06/10/2022 15:28 GMT+7

Vốn Nhật vào Việt Nam đang chuyển sang ngành có giá trị gia tăng cao

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản dành nhiều quan tâm đến Việt Nam trong quá trình dịch chuyển sản xuất, nhưng rào cản thiếu lao động chất lượng cao cũng như nguồn cung ứng nguyên liệu tại chỗ đang khiến các kế hoạch bị chần chừ.

Vốn Nhật vào Việt Nam đang chuyển sang ngành có giá trị gia tăng cao - Ảnh 1.

Triển lãm cập nhật máy móc, công nghệ hiện đại trong ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay - Ảnh: N.BÌNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tại triển lãm “METALEX Vietnam 2022” khai mạc ngày 6-10 ở TP.HCM, ông Matsumoto Nobuyuki, trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, cho biết trong tương lai gần Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các ngành sản xuất cần nhiều lao động, tận dụng chi phí nhân sự giá rẻ. 

Tuy nhiên, vốn đầu tư từ Nhật Bản đang có sự dịch chuyển sang các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn và đi cùng với đó là nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao. Xu hướng này tập trung vào sự đa dạng hóa gia nhập trong chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó chuyển dịch này không giới hạn ở quốc gia doanh nghiệp Nhật Bản đang hiện diện mà diễn ra trên phạm vi toàn cầu. 

"Về một mặt nào đó, lao động giá rẻ vẫn quan trọng trong các quyết định của nhà đầu tư Nhật Bản. Nhưng khía cạnh khác cần được quan tâm hơn trong xu hướng này là nhu cầu tìm kiếm nguồn lao động có trình độ cao. Lợi thế của TP.HCM là trung tâm đào tạo lớn, có sẵn nguồn nhân lực chất lượng cao, song có thể nói hiện vẫn chưa thể đáp ứng đủ trong xu hướng mở rộng chuỗi cung ứng của nhà đầu tư quốc tế", ông Matsumoto Nobuyuki nói. 

Đại diện JETRO cũng nhìn nhận đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ TP.HCM ra các địa phương lân cận khi giá nhân công ở TP tăng cao và trội hơn so với các vùng khác. Những trở ngại này khiến cho nhà đầu tư Nhật Bản mới dừng ở mức độ quan tâm thị trường Việt Nam, chứ chưa mạnh dạn đi vào đầu tư.

Triển lãm "METALEX Vietnam 2022" năm nay diễn ra từ ngày 6 đến 8-10 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC). Bên cạnh những máy móc tiên tiến để phát triển ngành gia công kim loại, sự kiện đồng địa điểm với "Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2022" được phối hợp tổ chức bởi JETRO để kết nối quan hệ giữa các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, đồng thời thúc đẩy các ngành sản xuất trụ cột tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn.

Trong triển lãm năm nay, các nhà mua hàng Nhật Bản đã chọn cách thức trưng bày những sản phẩm, linh kiện sản xuất muốn mua thay cho đi tìm sản phẩm mà các nhà cung ứng Việt Nam đem đến triển lãm. "Cách thức triển lãm này từng được tổ chức ở một số nước và đem lại tỉ lệ kết nối thành công khá cao", ông Matsumoto Nobuyuki nói. 

Năm nay triển lãm thu hút hơn 250 thương hiệu đến từ 20 quốc gia và 8 nhóm gian hàng quốc tế, góp phần tăng cường mua bán với khách hàng chất lượng.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam

TTO - Các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư và có tới 55% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng, theo trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên