29/09/2015 10:43 GMT+7

Vô tư đi bộ băng ngang quốc lộ

L.GIANG (lamgiang@tuoitre.com.vn)
L.GIANG (lamgiang@tuoitre.com.vn)

TT - Chuyện này từng xảy ra nhiều nơi và nay tiếp tục xảy ra ở quốc lộ 1, đoạn qua tỉnh Quảng Bình vừa mới nâng cấp xong khoảng ba tháng nay.

Một học sinh trèo qua dải phân cách để băng qua quốc lộ 1, đoạn qua làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - Ảnh: Lam Giang
Một học sinh trèo qua dải phân cách để băng qua quốc lộ 1, đoạn qua làng Lý Hòa, xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - Ảnh: Lam Giang

Nhiều khi thót tim vì thấy người leo lên dải phân cách và nhảy xuống ngay trước đầu xe

Anh Trần Ngọc Tuấn (tài xế xe chở đá ở Bố Trạch, Quảng Bình)

Người dân địa phương đã tự ý tháo dỡ dải phân cách hoặc tấm lưới chống lóa gắn trên dải phân cách để băng qua đường, bất chấp nguy hiểm cho bản thân và xe cộ đang lưu thông.

Gỡ tấm chống lóa để dễ... leo qua

Một số đoạn quốc lộ 1 sau khi nâng cấp đã được đặt dải phân cách trên toàn tuyến nhằm tránh tai nạn do xe đối đầu. Phía trên dải phân cách còn có một tấm lưới kim loại nhằm chống lóa đèn cho ôtô, xe máy chạy chiều ngược vào ban đêm, vừa để ngăn cách triệt để hai luồng đường.

Theo quan sát của chúng tôi, có gần 50 tấm chống lóa trên dải phân cách đoạn qua các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã bị người dân tháo bỏ để băng qua đường.

Trong đó, đoạn từ cầu Lý Hòa (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) đến chân đèo Lý Hòa chỉ dài hơn 1km nhưng đã có hơn 10 tấm lưới chống lóa bị tháo dỡ, để tạo thành các lối trèo qua dải phân cách, băng qua đường.

Học sinh đi học, người trẻ lẫn người già đều qua đường bằng cách này! Một người chạy xe ôm ở đây cho biết có nhiều người già hơn 70 tuổi vẫn cố trèo qua dải phân cách để vào chợ Lý Hòa rất nguy hiểm.

Tương tự, đoạn từ ngã ba quốc lộ 1 đi cảng Gianh đến cầu Thanh Ba thuộc địa phận xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) có trên 10 tấm lưới chống lóa đã bị người dân tháo bỏ, dù đoạn quốc lộ 1 này chỉ dài hơn 1km và ngành giao thông đã mở sẵn đến ba lối cho người dân địa phương và các phương tiện qua lại an toàn.

Tại xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch), người dân cũng tự ý tháo một đoạn dải phân cách lấy lối băng qua quốc lộ để vào chợ Bắc Trạch. Các đoạn qua phường Quảng Thọ, Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) cũng bị tháo bỏ nhiều tấm chống lóa. Nhiều nơi người dân còn đưa các khối bêtông hoặc chồng gạch lên nhau làm bậc cấp để trèo dải phân cách băng qua đường.

Tại địa phận thôn Thanh Lương (xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch) người dân còn dỡ bỏ hẳn một đoạn của dải phân cách để mở lối băng qua quốc lộ 1.

Chị Mai Thị Toàn, một người dân trong xã Quảng Xuân, cho biết: “Tự ý tháo dỡ dải phân cách để qua đường là không đúng rồi. Nhưng tại đây có một ngã tư thì cấp trên cũng nghiên cứu để mở cho làng một lối đi qua quốc lộ cho thuận tiện, chứ mở ở chỗ khác như hiện nay phải đi vòng cả cây số thì xa quá”.

Sơ đồ 8 vị trí tấm chống lóa bị tháo dỡ - Đồ họa: Tấn Đạt
Sơ đồ 8 vị trí tấm chống lóa bị tháo dỡ - Đồ họa: Tấn Đạt

Khoảng cách 1km không xa

Ông Hồ Hữu Viễn, trưởng Ban quản lý dự án mở rộng và nâng cấp quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Bình, cho biết đơn vị đã gửi văn bản cho UBND các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn, đề nghị các địa phương này kịp thời ngăn chặn việc người dân tháo dỡ dải phân cách và lưới chống lóa để băng qua quốc lộ 1, gây nguy hiểm cho xe cộ lưu thông trên đường.

Ông Trần Văn Luận, phó giám đốc Sở GTVT Quảng Bình, cho hay người dân cũng có đề nghị mở các lối qua đường để tạo thuận lợi cho họ đi lại và làm ăn. Theo ông Luận, khi người dân đã kiến nghị thì sở phải nghiên cứu, làm việc với Tổng cục Đường bộ và các đơn vị đầu tư để điều chỉnh cho phù hợp, nhưng không phải kiến nghị nào cũng đúng.

Còn chuyện làm cầu vượt qua quốc lộ 1 ở các khu đông dân cư, để người dân khỏi tháo bỏ dải phân cách rất khó thực hiện, vì số người qua đường cũng không nhiều. Hơn nữa, theo ông Luận, hiện nay các lối mở sẵn trên quốc lộ 1 chỉ cách nhau trên dưới 1km là không xa lắm, người dân có thể đi vòng được.

UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công văn gửi công an tỉnh, công an các huyện và UBND các huyện, thành phố, thị xã, yêu cầu vận động các hộ gia đình dọc quốc lộ 1 không được tự ý phá bỏ dải phân cách và lưới chống lóa. Đồng thời yêu cầu các cơ quan liên quan phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Phạt tiền và buộc khôi phục nguyên trạng

Theo nghị định 171/2013 của Chính phủ, khi phát hiện, xác định được cá nhân (hay tổ chức) đã tự ý tháo dỡ, di chuyển... rào chắn, dải phân cách, mốc chỉ giới; cấu kiện, phụ kiện của công trình đường bộ, cơ quan chức năng có thể phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (đối với cá nhân), từ 6 - 10 triệu đồng (đối với tổ chức).

Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Đối với người đi bộ bằng cách leo qua dải phân cách hoặc đi qua đường không đúng nơi quy định..., theo nghị định nói trên, cơ quan chức năng có thể phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng.

Ngoài ra, người có hành vi cản trở giao thông đường bộ (như tháo dỡ, di chuyển trái phép các thiết bị an toàn giao thông đường bộ hoặc đi bộ sai quy định...) gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ (theo điều 203 Bộ luật hình sự).

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)

Chưa xử lý việc tháo dỡ dải phân cách trên quốc lộ 51

Ngày 28-9, đại diện Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (gọi tắt là BVEC, chủ đầu tư) cho biết dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 51 sau khi đưa vào sử dụng đã bị tháo dỡ dải phân cách phân làn giữa môtô, xe máy và ôtô.

Cụ thể, tại đoạn đường qua P.Long Bình Tân (TP Biên Hòa) người dân và một số doanh nghiệp đã tự ý tháo bốn điểm dải phân cách (mỗi vị trí kéo dài 10 - 20m) để đi lại, vận chuyển hàng hóa nhưng đến nay chưa thể khắc phục.

Theo đại diện BVEC, việc đóng mở dải phân cách ở các vị trí trên quốc lộ đều phải có ý kiến của các cơ quan chức năng và Tổng cục Đường bộ VN. Năm 2014, trước tình trạng người dân tự ý tháo dỡ dải phân cách, BVEC đã kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai có biện pháp xử lý nhưng không có kết quả.

Đến tháng 2-2015, BVEC tiếp tục có văn bản đề nghị xử lý các trường hợp tự ý tháo dỡ dải phân cách, để đảm bảo an toàn giao thông, nhưng đến nay các vị trí dải phân cách bị tháo dỡ vẫn còn tồn tại, rình rập gây tai nạn.

Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai xác nhận sau khi có kiến nghị của BVEC, nhiều tháng trước ban đã đề nghị Công an TP Biên Hòa khẩn trương phối hợp với BVEC và các đơn vị có liên quan điều tra, xem xét và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông đường bộ, chấm dứt tình trạng tự ý tháo dỡ dải phân cách trên quốc lộ 51. Tuy nhiên, đến nay ban này chưa nhận được kết quả kiểm tra, xử lý từ cơ quan công an.

H.M.

Không thể chỗ nào cũng mở dải phân cách

Ngày 28-9, ông Trần Xuân Sanh - cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) - cho biết trước khi mở rộng quốc lộ 1, Bộ GTVT, đơn vị thiết kế, các nhà đầu tư (với dự án BOT) đã khảo sát, lấy ý kiến của các địa phương, thống nhất chỉ mở dải phân cách làm chỗ sang đường, chỗ quay đầu xe ở những điểm có đường ngang, những nơi đông dân cư để đảm bảo điều tiết, phân luồng giao thông.

Tuy nhiên, khi dự án hoàn thành thì nhiều nơi người dân vì muốn đi thẳng từ nhà mình sang bên kia đường nhanh chóng như trước nên hầu như chỗ nào cũng muốn mở dải phân cách. Người kinh doanh cây xăng, nhà hàng, quán ăn cũng muốn mở dải phân cách theo mong muốn của họ.

“Trước thực tế này, Bộ GTVT và các địa phương đã rà soát mở thêm dải phân cách tại một số điểm theo nguyện vọng của người dân ở những nơi dân cư đông đúc. Nhưng nếu mở thêm nữa thì nguy hiểm hơn là không làm dải phân cách cứng ở giữa. Vì dòng xe trên quốc lộ 1 được tách mỗi bên hai làn riêng biệt bằng dải phân cách cứng, chạy tốc độ cao, thỉnh thoảng gặp lối mở có người, xe đi ngang thì rất nguy hiểm” - ông Sanh nói.

Theo ông Lê Ngọc Minh - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 2 (Tổng cục Đường bộ), trong tuần này Cục Quản lý đường bộ 2 sẽ làm việc với Ban an toàn giao thông tỉnh Quảng Bình để cơ quan này chỉ đạo các huyện tuyên truyền cho người dân, ngăn chặn tự ý mở dải phân cách.

“Trước đây ở các dự án mở rộng quốc lộ 1 qua Thanh Hóa, Nghệ An, người dân cũng tự ý mở dải phân cách để đi, nhưng sau một thời gian tuyên truyền, ngăn chặn đến nay người dân đã hiểu và chấp hành” - ông Minh cho biết.

TUẤN PHÙNG

L.GIANG (lamgiang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên