Sự kiện này diễn ra vào 23 giờ đêm ngày 18-10-2018 (theo giờ Việt Nam) tại phiên họp toàn thể lần thứ 32 của tổ chức này tại Bỉ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được đảm nhiệm vị trí này, sau khi Việt Nam được ghi nhận đã đạt được một thành tựu trong nghiên cứu, chế tạo vệ tinh, là một trong số ít các nước Đông Nam Á có thể làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất.
PGS.TS Phạm Anh Tuấn đảm nhiệm vị trí chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái đất - Ảnh: VNSC
Với vai trò là chủ tịch Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái đất (CEOS), Việt Nam sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể gồm: giữ vai trò trung tâm trong việc điều phối chiến lược các nhiệm vụ hiện tại và tương lai của các cơ quan thành viên CEOS, xây dựng, kết nối và mở rộng thành viên cũng như thu hút các đóng góp vào các hoạt động quan sát Trái đất của CEOS.
Đồng thời, điều phối các hoạt động hỗ trợ như: Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc tế về giảm nhẹ thiên tai, Công ước Liên Hiệp Quốc về đa dạng sinh học, Hệ thống quan sát khí hậu, đại dương và mặt đất trên toàn cầu, Nhóm các quốc gia phát triển G8/G20…
Ông Phạm Anh Tuấn cho hay trong năm 2019, trên cương vị chủ tịch CEOS, Việt Nam đưa ra hai sáng kiến chính: Một là quan sát các-bon, bao gồm các khu vực rừng, phối hợp với việc quan sát Trái đất để hỗ trợ giám sát và quản lý rừng trong khu vực một cách hiệu quả; và hai là quan sát phục vụ nông nghiệp, cụ thể là giám sát lúa, quản lý mùa màng...
Các ứng dụng này rất thiết thực trong việc đánh giá phát triển nông nghiệp của Việt Nam và sẽ được mở rộng tại các quốc gia thuộc khu vực sông Mekong.
Việt Nam công bố hai sáng kiến về sử dụng vệ tinh quan sát trái đất phục vụ phát triển - Ảnh; VNSC
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 32, hai sáng kiến của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và cam kết hỗ trợ từ các tổ chức thành viên CEOS trong việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh; đào tạo nguồn nhân lực; cơ hội tham gia các dự án và các đề tài tiềm năng...
Ủy ban Vệ tinh quan sát Trái đất (CEOS) được thành lập vào năm 1984, là cơ quan đầu mối phối hợp các hoạt động quốc tế liên quan đến không gian và quan trắc Trái đất.
Hiện CEOS có 32 thành viên gồm các tổ chức như: Cơ quan Hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Pháp (CNES), Cơ quan Vũ trụ Anh (UKSA); Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (ROSKOSMOS); Cơ quan Nghiên cứu và phát triển hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), Ủy ban châu Âu (EC)… và 28 đối tác phối hợp.
Từ năm 2013, Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của CEOS và giao Trung tâm Vũ trụ Việt Nam làm đầu mối liên hệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận