20/12/2012 06:14 GMT+7

Vốn cho cá tra nằm ở đâu?

T.MẠNH - Đ.BÌNH - L.THANH
T.MẠNH - Đ.BÌNH - L.THANH

TT - Ngày 19-12, Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) cho biết thông tin về dư nợ (số tiền mà người vay còn nợ ngân hàng) của ngành cá tra tính đến hết tháng 9-2012 là 38.000 tỉ đồng mà một số báo đưa trong thời gian qua là không chính xác.

Thực tế, theo NHNN, trong chín tháng đầu năm 2012, doanh số cho vay đối với hoạt động nuôi trồng, thu mua chế biến cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đạt 38.218 tỉ đồng và dư nợ cho vay cá tra tại khu vực này tính đến ngày 30-9 đạt 20.784 tỉ đồng, tăng 14,03% so với dư nợ cho vay cuối năm 2011. Ngoài ra, đại diện Vụ Tín dụng (NHNN) cũng cho biết tính đến ngày 30-10, doanh số cho vay đối với ngành cá tra là 42.000 tỉ đồng, dư nợ là 21.000 tỉ đồng.

Với số dư nợ mà NHNN công bố, ông Dương Ngọc Minh - phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) - cho rằng đó là số tiền rất lớn được đưa ra cho ngành cá tra vay. Tuy nhiên, ông Minh băn khoăn: “Nếu con số này đổ vào ngành cá tra thì không lý do gì thị trường lại đang thiếu tiền như hiện tại”. Bởi nếu ngân hàng đẩy mạnh cho vay như đã thực hiện sau khi có chủ trương hỗ trợ nơi chế biến cá tra, tình hình sẽ khác.

Theo báo cáo của NHNN từ ngày 15-8 đến 30-10, doanh số cho vay đối với nuôi, chế biến cá tra là 10.354 tỉ đồng. Con số này khá tương đồng với nhận định của VASEP từ khi triển khai cho vay hỗ trợ cá tra với lãi suất thấp 11%/năm (cuối tháng 8-2012) đã có khoảng 10.000 tỉ đồng được các ngân hàng bơm ra cho ngành cá tra. Và cũng trong khoảng thời gian đó, doanh số xuất khẩu cá tra đạt gần 500 triệu USD (khoảng 10.000 tỉ đồng).

Theo ông Minh, hiện nông dân nuôi cá đang “treo ao” vì không có tiền đầu tư mua cá giống, mua thức ăn, còn các doanh nghiệp thiếu vốn phải nợ tiền cá của nông dân từ 1-3 tháng. Có nơi doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm tới 90% công suất. “Nông dân và doanh nghiệp chế biến cá tra vẫn rất khó vay vốn trong thời gian qua. Do đó cần thiết phải có sự mổ xẻ phân tích rõ nguồn vốn đó đã đi về đâu” - ông Minh nói.

Theo VASEP, thống kê của NHNN cho thấy từ đầu năm đến nay đã có 6.000 hộ nuôi và trên 250 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra được vay vốn, và con số này cần phải xem xét lại. Ông Dương Ngọc Minh cho biết hiện VASEP chỉ quản lý trên 70 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra.

Nếu tính cả các doanh nghiệp ngoài hiệp hội thì cả năm 2012 cũng chỉ có 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, giảm 71 doanh nghiệp so với năm 2011. Mặt khác, tổng diện tích nuôi cá tra cả nước năm 2012 chỉ trên 5.000ha, trong đó có tới 50% ao nuôi do các doanh nghiệp tự đầu tư. Tức là trung bình mỗi hộ dân chỉ nuôi một nửa hecta là không hợp lý, vì con số mà VASEP ghi nhận thực tế lớn hơn.

Do đó, theo nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra, dòng vốn hỗ trợ có thật sự bơm đúng đối tượng nuôi và sản xuất cá tra hay bị các ngành nghề khác lợi dụng chính sách này để tăng nợ và đảo nợ. Không loại trừ một số công ty và cá nhân đã lập dự án kinh doanh cá tra để vay vốn nhưng lại đầu tư vào ngành khác. Chưa kể có những doanh nghiệp cá tra “đã chết” từ vài năm nay nhưng ngân hàng ngại nợ xấu không dám công bố nên vẫn đưa dư nợ của họ vào doanh số cho vay. “Nếu không làm rõ cơ cấu tiền rót cho cá tra để có chính sách hợp lý thì sang năm 2013 sẽ cực kỳ khó khăn vì sẽ thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu” - ông Minh cho biết.

T.MẠNH - Đ.BÌNH - L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ngân hàng cá tra vốn