
GS Friedman cùng GS Trần Thanh Vân trò chuyện với các học sinh xuất sắc Việt Nam ở ICISE, Bình Định - Ảnh: DUY THANH
Thông tin GS toán học nổi tiếng Vũ Hà Văn sẽ đảm nhiệm vị trí giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (Institute of Big Data) thuộc Tập đoàn Vingroup đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Cũng như GS Vũ Hà Văn, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, chuyên gia từ nước ngoài đã mang chất xám về phục vụ quê hương, đất nước.
Kêu gọi trí thức người Việt về nước làm việc
"Về nước làm việc là mong muốn của cá nhân tôi từ những năm tháng còn học tập, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Và sau này, chúng tôi cũng có những nhóm khoa học về hỗ trợ Việt Nam.
Thế nhưng, mong muốn đó chưa đủ để trở về vì để làm việc cần có điều kiện không chỉ về tài chính mà môi trường để cống hiến" - GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, nhà khoa học có 30 năm gắn với nghiên cứu chuyên ngành vật lý công nghệ plasma, vừa trở về Việt Nam đảm nhận vị trí viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech, chia sẻ với báo chí ngày 22-8.
Chia sẻ lý do chọn Vingroup làm bến đỗ trở về Việt Nam làm việc sau 34 năm học tập và nghiên cứu khoa học, thành danh ở nước ngoài, ông Sỹ cho biết: "Vingroup ngoài khả năng tài chính còn có hệ thống quản trị, hệ sinh thái tốt để thực hiện các đồ án khoa học công nghệ, văn hóa làm việc đề cao tính kỷ luật và điều này thích hợp để nhà khoa học làm việc.
Đó là lý do mà tôi cùng tập thể các nhà khoa học chọn Vingroup để làm việc. Cam kết của tôi chính là tự nhận trách nhiệm của một nhà khoa học với đất nước".
Nói về việc kết nối, đưa các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước, ông Sỹ cho rằng trong chiến lược tập trung đội ngũ trí thức, có một nhiệm vụ là kết nối, kêu gọi cũng như tập hợp các trí thức là người Việt ở nước ngoài về nước làm việc.
Vấn đề này không chỉ Chính phủ, bộ ngành đặt ra mà "chúng tôi tự nhận thấy đây là nhiệm vụ quan trọng".
"Chúng tôi sẽ thu hút chuyên gia cao cấp bằng uy tín của cán bộ khoa học đầu ngành mà viện đang có. Bên cạnh đó, chúng tôi đã chuẩn bị chiến lược phát triển cũng như hệ sinh thái thuận lợi và nhiều yếu tố khác để làm việc này" - ông Sỹ khẳng định.
Từng có gần 15 năm hợp tác giảng dạy với các trường đại học trong nước, GS Vũ Hà Văn cũng chia sẻ rằng trong khoa học nếu chỉ từng cá nhân, ảnh hưởng lan tỏa chỉ ở mức tương đối.
Vì vậy, sự tham gia của doanh nghiệp với tiềm lực kinh tế cùng mục đích ngoài lợi nhuận sẽ góp phần thúc đẩy nền khoa học trong nước tốt lên.
"Khi nhận được sự hỗ trợ để chuyên tâm làm khoa học, được tạo môi trường hấp dẫn và thuận lợi, họ sẽ có những cống hiến cho thành tựu khoa học công nghệ của đất nước, điều đó sẽ góp phần làm thay đổi không khí làm khoa học ở Việt Nam" - GS Văn nhấn mạnh.

Công ty Datalogic Scanning Việt Nam chuyên thiết kế và sản xuất các thiết bị thu thập dữ liệu tự động ngoại vi và phần mềm, bao gồm thiết bị đọc mã vạch cầm tay, cố định và máy tính di động - Ảnh: HỮU THUẬN
"Vùng trũng" vẫn có thể tiến nhanh
TS Vũ Duy Thức là chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và thuật toán đang làm việc tại Mỹ.
Là một trong số 100 nhà khoa học người Việt có mặt tại Việt Nam trong "Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam", TS Thức chia sẻ tầm nhìn: "Chúng tôi hi vọng sẽ xây dựng được một hệ sinh thái tại Việt Nam để thúc đẩy việc đào tạo thế hệ trẻ và phát triển công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực AI và robot, với hi vọng xây dựng được nhiều ứng dụng tiên tiến cho Việt Nam".
Tương tự, một nhà nghiên cứu trẻ tài năng khác là Trần Đặng Minh Trí - giảng viên danh dự tại ĐH Y Sydney (Úc), đồng thời là giám đốc sáng tạo tại Ramsay Health Care, tập đoàn y tế trị giá 10 tỉ USD với hơn 200 bệnh viện tại Úc, Pháp, Anh, Indonesia và Malaysia.
Minh Trí đặt vấn đề: "Làm cách nào để chúng ta - các cơ quan chính phủ, các bệnh viện, các công ty công nghệ, những nhà nghiên cứu AI cùng ngồi lại với nhau để khai thác nguồn tài nguyên này và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về AI trong y tế trong ba năm tới?".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ cũng bày tỏ suy nghĩ: "Nói chung chúng ta đang ở "vùng trũng" của khoa học công nghệ, chúng ta không trong top nào cả, thậm chí còn đi sau. Nhưng ở "vùng trũng" không phải là không thể tiến nhanh và tiến mạnh về khoa học công nghệ".
Theo các nhà khoa học, cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ cao như AI, blockchain, dữ liệu lớn... đang xóa nhòa đi các đường biên giới, mang đến sự bình đẳng giữa các quốc gia và mang đến cơ hội cho Việt Nam.
Nhưng Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn để đội ngũ các nhà khoa học trẻ theo kịp, thậm chí vượt lên được bước tiến chung của công nghệ thế giới. Trong đó, đặc biệt là thiếu những nhà khoa học đầu đàn, chuyên gia công nghệ cao cấp có khả năng dẫn dắt...
"Không ai có thể có nền khoa học công nghệ khi chỉ đi mua công nghệ về" - GS Nguyễn Quốc Sỹ phân tích.
Theo ông, bước đầu để rút ngắn quá trình, chúng ta có thể mua công nghệ, thiết kế... Nhưng sau đó chúng ta phải xúc tiến nghiên cứu để nhanh chóng tiến kịp thế giới, chủ động về công nghệ.
Mỗi dự án được cấp kinh phí tối thiểu 2 tỉ đồng

GS Vũ Hà Văn - Ảnh: VGR
Lần đầu tiên nhận một vị trí chính thức ở Việt Nam, ở một viện nghiên cứu thuộc doanh nghiệp, quyết định của GS Vũ Hà Văn đang khiến nhiều người bất ngờ.
Ông chia sẻ:
- Đây là quyết định khá thú vị và bất ngờ đối với chính bản thân tôi. Tôi nhận được lời mời từ Vingroup mới cách đây vài tháng. Tôi trả lời ngay, theo những gì tôi biết về Vingroup, thì tôi không phù hợp vì tôi không phải người làm sản xuất, làm sản phẩm.
Nhưng tôi được thuyết phục đến một cuộc gặp và sau cuộc gặp gỡ, trao đổi đó, tôi nhận thấy định hướng chuyển đổi thành tập đoàn công nghệ và rộng hơn, góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia công nghệ là những việc làm có ảnh hưởng xã hội.
Tôi suy nghĩ một thời gian và đề nghị thành lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng cùng lúc với việc thành lập các viện nghiên cứu.
Nếu như trước đây tôi về giảng dạy, nghiên cứu thì chỉ giúp được cho một trường ĐH, thành lập quỹ thì có thể giúp cho rất nhiều nhà khoa học, trường ĐH...
* Ông có thể cho biết đâu là yếu tố quyết định trực tiếp đến quyết định khá nhanh chóng của ông, vì sự thuyết phục và những cam kết, vì cảm thấy đây sẽ là cơ hội để làm những điều ông mong muốn thực hiện ở Việt Nam hay cảm thấy cách làm này có thể góp phần tạo ra sự thay đổi trong nghiên cứu khoa học công nghệ ở Việt Nam?
- Tôi nghĩ là cả ba yếu tố này khiến tôi đưa ra quyết định. Những gì mình làm là sự bắt đầu, mở đường để những người đi sau sẽ thuận lợi hơn. Mình đi những bước đi đầu tiên và những người sau sẽ tiếp tục để tạo thành phong trào.
Những việc tôi làm trong chương trình này chỉ tạo bước đầu, thực ra là đẩy cho cả một nền nghiên cứu khoa học của cả một đất nước lên thì không có bất kỳ một cá nhân nào, thậm chí một công ty nào dù có mạnh đến đâu có thể làm được.
Nó phải là cộng hưởng của toàn bộ xã hội, hướng đi phải có sự cộng tác giữa doanh nghiệp và hàn lâm.
* Nếu được chia sẻ về mong muốn thay đổi văn hóa làm khoa học ở Việt Nam, ông sẽ nói gì?
- Tôi hi vọng những người làm khoa học cảm thấy có động lực hơn và họ có trách nhiệm hơn. Quỹ là một hướng đi góp phần thay đổi không khí, môi trường làm khoa học ở Việt Nam.
Không chỉ hỗ trợ về tài chính, chúng tôi còn hỗ trợ cho họ về cơ chế, môi trường nghiên cứu... Điều đó có cơ sở để thực hiện vì thông qua quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng thuộc viện với mức đầu tư 1.000 tỉ đồng trong 3 năm, sẵn sàng tài trợ cho các dự án ý nghĩa, có tác động lớn tới xã hội.
Những dự án gửi đến sẽ được xét duyệt bởi một hội đồng khoa học có chuyên môn cao và cấp kinh phí tối thiểu là 2 tỉ đồng và tối đa là không có trần. Nếu sản phẩm có ý nghĩa được hỗ trợ để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng.
Đây là ước mơ và khát vọng của những người làm khoa học. Làm được điều đó dần sẽ xây dựng được văn hóa làm khoa học, làm việc hết mình đeo bám đến cùng thay vì nghiệm thu rồi để đó.
THANH HÀ thực hiện
Đào tạo nguồn lực chất lượng cao

* PGS.TS Mai Thanh Phong (hiệu trưởng ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM)
* PGS.TS Mai Thanh Phong (hiệu trưởng ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):
Cơ hội cho các ĐH
Tập đoàn Vingroup cho biết tập đoàn đang chuyển hướng phát triển mảng mới là công nghiệp và công nghệ.
Trước đây, các nhà nghiên cứu ở các trường ĐH gặp không ít khó khăn do không có doanh nghiệp đi cùng, nay có một tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đầu tư cho nghiên cứu với chương trình dài hạn với nguồn tài chính dồi dào, không giống như các đề tài từ ngân sách nhà nước là điều vô cùng thuận lợi cho các nhà nghiên cứu.
Nếu những điều này trở thành hiện thực, tôi cho rằng đây thực sự là cơ hội cho các trường, đặc biệt là các trường ĐH hiện thực hóa giấc mơ công nghệ.
ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM đang có lợi thế có các nhóm nghiên cứu lớn đúng lĩnh vực Vingroup đặt ra mục tiêu. Vingroup cũng cam kết tiếp nhận 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin trong vòng 10 năm tới.
Đây cũng là cơ hội để chúng tôi đóng góp vào việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vũ Thái Hà (giám đốc dự án của eDoctor - ứng dụng di động chăm sóc y tế tại nhà cho người dân)
* Vũ Thái Hà (giám đốc dự án của eDoctor - ứng dụng di động chăm sóc y tế tại nhà cho người dân):
Cần có các tâm hút về công nghệ
Trong thị trường startup về công nghệ ở Việt Nam, từ lâu chúng ta thiếu cái mà chúng tôi vẫn gọi với nhau là các tâm hút về công nghệ, tức là các đơn vị lớn, có tiềm lực về tài chính, có khả năng thu hút các luồng giá trị quan trọng cho khởi nghiệp, bao gồm ý tưởng, nhân lực và tri thức.
Quan trọng hơn nữa, các tâm hút về công nghệ cũng là nơi đón nhận, sử dụng các thành quả của các startup, đưa các thành quả ấy vào trong các hệ ứng dụng, hay lớn lao hơn thì gọi là các hệ sinh thái, để có thể giải quyết trọn vẹn hơn các bài toán của thị trường, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.
Thông thường, ở các thị trường khác, các hãng công nghệ lớn sẽ đóng vai trò tâm hút công nghệ. Cùng với Vingroup, chúng ta có thể hi vọng rằng FPT, Viettel, VNPT, VNG... và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác, đã có sẵn nền tảng công nghệ, sẽ tiếp tục chuyển đổi và vận động để tiếp nhận vai trò của những người dẫn dắt cuộc chơi trên thị trường.
T.HUỲNH - Đ.THIỆN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận