của các cuộc thảo luận.

Tháng 11-1992, Mỹ và Uỷ ban châu Âu đã vượt qua phần lớn những bất đồng về nông nghiệp giữa hai bên để cùng đi đến một hiệp định chung mang tên “Hiệp định Blair House”. Tháng 7-1993, các nước trong nhóm bộ tứ (Mỹ, Uỷ ban châu Âu, Nhật, Canada) thông báo đã có những tiến bộ đáng kể trong đàm phán về thuế quan và những vấn đề liên quan (mở cửa thị trường). Phải đợi đến ngày 15-1-1993 thì tất cả các vấn đề mới được giải quyết và các cuộc bàn thảo về việc mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ mới kết thúc, dù rằng đối với những vấn đề này, nhân tố mang tính chất quyết định một tuần sau đó mới ngã ngũ. Ngày 15-4-1994, các vị bộ trưởng của gần 123 quốc gia tham gia đàm phán đã ký kết các hiệp định này trong một cuộc họp diễn ra tại Marraketch (Maroc).

Sự chậm trễ liên tiếp trong các cuộc đàm phán cũng có mặt tích cực của nó. Đối với một số vấn đề về dịch vụ, sở hữu trí tuệ hay thậm chí việc hình thành tổ chức thương mại thế giới sẽ không thể tiến xa đến thế nếu đàm phán được tiến hành vào năm 1990.

Tuy nhiên, việc phải làm còn quá nhiều và những nhân vật chịu trách nhiệm về các vấn đề thương mại của các quốc gia bắt đầu mỏi gối chồn chân. Việc đi đến một hiệp định chung cho hầu hết các vấn đề thương mại tỏ ra hết sức khó khăn khiến một số người cho rằng tổ chức một vòng đàm phán ở quy mô lớn đến thế là điều không tưởng. Trong khi ấy, rất nhiều vấn đề đã được lên lịch trình bàn bạc trong các hiệp định ký kết trong khuôn khổ vòng đàm phán Uruguay.

Năm 1996, một số quốc gia đã dứt khoát yêu cầu xúc tiến một vòng đàm phán mới vào đầu thế kỷ 21. Phản ứng trước yêu cầu này không thống nhất song rõ ràng hiệp định Marraketch đã tập hợp những cam kết mở lại đàm phán về các vấn đề nông nghiệp và dịch vụ vào cuối thế kỷ 20. Các cuộc đàm phán được bắt đầu vào năm 2000 và đặt trong khuôn khổ vòng đàm phán Doha vì sự phát triển.

Điều gì đã xảy ra với GATT: Tổ chức thương mại thế giới đã thay thế GATT với tư cách một tổ chức quốc tế song những gì đạt được sau vòng đàm phán Uruguay cho thấy thực tế. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại vẫn tồn tại và có hiệu lực vì nó là hiệp định khung của tổ chức thương mại thế giới trong các vấn đề về trao đổi hàng hóa.

Các luật gia thương mại để ý đến sự khác nhau giữa GATT năm 1994 với những phần của GATT được giữ đến ngày hôm nay và GATT của năm 1947 (GATT 1947 vẫn luôn là nền tảng của GATT 1994). Đây liệu có phải là một sự thay đổi? Đối với đa số, chỉ cần nói GATT là đủ.

Chương trình lập kế hoạch sau vòng đàm phán Uruguay: Rất nhiều hiệp định được ký kết trong khuôn khổ vòng đàm phán Uruguay có một phần xác định lịch trình cho những việc phải làm trong tương lai. Một số việc được tiến hành lập tức sau đó. Đối với một số lĩnh vực, việc phải làm là tiếp tục đàm phán hoặc xúc tiến những cuộc đàm phán mới.

Một số lĩnh vực khác lại yêu cầu đánh giá tình hình triển khai hiệp định vào những thời điểm cụ thể. Một số cuộc đàm phán kết thúc rất chóng vánh, đặc biệt là về vấn đề hạ tầng viễn thông và dịch vụ tài chính (chính phủ các nước đã rất nhanh chóng đi đến thống nhất về việc mở cửa thị trường thương mại sản phẩm công nghệ thông tin, vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ của chương trình bộ phận này).

Sau vòng đàm phán Uruguay, đã có những sửa đổi và mở rộng nội dung đối với văn bản gốc về chương trình kế hoạch. Một chương trình kế hoạch bao gồm hơn 30 phần. Sau đây là một số vấn đề đáng chú ý:

1996: Dịch vụ vận tải hàng hải: kết thúc đàm phán về mở cửa thị trường (tiến hành vào ngày 30-6-1996, hoãn lại tới năm 2000, sau chuyển sang chương trình phát triển Doha)

Dịch vụ và môi trường: xác định thời hạn báo cáo kết quả của nhóm công tác (hội nghị bộ trưởng tháng 12 năm 1996)

Dịch vụ công: tiến hành đàm phán

1997: Hạ tầng viễn thông: kết thúc đàm phán (15-2); Dịch vụ tài chính: kết thúc đàm phán (30- 12); Sở hữu trí tuệ: thiết lập hệ thống đóng dấu và đăng ký mã vùng đối với các sản phẩm rượu vang: tiến hành đàm phán, trở thành một bộ phận trong chương trình đàm phán vì sự phát triển Doha

1998: Hàng dệt may: một giai đoạn mới bắt đầu vào ngày 1-1; Dịch vụ: (các biện pháp khắc phục kịp thời): áp dụng kết quả đàm phán liên quan đến các biện pháp khắc phục kịp thời (trước 1-1-1998, hoãn lại đến tháng 3-2004); Luật về xuất xứ sản phẩm: chương trình làm việc đi đến sự thống nhất tương đối giữa luật về xuất xứ sản phẩm của các quốc gia (20-7-1998); Thị trường công: mở những cuộc đàm phán mới để cải thiện hệ thống luật và thủ tục (trước năm 1998); Giải quyết tranh chấp: xem xét kỹ về luật và thủ tục giải quyết tranh chấp (trước năm 1998)

1999: Sở hữu trí tuệ: bắt đầu xem xét một số ngoại lệ đối với việc cấp bằng sáng chế và bảo vệ đa dạng thực vật

2002: Nông nghiệp: bắt đầu tiến hành đàm phán, thuộc Chương trình phát triển Doha; Dịch vụ: Bắt đầu một loạt các cuộc đàm phám mới, thuộc chương trình phát triển Doha; Ràng buộc thuế quan: xem xét lại khái niệm ‘nhà cung cấp chính’ tại điều 28 trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại về quyền của người tham gia đàm phán đối với việc sửa đổi ràng buộc; Sở hữu trí tuệ: Lần đầu tiên đã có kiểm tra định kỳ (2 năm một lần) việc thực thi hiệp định

2002: Dệt may: bắt đầu giai đoạn đầu tiên (1-1)

2005: Dệt may: áp dụng hoàn toàn trong khuôn khổ GATT và chấm dứt thời gian hiệu lực của hiệp định (1-1)

Mời bạn đọc BẤM VÀO ĐÂY để đọc thêm các thông tin thường thức về tổ chức thương mại thế giới, BẤM VÀO ĐÂY để theo dõi quá trình VN gia nhập WTO.

Từ wto.org, sách Tìm hiểu về tổ chức thương mại thế giới của UBHTKTQT

TTO

Mời bạn đọc gửi câu hỏi qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online sẽ kết hợp với các chuyên gia giúp bạn giải đáp 1.001 các thắc mắc thường thức về WTO. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ unicode).

TTO

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên