21/02/2012 12:11 GMT+7

Vô tù vì không có tiền cấp dưỡng cho con

NGỌC HẬU
NGỌC HẬU

TT - Một người cha nghèo không có tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn, bị công an khởi tố tội không chấp hành bản án.

Bắt người cha vô tù, cơ quan thi hành pháp luật chẳng những không giải quyết được gì cho đứa con cần cấp dưỡng, mà còn làm cho hai đứa con còn lại khốn đốn, lao đao.

7xGTsaHS.jpgPhóng to
Chị Châu và con nhỏ trong căn nhà tồi tàn, vốn là tài sản để lại từ vụ ly hôn trước - Ảnh: Ngọc Hậu

Nhiều người dân xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cảm thấy hết sức bất ngờ khi chứng kiến anh Nguyễn Văn Định, phụ hồ hiền lành, bị còng tay áp giải vô tù vì không cấp dưỡng cho con.

Năm 2001, tòa phúc thẩm TAND tỉnh Tiền Giang đã công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh Nguyễn Văn Định (sinh năm 1973) và chị N.T.M.H.. Tòa ghi nhận sự thỏa thuận để chị H. được nuôi con chung là bé N.H.A., sinh năm 1995, buộc anh Định trả lại cho chị H. 3 triệu đồng là giá trị 1/2 ngôi nhà tài sản chung. Anh Định cũng có nghĩa vụ góp tiền cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng tương đương 15kg gạo (thực hiện từ tháng 10-2000 đến khi bé N.H.A. được 18 tuổi).

Công an: đương sự trốn tránh

Theo Công an huyện Chợ Gạo, dù đã nhiều lần được động viên, giáo dục và ấn định thời gian để tự nguyện thi hành án nhưng anh Định vẫn cương quyết không thi hành. Ngày 7-7-2008, cơ quan thi hành án kê biên tài sản của anh Định gồm một xe gắn máy Trung Quốc cũ, một con bò mẹ và con bò con được định giá tổng cộng 14,4 triệu đồng. Tháng 3-2009, Thi hành án huyện Chợ Gạo đến nhà anh Nguyễn Văn Định tiến hành cưỡng chế thì tài sản kê biên đã bị tẩu tán.

Ngày 26-7-2011, Chi cục Thi hành án huyện Chợ Gạo có văn bản đề nghị Công an huyện Chợ Gạo khởi tố vụ án đối với Nguyễn Văn Định. Ngày 18-10, Công an huyện Chợ Gạo đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt giam. Đến ngày 27-10, cơ quan điều tra mới bắt được Nguyễn Văn Định và hiện đã kết thúc điều tra, chuyển viện kiểm sát đề nghị truy tố anh Định về tội không chấp hành bản án.

Thi hành án không nhận tiền

Khi gặp chúng tôi, chị Lê Thị Châu - người vợ hiện nay của anh Định - bàn tay thô ráp vẫn còn dính đầy bùn đất. Chị ôm khư khư chiếc túi nilông thủng lỗ được vá cẩn thận bằng tấm vải nhỏ vuông vắn, run run giở bản sao những tờ giấy, những lá đơn kêu cứu đã gửi đi khắp nơi trong mấy tháng qua.

Kể trong nước mắt, chị Châu cho biết chị kết hôn năm 2003, khi cưới về ngôi nhà chẳng có gì ngoài tủ, giường, bàn ghế... Hai vợ chồng đi làm thuê làm mướn kiếm sống nuôi đứa con mới sinh. Đến năm 2008, thi hành án mời tới mời lui, chị Châu được người thân trong gia đình cho coi bản án ly hôn và khuyên chạy vay mượn 3 triệu đồng để đóng cho thi hành án. Lúc này đang bụng mang dạ chửa đứa con thứ hai, chị Châu đi vay được 3 triệu đồng đem tới nhưng đội thi hành án không nhận mà cho rằng phải đóng đủ cả tiền cấp dưỡng.

Một tháng sau, lúc chị vừa sinh xong, thi hành án đến kê biên chiếc xe máy và hai con bò. Lúc này, mẹ chị Châu có mặt ở đó nói rằng con bò là tài sản của bà, bà cho nuôi rẽ (một hình thức nuôi hợp tác, bên có của, bên bỏ công sức) chứ không phải là của anh Định. Tuy nhiên, thi hành án vẫn kê biên số tài sản nói trên và sau đó bán đấu giá mà không thông báo cho gia đình chị Châu.

Giải thích chuyện này, ông Hứa Văn Bắc, phó chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Chợ Gạo, nói việc bán đấu giá diễn ra công khai và có hai người đăng ký. Sau đó, vợ cũ của anh Định trúng thầu đấu giá và trả tiền đầy đủ cho thi hành án nhưng bây giờ chưa nhận được tài sản do đã bị anh Định tẩu tán.

Ông Bắc khẳng định chị Châu có đem 3 triệu đồng lên nộp nhưng lúc này tổng số tiền phải thi hành án là hơn 14 triệu đồng, và phía bên vợ cũ của anh Định yêu cầu phải có đủ tiền mới nhận. Chúng tôi đặt vấn đề số tiền vợ anh Định đã đem nộp 3 triệu đồng, gần bằng với trị giá chiếc xe gắn máy bị kê biên (4 triệu đồng), đây là thiện chí của đương sự sao không nhận? Ông Bắc cho rằng người được thi hành án không lấy thì thi hành án không thể nhận vì chẳng biết quản lý số tiền này như thế nào.

Theo Thi hành án huyện Chợ Gạo, đến thời điểm này ước tính tổng số tiền anh Định phải thi hành án là hơn 23 triệu đồng, bao gồm hơn 20 triệu tiền cấp dưỡng cho con (15kg gạo mỗi tháng tính từ tháng 10-2000 đến năm 2012) và 3 triệu đồng là trị giá 1/2 tài sản chung.

Người dân: gia đình anh Định rất nghèo

Bà Bùi Ngọc Lệ (ngụ ấp Bình Ninh, xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo) cho biết gia đình anh Định - chị Châu rất nghèo, anh Định là lao động chính trong nhà. Bà Lệ chua xót cho rằng cơ quan chức năng bắt anh Định chỉ khiến gia đình này lâm vào cảnh bần cùng hơn. Ông Nguyễn Văn Lượng (ngụ ấp Bình Ninh) khẳng định gia đình anh Định rất nghèo, khó có tiền để thi hành bản án. Ông Lượng nói trong xóm cũng có nhiều trường hợp ly hôn sau đó không chu cấp cho con như thế nhưng có ai bị gì đâu.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, trưởng ấp Bình Ninh, khẳng định chiếc xe gắn máy Trung Quốc của gia đình anh Định là mua sau này nhờ tiền hai vợ chồng dành dụm.

Ông Quý cũng cho biết gia đình anh Định là hộ nghèo 3-4 năm liền, ngay cả trong thời điểm thi hành án kê biên tài sản. Đến năm 2009, vợ chồng anh Định dù đi làm thuê, công việc bấp bênh nhưng cộng lại thu nhập hơn 300.000 đồng/tháng nên được đưa ra khỏi hộ nghèo. Ông Quý cho biết do anh Định bị tạm giam, chắc sang năm sẽ đưa gia đình này vào diện hộ nghèo trở lại vì chị Châu làm thuê bấp bênh, ngày có việc ngày không. Ông Quý cho rằng anh Định không trốn tránh thi hành án, những lúc cơ quan chức năng đến nhà không gặp là do anh đi làm thuê không có ở nhà. “Làm thuê làm mướn mà nghỉ ở nhà một ngày thì ai mà thuê mướn nữa, làm sao có tiền sinh sống” - ông Quý nói.

Nước mắt ràn rụa, chị Châu cho biết từ ngày anh Định bị bắt, chị ở nhà một nách hai con khốn khổ mọi bề. Hằng ngày chị phải đi hái ớt, cắt lúa và nhổ củ gừng mướn. Đứa lớn đi học còn đỡ, đứa nhỏ phải dắt theo để ngồi trên bờ phơi nắng. Hơn ba tháng qua, chị Châu tất tả chạy lên chạy xuống công an huyện để xin thăm nuôi mà đến nay vẫn chưa gặp được mặt chồng.

Không nên truy cứu trách nhiệm hình sự anh Định

Theo tôi, việc khởi tố anh Nguyễn Văn Định về tội không chấp hành án (điều 304 Bộ luật hình sự 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) là chưa phù hợp với quy định của pháp luật bởi lẽ chị Châu, vợ anh Định, đã tích cực trong việc chấp hành án. Chị đã mang 3 triệu đồng đến cơ quan thi hành án, nhưng cơ quan này không nhận mà nêu ra một lý do không thuyết phục (người được thi hành án không lấy).

Hơn nữa, trong tội không chấp hành án cũng phải thỏa mãn điều kiện “mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết nhưng người phải thi hành án vẫn cố ý không chấp hành án”, trong trường hợp anh Định, cơ quan thi hành án lại đề nghị khởi tố anh Định ngay khi cưỡng chế mà không có tài sản để cưỡng chế. Ngoài ra, việc kê biên tài sản cũng chưa tuân thủ đúng quy định, bởi lẽ theo Luật hôn nhân và gia đình, tài sản (chiếc xe gắn máy) được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung hợp nhất của vợ chồng anh Định chứ không chỉ của riêng anh.

Cuối cùng, mục đích của hình phạt và truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân chủ yếu để cải hóa người có hành vi phạm tội có lối sống tích cực hơn, đóng góp cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, việc truy cứu trách nhiệm hình sự anh Định đi ngược lại mục đích nói trên, gây thêm gánh nặng cho gia đình anh và khiến con của anh càng không có đủ điều kiện để được nuôi dưỡng tốt. Do đó, theo tôi, các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh Tiền Giang không nên truy cứu trách nhiệm hình sự anh Định để anh có điều kiện thi hành án, chăm lo cho gia đình và nuôi dưỡng các con ăn học nên người.

NGỌC HẬU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên