15/11/2017 16:57 GMT+7

Việt Nam vẫn đang tồn tại hai nền kinh tế biệt lập

T. HÀ
T. HÀ

TTO - Việt Nam đang tồn tại hai nền kinh tế, một là khối FDI và một là doanh nghiệp trong nước, trong đó các doanh nghiệp tư nhân nội địa chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Việt Nam vẫn đang tồn tại hai nền kinh tế biệt lập - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: NHẬT BẮC

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xóa bỏ sự lệch pha giữa khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước tại Hội thảo "Kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng và Giải pháp thúc đẩy" do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 15-11. 

Có hai nền kinh tế trong một quốc gia

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rằng ông khá băn khoăn về các ý kiến cho rằng Việt Nam đang tồn tại sự lệch pha trong nền kinh tế, hình thành hai khu vực phát triển biệt lập nhau FDI và khu vực trong nước. 

"Chúng ta nói phải chọn lọc nhà đầu tư FDI, chọn FDI có công nghệ cao, thân thiện môi trường, có chuỗi giá trị sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp trong nước, làm cho doanh nghiệp trong nước mạnh lên. Tuy nhiên, vấn đề là kết nối như thế nào khi thời gian qua hai khu vực này chưa kết nối và phát triển đồng đều", ông Huệ nhận định.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Nguyễn Đình Thiên phân tích rằng chênh lệch giữa Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và Tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho thấy có sự chênh lệch giữa "phần ngoại" và "phần nội", trong đó "phần ngoại" đang tăng lên còn "phần nội" đang giảm xuống. 

"Hình như chúng ta lo tìm cách kéo FDI vào để tăng trưởng kinh tế nhiều hơn lo cho doanh nghiệp trong nước", ông Thiên nhận định.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá các nỗ lực của Chính phủ mới chỉ tháo gỡ được một phần khó khăn cho doanh nghiệp, tuy nhiên bà cho rằng các doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn. 

"Các điều kiện kinh doanh hiện nay lại chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp nội địa. Việt Nam vẫn tập trung chăm lo cho doanh nghiệp nước ngoài hơn là doanh nghiệp trong nước. Điều này khiến chúng ta mất đi nhiều nguồn lực", bà Lan nói.

Bà Lan cho biết kết quả của chuyến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp tư nhân cho thấy có sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và khối FDI.

"Cứ có thêm 4 doanh nghiệp mới thành lập thì lại có ba doanh nghiệp rút khỏi thị trường, mà tác động ảnh hưởng từ việc rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp này lớn hơn cái mà các doanh nghiệp mới  thành lập mang lại", bà Lan nói và nhấn mạnh: "Môi trường kinh doanh vẫn là vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong nước hiện nay".

Cái gì cũng mũi nhọn thì không có mũi nhọn

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên, đề xuất không nên chạy theo tăng trưởng từng năm một và coi đó là lực đẩy tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Ông Thiên kiến nghị chỉ nên coi GDP là chỉ tiêu định hướng để không gây áp lực cho Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh cách tiếp cận tăng trưởng ở Việt Nam đang bị lệch, chỉ nghiêng về mặt số lượng. 

Nhiều người nói là nông nghiệp, kinh tế số, dịch vụ, du lịch... Nhưng nếu chúng ta chọn nhiều mũi nhọn quá nhiều thì cuối cùng chả có cái gì nhọn cả

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận thước đo tăng trưởng cần phải chuyển đổi từ khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ sang sáng tạo, dựa vào công nghệ. 

Tiến sĩ Doanh cho rằng các chỉ số đo lường và đánh giá tăng trưởng cần có gồm đổi mới công nghệ, nền kinh tế tri thức, số bằng phát minh sáng chế thế giới công nhận từ Việt Nam… 

Ông Doanh đánh giá hiện tại các địa phương chỉ chú trọng chỉ số GDP không tập trung vào chỉ số công nghệ, môi trường, sáng tạo thì không được xem trọng dù đó lại là các yếu tố giữ vai trò mấu chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng, nâng cáo chất lượng tăng trưởng...

Trước các ý kiến trái chiều về con số tăng trưởng kinh tế cao một cách ngoạn mục trong quý 3 năm nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: "Chính phủ cũng muốn xác định hệ thống chỉ tiêu để phấn đấu và thực hiện, làm căn cứ giám sát điều hành Chính phủ về tăng trưởng, thống nhất nhận thức và hành động".

Theo ông Huệ, hiện còn thiếu vắng nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng. "Nếu không có tiêu chí, nhiều người tự đánh giá sẽ mâu thuẫn nhau. Chuyên gia về thống kê không tin tưởng số liệu thống kê vì người ta không được cung cấp đầy đủ số liệu liên quan".

T. HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên