Tại buổi giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận chiều 30-11, thượng tá Trần Long Khánh - trưởng Công an TP Phan Thiết - thông tin thêm về quá trình điều tra, làm rõ các nội dung liên quan đến những vụ vỡ hụi hàng trăm tỉ đồng tại địa phương thời gian gần đây.
Vỡ nhiều dây hụi gần 200 tỉ đồng
Theo thượng tá Khánh, trong tháng 10 và 11, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Phan Thiết nhận rất nhiều đơn tố cáo liên quan đến 4 đường dây hụi của Huỳnh Thị Thúy Vân (27 tuổi), Trần Thị Thanh Ngân (25 tuổi), Ngô Thị Loan Chi (32 tuổi), Nguyễn Thị Hồng Sa (22 tuổi).
"Chúng tôi đã nhận được 369 đơn tố cáo liên quan đến 4 dây hụi này. Những người tố cáo không chỉ ở TP Phan Thiết mà còn có các huyện và tỉnh thành lân cận", thượng tá Khánh cho hay.
"Tính đến hiện tại, cơ quan điều tra thống kê tổng số tiền người dân tố cáo liên quan 4 dây hụi đã gần 200 tỉ đồng. Chúng tôi chưa khẳng định được con số này đã dừng lại hay chưa bởi còn nhiều đơn tố cáo tiếp tục gửi tới cơ quan điều tra trình báo", thượng tá Khánh thông tin.
Trước tình hình phức tạp trên, Công an TP Phan Thiết đã báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh Bình Thuận thành lập tổ công tác chuyên thụ lý đơn để đưa vào tin báo tố giác tội phạm và xử lý.
Đồng thời, đã báo cáo và được Bộ Công an thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với các chủ hụi trên.
Đến nay, Cơ quan điều tra Công an TP Phan Thiết khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Loan Chi về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trần Thị Thanh Ngân đã đến trình diện cơ quan điều tra để hợp tác làm rõ.
Cơ quan này đang tiếp tục vận động các cá nhân còn lại hợp tác.
Không được biết người hốt hụi vì "bảo mật"
Qua xem xét vụ án bị can Loan Chi, cơ quan điều tra đánh giá các dây hụi này hoạt động không theo phương thức truyền thống mà thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook.
Thông qua các trang mạng xã hội, các chủ hụi quảng cáo, đăng thông tin tài sản gia đình tới bạn bè để thu hút con hụi. Do tham gia qua mạng xã hội, các hụi viên không hề quen biết nhau mà chỉ chủ hụi nắm rõ.
"Vì vậy, khi thành lập dây hụi, chủ hụi cũng có thể trực tiếp chơi hoặc không chơi nhưng được hưởng hoa hồng. Ví dụ một dây hụi 10 triệu, cứ một lần xổ chủ hụi ăn hoa hồng 2 triệu. Chủ hụi thông báo có người trúng nhưng không cho hụi viên được biết với lý do "bảo mật" thông tin cá nhân.
Sau đó, các hụi viên trong dây hụi chuyển tiền đến tài khoản người trúng mà không gặp mặt nhau như cách chơi truyền thống", thượng tá Khánh lý giải chiêu trò của chủ hụi.
Với chiêu thức như trên, bị can Loan Chi vừa tham gia với tư cách chủ hụi nhưng cũng có thể là con hụi. Chi thông báo với con hụi đã có người hốt nhưng thực tế chính bị can hốt hụi.
Một thời gian sau, chủ hụi tuyên bố mất khả năng chi trả, tạm lánh, không tiếp xúc, tắt điện thoại, đóng các trang mạng xã hội cá nhân.
Theo thượng tá Khánh, các nền tảng mạng xã hội phát triển đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, đây là kênh đầu tư không an toàn cho người chơi hụi.
Khi tham gia trên mạng, các thành viên không gặp mặt nhau và rất khó xác định được tính minh bạch. Việc chơi hụi trên các nền tảng mạng xã hội không đúng với quy định vì các thành viên không biết nhau.
Ngoài ra, không có việc chơi hụi mà lời 20 - 30%/năm. Việc này cũng dẫn đến rủi ro rất cao bởi các con hụi chơi rất nhiều dây hụi khác nhau, trong khi tiền để sản xuất kinh doanh đầu ra tham gia vào dây hụi không có, đến một lúc nào đó sẽ vỡ.
"Đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm trên cả nước cũng như ở Bình Thuận. Chúng tôi khuyến nghị người dân khi chơi hụi phải thông minh, thận trọng, tìm hiểu kỹ. Khi thấy dây hụi có lãi suất rất cao thì càng phải tìm hiểu như thế nào", thượng tá Khánh khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận