Võ Minh Lâm trong vai Cao Văn Lầu - Ảnh: Nguyễn Văn |
Đây có thể được xem là bộ phim truyền hình đầu tiên về ông Cao Văn Lầu, người khai sinh ra bản Dạ cổ hoài lang, làm tiền đề cho các nhạc sĩ sau này phát triển thành bài vọng cổ.
* Đã tham gia được vài phim truyền hình, nhưng khi nhận vai diễn Cao Văn Lầu trong Tơ đồng vương vấn, cảm giác của Lâm có gì khác biệt?
Phim Tơ đồng vương vấn kể về cuộc đời ông Cao Văn Lầu giai đoạn từ 18-23 tuổi, giai đoạn xảy ra nhiều biến cố và là thời điểm ông sáng tác bản Dạ cổ hoài lang. Phim được làm nhằm kỷ niệm một năm đờn ca tài tử được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Sở dĩ tôi chọn Võ Minh Lâm vào vai Cao Văn Lầu vì tôi muốn đưa người của cải lương đảm nhiệm vai diễn về một nhân vật có ý nghĩa với nền sân khấu cải lương sau này. Lâm là nghệ sĩ trẻ, mới 25 tuổi nhưng có tài, minh chứng là anh đã đoạt được rất nhiều giải thưởng nghề nghiệp quan trọng như: Chuông vàng vọng cổ, HCV Tài năng trẻ, Ngôi sao vọng cổ, HCB các hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, giải thưởng truyền hình HTV, Mai vàng... Tôi quý Lâm ở cách làm việc nghiêm túc, giờ giấc đàng hoàng, quay toàn ngoài nắng, ngoài ruộng đồng nhưng không hề kêu ca. Ở những cảnh ông Sáu bị bọn cường hào ác bá đánh đập, Lâm còn nói với tôi: “Anh cứ cho đánh thật mạnh để em có cảm giác mà diễn tốt hơn!”. Trong phim ảnh có cách để lên phim nhìn thật nhưng ở ngoài là đánh giả, tuy nhiên ở cương vị đạo diễn nghe diễn viên nói vậy tự nhiên thấy thương!Đạo diễn Xuân Phước |
- Tôi thật sự xúc động và cảm thấy rất vinh dự. Tôi đã quyết định bỏ tất cả show diễn trong giai đoạn làm phim để dồn hết tâm sức cho nhân vật đặc biệt của mình.
Tôi bước từ sân khấu cải lương sang phim ảnh nên chắc chắn có những hạn chế nhất định, nhưng tôi vẫn đang rất cố gắng thể hiện thật tốt hình ảnh ông Sáu Lầu, xem như là nén nhang thành kính dâng lên bậc tiền bối. Nói về mặt tâm linh, được đóng vai ông Sáu là điều hết sức thiêng liêng đối với tôi.
* Võ Minh Lâm là nghệ sĩ cải lương, vì vậy việc bạn vào vai ông Cao Văn Lầu được nhiều người xem là quá thuận lợi, không có gì khó khăn?
- Thật ra chỉ riêng việc bước từ sân khấu cải lương sang phim ảnh đã là một khó khăn rồi. Thêm nữa, giữa tôi và ông Sáu lại có khoảng cách lịch sử. Cuộc đời ông là cuộc đời đau khổ, bị bọn cường hào ác bá áp bức bóc lột, tình duyên thì ngang trái. Ông sống thăng trầm qua nhiều giai đoạn, cuộc sống quá cơ cực lại bị đánh đập dã man. Ông giỏi lội bùn lội ruộng, chèo ghe trong khi tôi chưa từng trải qua. Ông đàn rất hay, còn tôi chỉ biết đàn sơ sơ.
Bởi vậy, bản thân tôi đã phải nỗ lực rất nhiều. Chỉ có niềm đam mê ca hát là tôi có cảm giác rất đồng điệu với người đi trước. Mỗi khi có tâm sự mà không giãi bày được, ông đều mượn tiếng đàn lời ca để cất lên tiếng lòng. Với tôi, chỉ nghe rao đàn thôi đã thấy lòng rung động và có rất nhiều cảm xúc.
Ngày xưa trong hoàn cảnh khắc nghiệt, ông Sáu đã phải chật vật để tìm tòi, sáng tạo và sống chết với nghề. Càng đọc kịch bản tôi càng thương ông và thấy trân trọng, yêu quý cái nghiệp mình đang theo.
* Thế nhưng “cái nghiệp” đó của bạn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Bạn có tự tin sống được với cải lương trong tình hình hiện nay?
- Nói sống được với cải lương tôi không tự tin lắm, nhưng kêu bỏ nghề thì chắc tôi không bỏ. Cải lương đến với tôi như định mệnh. Tôi là dân miền Tây (Cần Thơ) nhưng được sinh ra trên đường lưu diễn của cha mẹ ở một tỉnh phía Bắc (cha mẹ Lâm trước đây từng tham gia đoàn Sông Hậu 2, Sông Hàn).
Khi ba mẹ diễn, tôi nằm võng dưới gầm sân khấu, tiếng đàn lời ca đã ru tôi vào giấc ngủ. Tôi đã chứng kiến sự cực khổ của những chuyến lưu diễn xa hàng mấy trăm cây số về miệt đồng quê, những buổi diễn muộn cả đoàn vội vã dọn đồ chèo ghe trong đêm khuya để sang bến khác.
Thấy theo cải lương cực quá nên thời còn đi học tôi từng quyết định chọn một công việc nào đó an nhàn, ổn định hơn. Rồi lại có những ngã rẽ khiến tôi quay về với cải lương. Nhưng bây giờ để sống được với cải lương là điều tôi rất trăn trở.
Nếu chịu khó đi show nhiều thì cũng đỡ, nhưng cảm giác hát ở những nơi mà ở dưới họ ăn uống hay không tập trung vào tiếng hát của nghệ sĩ khiến tôi chạnh lòng.
Tất nhiên, đi show kiếm tiền không có gì xấu, nhưng tôi mong được tham gia một sân khấu đàng hoàng, được hát trọn vở, được tập luyện, trau dồi nghề nghiệp nghiêm túc chứ cứ hát những bài ca lẻ riết rồi mình hát như cái máy, cái nghề cũng lụt đi mà cảm giác chán nản ngày càng chồng chất!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận