Theo bà, hiện nay giữa hai điều này vẫn còn khoảng cách.
Bà Victoria Kwakwa nói:
Phóng to |
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại VN Victoria Kwakwa - Ảnh: Nguyễn Khánh |
- Khi đi thăm các tỉnh và vùng nông thôn, một trong những điều gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là người dân VN làm việc thật cần cù. Chúng tôi cũng có nhiều lần gặp mặt thú vị với giới lãnh đạo cấp tỉnh như ở Khánh Hòa, nơi bạn cảm thấy người ta thật sự muốn tiến lên phía trước. Họ có rất nhiều năng lượng và đam mê. Họ muốn thay đổi nhiều thứ. Chúng tôi cũng thấy vài tỉnh khác có năng lượng tương tự, ví dụ như Thanh Hóa...
Chính điều đó cho tôi thấy rất nhiều hi vọng và như được tiếp thêm năng lượng. Và cũng chính điều đó giúp chúng tôi thấy đất nước VN còn rất nhiều cơ hội.
Cần khôi phục sự hấp dẫn đã mất
* Kinh tế khó khăn, đầu tư nước ngoài vào VN đang suy giảm. Trong khi đầu tư và tăng trưởng ở Indonesia, Malaysia vẫn cao (cam kết FDI vào Malaysia năm 2012 là 27,7 tỉ USD, Indonesia là 26,3 tỉ USD). Cái nhìn của thế giới về thị trường VN đang như thế nào?
- Hiện nay chúng ta đang thấy đầu tư trên thế giới nói chung mang tính chọn lọc hơn và một số nhà đầu tư thấy VN không còn hấp dẫn như trước. Nhưng tôi không cho rằng VN đã đánh mất lòng tin. VN rõ ràng đã bị tụt hạng và Chính phủ cần đảo ngược điều đó, khôi phục sự hấp dẫn đã mất, từ khía cạnh thu hút đầu tư và cả những lĩnh vực như đăng ký kinh doanh, bảo vệ nhà đầu tư, duy trì sự ổn định vĩ mô...
* Về môi trường đầu tư, bà thấy VN có sự tiến bộ rõ rệt nào không?
- Tôi có thể nhận xét dựa trên báo cáo môi trường kinh doanh của WB với Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) cũng như các báo cáo khác về tính cạnh tranh. Nếu nhìn vào những nghiên cứu đó, chỉ có một năm là VN có vài tiến bộ và được nâng hạng, còn phần lớn xếp hạng của VN theo chiều hướng xấu đi. Với những chỉ số mà các bảng xếp hạng này đưa ra, người ta sẽ thấy không phải VN không đạt được tiến bộ nào nhưng tốc độ cải thiện thật sự đang bị che phủ bởi tốc độ của các nền kinh tế khác. Các nước đang thay đổi, cải thiện rất mãnh liệt. Bởi vậy VN phải liên tục tiến lên, không thể đứng yên hay đi chậm lại được.
* Bà có còn tin VN vẫn là một điểm đầu tư tốt?
- VN vẫn là một điểm thu hút đầu tư. Các bạn có tài nguyên, có dân số trẻ và tài năng, ở một vị trí năng động... Trong tầm quyền lực của mình, Chính phủ có thể tạo ra những thay đổi để khiến mọi việc dễ dàng hơn cho các nhà đầu tư.
Mô hình tăng trưởng sai nên đổ vỡ...
* Nền kinh tế VN đã vượt qua giai đoạn bất ổn chưa?
- Trong 4-5 năm trở lại, đây là khoảng thời gian dài nhất mà các bạn có được sự ổn định khi lạm phát giảm, tỉ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng..., nhưng những điều này vẫn còn cần được củng cố thêm. Nếu quẳng sự thận trọng bay theo gió và nghĩ rằng “A, cả năm vừa rồi nền kinh tế đã ổn định” và bắt đầu thả lỏng thì rất có thể VN lại nhanh chóng quay về vòng xoáy trước đây. Do vậy, câu trả lời của tôi là VN đang duy trì được sự ổn định, nhưng sự ổn định vẫn có thể dễ dàng tan biến.
* VN đang phải trả giá với khoảng 100.000 doanh nghiệp biến mất. Đó có phải cái giá phải trả không?
- Tôi nghĩ hiện nay mọi người có khuynh hướng đổ mọi tội cho việc giữ ổn định nền kinh tế, nhưng cần thừa nhận rằng mô hình tăng trưởng hiện nay là mô hình không hữu hiệu, là mô hình dẫn đất nước tới sự bất ổn vĩ mô. Bởi vậy khi cố gắng uốn nắn những vấn đề không hữu hiệu đó, các bạn sẽ có vấn đề trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nói thẳng ra lý do là các bạn đang dựa trên mô hình tăng trưởng sai. 3-4 năm qua, các bạn bơm tín dụng ồ ạt.
Tôi chưa thấy nước nào có tăng trưởng tín dụng liên tục ở mức trên 30% cả. Tỉ lệ tín dụng so với GDP của VN là 120%. Điều ấy thật bất thường. Do đó, khi phải tìm cách giảm bất ổn, nó sẽ lấy đi những công cụ đã tiếp sức cho kiểu tăng trưởng trước kia và kết quả là chúng ta thấy có sự đổ vỡ.
* Phần lớn các doanh nghiệp đổ vỡ ở khu vực tư nhân. Chính phủ đang hỗ trợ nhưng cách trợ giúp của VN có cần thay đổi?
- Chính phủ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng không nên chỉ bằng tín dụng. Nhiều doanh nghiệp không có công nghệ mới nên không thể có các hoạt động kinh tế một cách hữu hiệu nhất. Bởi thế, thay vì cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp một cách đơn thuần thì nên chuyển sang cung cấp phương tiện để các ngành công nghiệp và khu vực tư nhân có thể nâng cấp, hiện đại hóa.
Cả Nhà nước và khu vực tư nhân cũng cần đồng ý là cách thức kinh tế tăng trưởng bấy lâu nay không ổn. Tất cả mọi người cần tập trung hơn vào cải thiện tính hiệu quả, năng suất và tính cạnh tranh của mình.
* Nghĩa là VN cần một hướng đi mới?
- Nếu nhìn vào quá trình chuẩn bị cho kế hoạch cũng như chiến lược phát triển kinh tế và xã hội, ta thấy rõ ràng Chính phủ chỉ ra VN cần một mô hình tăng trưởng mới. VN đang ngày càng hội nhập vào bối cảnh toàn cầu. Các bạn phải đạt được các tiêu chuẩn quốc tế.
Đây là thời điểm các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình nền móng vững chắc để có thể cạnh tranh khi kinh tế VN mở cửa hơn. Do đó, các doanh nghiệp cần tính trước xem sẽ cạnh tranh thế nào với hàng nhập khẩu từ Myanmar, Thái Lan, EU, các nước thành viên Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Các bạn không thể hài lòng với tiêu chuẩn VN mà sẽ cần đạt được tiêu chuẩn toàn cầu.
Thay đổi cách làm
* VN đặt mục tiêu cho năm 2013 với tỉ lệ tăng trưởng GDP khoảng 5,5%, CPI khoảng 8%. Bà nghĩ thế nào về các mục tiêu này? Bà thấy VN ở đâu trong năm năm nữa?
- Tôi không muốn quá tập trung vào năm 2013 mà muốn chú ý tới những thay đổi cơ cấu. Điều đó có thể không tạo ra tăng trưởng ngay lập tức, nhưng khi đã hoàn thành, nó sẽ đặt các bạn ở vị trí đủ sức có tăng trưởng nhanh về trung và dài hạn. Còn năm năm tới? Điều đó phụ thuộc vào những lựa chọn các bạn đang quyết định.
Chính phủ đã cam kết cải cách và nếu làm đúng như vậy, như cải thiện khu vực ngân hàng, tài chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công... thì VN sẽ ổn trong năm năm nữa. Nếu sau những lời nói đó không có mấy hành động thì tăng trưởng GDP của VN hằng năm sẽ chỉ loanh quanh ở mức 4-5%. Nếu giới lãnh đạo có thể khiến cả nước giải quyết các căng thẳng cơ cấu hiện nay thì tương lai sẽ rất hứa hẹn với người VN.
* Thời gian tới WB sẽ tiếp tục hỗ trợ VN thế nào?
- Đã có cuộc khủng hoảng về sự tín nhiệm và ban điều hành WB thường đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có nên cắt bớt nguồn lực cho VN? Họ có năng lực hấp thụ không? Và chúng tôi, nhóm WB ở VN, đã cố thuyết phục ban điều hành rằng VN có thể hấp thụ vốn, dù cần cải thiện. Gần đây, chúng tôi cũng đã bắt đầu đối thoại với VN về an sinh xã hội. Tuy VN đã đạt thành tựu về giảm nghèo nhưng vẫn còn hố sâu về khoảng cách giàu nghèo. Ngay người đã hết nghèo ở VN vẫn có nguy cơ lại rơi vào nghèo đói nếu xảy ra các cú sốc kinh tế, sức khỏe... Đây là vấn đề.
Cách làm của chúng tôi ở VN cũng sẽ thay đổi, sẽ làm theo kiểu “chương trình vì kết quả”. Tức là chúng tôi và đối tác VN sẽ thống nhất về mục tiêu, sau đó thực hiện được mục tiêu chúng tôi mới giải ngân.
Thất vọng và lo lắng * Bà đã tham gia nhiều kỳ Diễn đàn doanh nghiệp VN (VBF). Có phàn nàn nào đặc biệt mà bà thấy Chính phủ VN cần chú ý hơn? - Tôi nghĩ đầu năm VN cần nghe nói thẳng, kỳ VBF gần đây nhất vào tháng 12-2012, một cảm giác bao trùm là thất vọng và lo lắng. Tôi không được nghe câu chuyện nào nói về sự tiến bộ mạnh mẽ. Chỉ riêng về môi trường kinh doanh, chúng ta có thể thấy một vài tiến triển nhưng vẫn còn nhiều việc chưa hoàn thành. Việc thu hút đầu tư không khó và quan trọng bằng việc tạo ra những thủ tục, quy trình... thuận lợi cho quá trình thực hiện. Do đó, VN còn cần phải tiếp tục giải quyết những chuyện như đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo chính sách không tiền hậu bất nhất, thuận lợi hóa quá trình thực hiện đầu tư... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận