Nhà thơ Trúc Thông - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Theo đánh giá của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Trúc Thông là một trong những người tiên phong trong việc đổi mới thơ ngay trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Ông nêu quan điểm mỗi nhà thơ phải tự trả lời câu hỏi về thơ ca và không được phép đi lại con đường người khác đã đi.
Ông Thiều cho rằng bài thơ Bờ sông vẫn gió được nhiều người yêu thích là một bài thơ lục bát hay của Trúc Thông nhưng không phải là bài thơ đại diện tiêu biểu cho thơ Trúc Thông, mà đại diện phải là những bài thơ tự do đầy cách tân.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Thiều cho biết, thời đó, sự đổi mới trong thơ ca của Trúc Thông đã khiến ông thành đơn độc trên con đường thi ca riêng của mình. Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà Trúc Thông sau này rất hào hứng ủng hộ thế hệ trẻ.
Trúc Thông luôn quan sát người trẻ, mở rộng lòng đón những người trẻ, luôn trìu mến và hết lòng ủng hộ thế hệ đàn em như nhà thơ Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Trần Hùng và cả ông Nguyễn Quang Thiều.
Đặc biệt, Trúc Thông là một người vô cùng đắm đuối với thơ.
"Ông coi thơ như một ngôi đền thiêng liêng không một sự thô thiển nào được chạm tới. Thơ ca chìm đắm trong ngôi nhà ông từ những năm tháng xa xưa rất khó khăn. Điều này thể hiện trong chữ nghĩa, hình ảnh thơ ông, trong thái độ của ông khi đọc thơ người khác và nêu ý kiến về thơ.
Ông là một người sống rất bình lặng nhưng máu ông lúc nào cũng vang lên rền rĩ những chuyển động của thi ca. Ông để lại ấn tượng rất mạnh trong thế hệ những nhà thơ như tôi", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói.
Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông, sinh năm 1940 ở Bình Lục, Hà Nam, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trước khi nghỉ hưu, ông làm việc tại Ban văn nghệ Đài tiếng nói Việt Nam.
Ông từng xuất bản nhiều tập thơ: Chầm chậm tới mình (1985), Ma-ra-tông (1993), Một ngọn đèn xanh (2000), Vừa đi vừa ở (2005), Trúc Thông thơ (2014), cuốn bình thơ Mẹ và em (2006), Trúc Thông tiểu luận bình thơ (2013), lý luận phê bình Văn chương ngẫu luận (2003)...
Trong đó, bài thơ Cao Bằng của ông được in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2. Là một nhà cách tân thơ, nhưng bài thơ được nhiều người biết tới và yêu thích của ông lại là một bài thơ lục bát là bài Bờ sông vẫn gió.
Lễ truy điệu và đưa tang nhà thơ Trúc Thông sẽ được tổ chức vào 8h15 ngày 27-12, an táng tại quê nhà ở Bình Lục, Hà Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận