30/09/2009 23:50 GMT+7

Dạ cổ hoài lang: sức sống 90 năm - Kỳ cuối: "Bài ca vô địch"

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Khi bắt đầu đi tìm hiểu về bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang, chúng tôi đã bắt chuyến xe đò đi từ Sài Gòn về Bạc Liêu trong đêm. Ngay từ khi xe lăn bánh, những âm hơi ngọt ngào, trữ tình của những bản vọng cổ cũng được bật lên. Bác tài xế vừa lái xe vừa lẩm nhẩm hát theo. Có ai đó cũng hứng chí hát theo.

Dạ cổ hoài lang: sức sống 90 năm - Kỳ cuối: "Bài ca vô địch"

TT - Khi bắt đầu đi tìm hiểu về bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang, chúng tôi đã bắt chuyến xe đò đi từ Sài Gòn về Bạc Liêu trong đêm. Ngay từ khi xe lăn bánh, những âm hơi ngọt ngào, trữ tình của những bản vọng cổ cũng được bật lên. Bác tài xế vừa lái xe vừa lẩm nhẩm hát theo. Có ai đó cũng hứng chí hát theo.

Giữa đêm khuya thanh vắng, chiếc xe bon bon chở câu vọng cổ đi dọc những con đường miền Tây.

ImageView.aspx?ThumbnailID=365061
Thầy Trần Khánh hướng dẫn học viên Trường trung học VHNT Bạc Liêu hát bài Dạ cổ hoài lang - Ảnh: T.T.D.

>> Kỳ 1: Bản nhạc lòng của tình yêu thời loạn>> Kỳ 2: Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu>> Kỳ 3: Câu hoài lang vang vọng>> Lời bài Dạ cổ hoài lang>> Nghe ca khúc Dạ cổ hoài lang (Hà Thu)>> Nghe ca khúc Dạ cổ hoài lang (NSƯT Cẩm Tiên)>> Xem video Dạ cổ hoài lang (Phương Thanh)>> Khai mạc lễ kỷ niệm 90 năm bản Dạ cổ hoài lang

Nơi Dạ cổ hoài lang là số một

Nhà của ông Triệu Thanh Xuân (còn có tên là Triệu Văn Sợi, hàng xóm quen gọi là Xuân Sợi) nằm khuất sâu trong một vùng đồng khô ở ngoại vi thị xã Bạc Liêu. Nhìn căn nhà nhỏ xiêu vẹo, dáng vẻ thô mộc và bàn tay chai cứng vì lao động của ông Xuân Sợi, thật khó có thể hình dung gia đình ông đã có ba đời đờn ca hát xướng. Chỗ trang trọng nhất trong ngôi nhà là một bức vách tôn lành lặn, nơi đó treo rất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận giải thưởng của ông và các con, dâu rể trong các cuộc thi ca hát lớn nhỏ.

Ông Xuân Sợi cho biết tuy nhà nghèo, làm lụng vất vả nhưng trong nhà vẫn có nguyên một dàn máy karaoke để luyện thanh. Cứ chiều chiều mỗi khi ngơi việc, ông lại cùng các con tập dượt với nhau sao cho hơi thật sắc, luyến thật êm, nhả chữ thật mùi. Ông cho rằng nếu không biết hát thì thôi, còn đã biết hát, đã trót mê rồi thì phải thật bài bản, phải rành ba nam, sáu bắc, bảy bài, phải luyện công phu qua nhiều công đoạn: tròn hơi, sửa vần âm, ca chẻ, ngân du dương, giữ giọng... Ông hì hụi chẻ nan, vừa làm vừa ngẫu hứng ca lên một đoạn trong Tình anh bán chiếu. Ca xong ông kết luận một câu: “Máu tụi tui là máu của bác Sáu Lầu mà!”.

Những ngày lưu lại Bạc Liêu, chúng tôi đi ăn cơm, uống cà phê, đi xe ôm, đi taxi hay ghé thăm những nơi này nơi kia - gần như ở đâu cũng có thể nghe thấy Dạ cổ hoài lang hay vài hơi vọng cổ. Ở mảnh đất này dường như ai cũng thích hát và ai cũng có thể hát.

Mang theo những tiếng ca đầy say mê ấy, chúng tôi tìm đến Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu để thử đi tìm một lời “giải thích” chuyên môn cho những đam mê hồn nhiên đó. Thầy phó hiệu trưởng Trần Khánh cho biết: “Ở đất này, Dạ cổ hoài lang hay ca cổ là số một. Tuy từng có lúc người ta lo chiến đấu, lo làm ăn mà tạm quên. Nhưng bây giờ thì ở đâu khắp vùng đồng bằng này cũng có người biết ca vọng cổ.

Nó đã ngấm vào máu của người đồng bằng rồi, không bỏ được đâu!”. Nói rồi thầy Khánh chỉ tay qua phía lớp học đàn tranh đang “từng... tứng... tưng” cách đó không xa, ở đó thầy Đặng Thanh Sử đang cần mẫn chỉ các học trò của mình cách lên dây, lấy tông theo hò, xự, xang, xê, cống của ngũ cung cổ nhạc. Thầy Sử từng có chín năm bỏ nghề đờn ca vì “nghề này bạc, muốn đi làm kinh tế để có thể đảm bảo cuộc sống” nhưng rồi không bỏ được, thầy Sử đã quay lại với cây đàn tranh của mình và truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Hip hop hay, nhưng Dạ cổ hoài lang mới là của mình

Cũng tại Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, chúng tôi có dịp gặp gỡ những bạn trẻ đang theo học lớp ca cổ. Hơn 30 bạn trẻ chăm chú nghe thầy dạy cách hát Dạ cổ hoài lang nhịp 2, nhịp 4 và nhịp 8. Ngân làm sao, bỏ nhịp làm sao, ngắt câu thế nào được các bạn cùng nhau trao đổi, thị phạm. Theo thầy Trần Khánh, hiện trường có bốn lớp như vậy. Điều đặc biệt là không chỉ người Bạc Liêu, người miền Tây, các lớp ca cổ này trở nên sinh động hơn khi có sự hiện diện rất chuyên cần của những bạn trẻ đến từ miền Bắc, miền Trung.

Bạn Hồ Đức Thạch, Phan Đình Thêm quê ở tận Hà Tĩnh vì mê vọng cổ miền Nam mà khăn gói vào Bạc Liêu, vừa đi giữ xe, vừa làm phục vụ quán ăn để lấy tiền học hát. Bạn Nguyễn Xuân Dũng thì từ Quảng Bình vào Bạc Liêu - quê hương của Dạ cổ hoài lang - học cho có bằng cấp về ca cổ, nhưng không phải để đi làm nghệ sĩ vì ban đêm bạn đang theo học ngành mỹ thuật. Bạn Nguyễn Thị Minh Hợi đang học ngành thông tin thư viện, nhưng vì yêu thích đàn tranh mà một mình đi từ Bắc vào Nam trọ học.

Nhìn những người trẻ ở đây, chúng tôi nhận thấy bề ngoài họ cũng chẳng khác gì những bạn đồng trang lứa ở các thành phố khác, nhưng rõ ràng họ vẫn khác ở một điểm - đó là tình yêu tươi mới và chân thành dành cho cổ nhạc mà nhiều bạn trẻ Việt lãng quên. Khi chúng tôi hỏi có thích hip hop không thì nhận được câu trả lời hồn nhiên: “Tụi em cũng thích hip hop chứ, còn trẻ mà! Hip hop hay pop, rock nghe rất thích nhưng mấy loại nhạc đó là của nước người ta, còn Dạ cổ hoài lang và vọng cổ mới là của mình mà cũng hay quá chừng, phải thích hơn chứ”.

Bà Bùi Hồng Phương - phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - chia sẻ suy nghĩ dù đã khắc sâu bằng nhận thức hay chỉ là cảm tính, những thế hệ người Việt vẫn đang gắn bó ở một góc độ nào đó, bằng một cách liên hệ nào đó, với Dạ cổ hoài lang và âm nhạc cổ truyền. Dạ cổ hoài lang đã thăng hoa để trở thành vọng cổ, song hành cùng bài bản đờn ca tài tử, cùng dân ca Nam bộ, cùng các điệu lý, điệu hò...

Để rồi ngày nay, chỉ cần xuôi theo con sông Cửu Long về miền Tây, đến tỉnh nào, vùng nào khách phương xa cũng có thể nghe được những giai điệu mượt mà này được phát ra từ một đám cưới miệt quê hay ở các cuộc karaoke họp bạn, các buổi tiệc chiêu đãi đối tác, hay ở các hội diễn nghệ thuật quần chúng, các chương trình thông tin lưu động, các tiết mục văn nghệ đầu giờ trong hội nghị, lớp học...

Bản nhạc lòng khi xưa với những nỗi niềm riêng chung nay đã trở thành “bài ca vô địch” như cách nói của cố nghệ sĩ lão thành Bảy Cao. Đó vừa là hồi âm của một quá khứ đầy biến động, vừa là lời nhắc nhớ cội nguồn cho một tương lai còn nhiều điều phía trước.

Cứ thế, đã 90 năm Dạ cổ hoài lang đã ở trong lòng bao thế hệ người Việt như một bản tình ca bất tận.

Sáng 29-7-2009, tại hội thảo “90 năm bản Dạ cổ hoài lang”, ông Nguyễn Văn Tấn, vụ trưởng, giám đốc văn phòng phía Nam Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cùng gia đình cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã chính thức nêu đề xuất đưa bản Dạ cổ hoài lang trở thành di sản phi vật thể quốc gia. Hiện đề xuất này vẫn đang trên đường lấy ý kiến các nhà quản lý sân khấu, nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ. Nếu được chấp nhận đây sẽ là biện pháp để Nhà nước bảo tồn và tôn vinh một cách chính thức “bài ca vô địch” của nghệ thuật cải lương Nam bộ.

HOÀNG OANH

____________________

Ý kiến bạn đọc

* Tôi rất hãnh diện cho quê tôi, nơi đã sản sinh ra bài “Dạ cổ hoài lang”. Đó như là dòng máu chảy xuyên suốt trong lòng người dân Nam bộ nói chung và người dân Bạc Liêu nói riêng, không có “Dạ cổ hoài lang” giống như không có Bạc Liêu hiện nay.

Tôi rất cảm ơn bác Sáu Lầu đã sản sinh ra bài ca cổ như là mộ kiệt tác hùng vĩ và vĩnh cữu không bao giờ có bản thứ hai, nó như là kim chỉ nam soi đường và hướng dẫn cho cải lương Nam bộ.

Chúng ta hãy cố giữ gìn bản sắc của mình hiện có để cho thế giới biết rằng không có nước nào có thể có một nền di sản đẹp đẽ như thế.

Nguyễn Đức Lâm

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên