27/07/2016 06:00 GMT+7

“Võ cổ truyền là một kho báu 
về văn hóa”

N.KHÔI - H.ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
N.KHÔI - H.ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN

TT - Hàng trăm VĐV nước ngoài đang háo hức chờ đợi để lần đầu tiên được trình diễn môn võ cổ truyền VN, tại Giải vô địch thế giới võ cổ truyền VN lần 1 diễn ra sáng nay 
(27-7) ở nhà thi đấu Phú Thọ (Q.11, TP.HCM).

Trong hai ngày qua (25 và 26-7), nhà thi đấu Phú Thọ trở nên nhộn nhịp tưng bừng với sự hiện diện của rất đông võ sinh người nước ngoài đến từ 27 quốc gia.

Bỏ tiền túi đi thi đấu

Không chỉ đến đây tập luyện, những anh chàng cao to mày rậm, mắt xanh còn thích thú dạo quanh khắp nhà thi đấu để được chiêm ngưỡng, sờ tận tay những hương án, giá đao, trống được chạm trổ tinh vi hay các hình nộm lân sư rồng... bày biện sẵn cho buổi lễ khai mạc.

Hamza Bia, võ sinh người Algeria liên tục chụp hình “tự sướng” với những cổ vật truyền thống của võ cổ truyền, cho biết: “Thật tuyệt. Cuối cùng tôi cũng được đến Việt Nam. Những thứ này trong võ đường ở Algeria chúng tôi cũng có nhưng ít, nhỏ hơn và không tinh xảo như thế này”.

Là một sinh viên trường y ở thủ đô Algiers, Bia cho biết từ nhỏ anh đã thấy hứng thú các môn võ Á Đông với nhiều kỹ năng, đòn thế mô phỏng theo động tác của những loài động vật. Trong một lần tình cờ cách đây hai năm, Bia được đến một võ đường võ cổ truyền VN tại Algiers và anh không ngần ngại đăng ký học ngay. “Sư phụ của tôi, ông Boudjel Kha Faltih thụ nghiệp tại VN và rất am hiểu văn hóa phương Đông. Từ khi nghe thầy mình kể chuyện ở VN, tôi đã ước ao được một lần đặt chân đến đây”.

Vì vậy khi Giải vô địch thế giới võ cổ truyền lần 1 được tổ chức tại TP.HCM, Bia cùng nhiều đồng môn không ngần ngại đăng ký sang tham dự ngay. Ở giải này, các đoàn nước ngoài tự túc kinh phí và những người tham dự phải bỏ tiền túi chi trả cho chuyến đi. Bia cùng nhiều võ sinh trẻ tuổi cho biết họ đã phải dành dụm tiền làm thêm cả năm trời cho chuyến đi này.

Không giống như Bia, các VĐV đến từ Iran chọn học võ cổ truyền vì những lý do thuần túy chuyên môn. Yaser Pormehr, VĐV của Liên đoàn Võ cổ truyền Iran vốn là VĐV của tuyển muay Thái Iran, cho biết anh còn thi đấu võ tự do (MMA) trong hệ thống giải đấu của UFC và biết rất nhiều môn võ, với muay Thái, kickboxing và võ cổ truyền là những kỹ năng chiến đấu chính.

“Võ cổ truyền VN có những đòn tấn công rất hiệu quả nên trong giới MMA ở Iran, chúng tôi vẫn thường tập luyện một số đòn đánh của môn võ này. Chuyến đi này là một cơ hội để tôi rèn luyện thêm kỹ năng chiến đấu của mình” - anh Pormehr nói.

Từ niềm đam mê đến những cơ duyên

Một trong những người nước ngoài gắn bó với võ cổ truyền VN lâu nhất là võ sư Olivier Barbey (người Thụy Sĩ), chưởng môn võ phái Sơn Long quyền thuật (đặt tại Pháp).

Năm 1984, chàng sinh viên Barbey - khi đó chỉ mới 19 tuổi - tình cờ được gặp mặt võ sư Nguyễn Đức Mộc, người sáng lập Sơn Long quyền thuật ở Pháp, trong một liên hoan võ thuật tại Thụy Sĩ. Ngay trong lần đầu tiên chứng kiến võ sư Mộc biểu diễn, ông Barbey lập tức mê mẩn môn võ truyền thống của người Việt và xin được vị võ sư người Việt thu nhận làm đệ tử.

Lớp võ của võ sư Mộc đặt tại Paris, trong khi ông Barbey sinh sống tại Thụy Sĩ. Ông Barbey cho biết hàng tháng ông tranh thủ vài ngày nghỉ sang Paris tập luyện. Cứ thế kiên trì nhẫn nại theo niềm đam mê suốt nhiều năm trời, ông Barbey luyện được một thân võ nghệ chẳng kém các đồng môn ngày ngày được võ sư Mộc truyền dạy tại Pháp. Đến năm 2000, ông Barbey được võ sư Mộc truyền thụ chức chưởng môn võ phái.

Võ thuật không phải là yếu tố duy nhất làm nên lòng đam mê lạ lùng của ông Barbey với võ cổ truyền. Ông Barbey nói: “Võ cổ truyền là một kho báu về văn hóa. Trong buổi học đầu tiên, điều tôi được võ sư Mộc truyền dạy là võ đạo. Những quy tắc về đạo đức, về giá trị tinh thần đã tạo nên vẻ nghệ thuật cho những cuộc đấu trong võ cổ truyền. Càng học võ cổ truyền, tôi càng biết nhiều về văn hóa, về lịch sử Việt Nam qua lời kể của sư phụ tôi”.

Và võ cổ truyền còn mang đến cho ông Barbey nhiều cơ duyên thú vị khác trong cuộc sống. Bà Sarah - vợ ông hiện tại - chính là một đồng môn trong võ phái Sơn Long quyền thuật. Học cùng một thầy rồi đem lòng yêu nhau, cả vợ chồng ông Barbey giờ đây cùng dốc tâm huyết cho sự nghiệp mở mang, phát triển môn võ truyền thống của người Việt trên đất châu Âu.

Lễ khai mạc đầy màu sắc

Một tiết mục biểu diễn ở lễ khai mạc. Ảnh: N.K

 

Tối 26-7, lễ khai mạc giải đã diễn ra ở nhà thi đấu Phú Thọ. Buổi lễ dài khoảng ba giờ với những màn biểu diễn võ thuật bắt mắt, đa dạng từ các đoàn võ thuật VN lẫn nước ngoài như Pháp, Morocco đã khiến khán giả mãn nhãn.

Hình ảnh ở lễ khai mạc đêm 26-7. Ảnh: N.K
Đoàn VN diễu hành ở lễ khai mạc. Ảnh: N.K

 

Sáng nay (27-7), chương trình thi đấu tại giải bắt đầu với cả thảy 52 bộ huy chương ở năm nội dung thi đấu gồm: đối kháng, biểu diễn bài quy định, biểu diễn bài tự chọn, đối luyện tập thể của môn phái và biểu diễn võ dưỡng sinh. Lễ bế mạc sẽ diễn ra lúc 10g sáng 30-7.

“Võ cổ truyền là một kho báu về văn hóa. Những quy tắc về đạo đức, về giá trị tinh thần đã tạo nên vẻ nghệ thuật cho những cuộc đấu trong võ cổ truyền

Võ sư Olivier Barbey

(Thụy Sĩ)

 
N.KHÔI - H.ĐĂNG , HUYDANG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên