16/04/2023 12:12 GMT+7

'Viên pin của Đông Nam Á' hướng về điện gió

Người Lào có lẽ sẽ không bao giờ quên thảm họa vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu vào năm 2018. Những rủi ro lớn có thể phát sinh từ sự phụ thuộc vào thủy điện đã thúc đẩy quốc gia này chuyển sang điện gió.

Nguồn: Monsoon Wind - Dữ liệu: BẢO ANH - Trình bày: N.KH.

Nguồn: Monsoon Wind - Dữ liệu: BẢO ANH - Trình bày: N.KH.

Tuần này, Tập đoàn Mitsubishi của Nhật cho biết họ và các cổ đông khác của dự án Monsoon (Gió mùa) ở Lào đã huy động được số vốn 692 triệu USD để xây dựng trang trại điện gió này, theo thỏa thuận với Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản và các bên cho vay khác (theo Hãng tin Reuters). Đây không phải là dự án điện gió duy nhất tại quốc gia nội lục này.

Xây trang trại gió quy mô lớn

Trang trại gió Monsoon phần nào cho thấy Lào - một trong những nước xuất khẩu thủy điện lớn nhất châu Á - đã sẵn sàng bước vào lĩnh vực điện gió nhằm tránh phụ thuộc quá mức vào nguồn tài nguyên nước đang cạn kiệt.

Theo tạp chí Nikkei Asia, nằm sâu trong vùng núi với dân cư thưa thớt ở đông nam Lào, trang trại gió Monsoon đang được xây dựng và dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025.

Dự án này - dự kiến sẽ bán điện cho Việt Nam theo hợp đồng 25 năm - có sự tham gia của Tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty năng lượng tái tạo BCPG (thuộc tập đoàn năng lượng Thái Lan Bangchak) và các công ty khác.

Nằm trên địa phận thuộc hai tỉnh Sekong và Attapeu ở miền nam Lào, Monsoon khi được xây xong sẽ bao phủ diện tích 70.000ha với 133 tuốc bin gió. Công suất phát điện 600 megawatt sẽ đưa Monsoon trở thành một trong những trang trại gió trên đất liền lớn nhất Đông Nam Á.

Đáng chú ý đây không phải dự án điện gió duy nhất được triển khai ở Lào - quốc gia đã định vị mình là "viên pin của Đông Nam Á" với chính sách năng lượng định hướng xuất khẩu. Ít nhất 10 dự án tương tự được cho là đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn lãnh thổ Lào.

Khoảng 80% điện năng sản xuất ở Lào được bán cho các nước láng giềng là Thái Lan và Việt Nam, và chiếm 30% giá trị xuất khẩu của nước này. Lào cũng đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải điện vào tháng 1 năm nay để bán điện cho Campuchia.

Giảm phụ thuộc vào thủy điện

Hiện nay thủy điện chiếm 70% tổng sản lượng điện ở Lào. Mặc dù hơn 70% diện tích đất ở Lào bao gồm núi và cao nguyên, với nhiều khu vực phù hợp để xây đập thủy điện, song những lo ngại về sự phụ thuộc vào thủy điện đã thúc đẩy Lào chuyển hướng sang điện gió.

Trước hết, sản lượng thủy điện ở Lào thường giảm vào mùa khô. Kế đến, việc Trung Quốc kiểm soát khu vực thượng nguồn của các con sông khiến mực nước sông có nguy cơ thay đổi đột ngột, vốn là mối đe dọa đối với nông nghiệp và nghề cá.

Năm 2018, vụ vỡ đập thủy điện do các công ty Hàn Quốc và Thái Lan xây dựng ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào, đã khiến ít nhất 71 người thiệt mạng và hơn 6.000 người mất nhà cửa.

Giờ đây, điện gió trở thành lựa chọn đầy hứa hẹn của Lào. Tại các trang trại gió, tuốc bin có thể hoạt động gần như cả ngày lẫn đêm và chúng hiệu quả hơn các tấm pin mặt trời.

Theo kế hoạch phát triển đến năm 2030 của Lào, quốc gia Đông Nam Á này muốn duy trì tỉ lệ sản xuất thủy điện hiện tại, đồng thời chuyển dần gần 30% sản lượng điện được tạo ra từ nhiệt điện sang các nguồn năng lượng tái tạo như gió.

Lào chuyển sang chiến lược đầu tư cho điện gió trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng tăng ở các nước láng giềng. Thái Lan đặt mục tiêu đạt mức trung hòa carbon vào năm 2050. Việt Nam cũng đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.

Theo một nguồn tin trong ngành được Nikkei Asia dẫn lại, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ở Việt Nam nhu cầu sử dụng điện ước tính tăng 10% mỗi năm, và theo một số dự báo, nhu cầu này sẽ tăng gấp năm lần vào năm 2050.

Hiện nay một số khu vực ngoài khơi bờ biển phía nam của Việt Nam phù hợp để phát triển điện gió, nhưng sản lượng điện tự sản xuất của Việt Nam vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong nước.

Cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc?

Trung Quốc đã rót vốn cho nhiều dự án đập thủy điện ở Lào, nhưng hiện ít tham gia phát triển điện gió tại quốc gia này. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi khi các nhà sản xuất tuốc bin gió của Trung Quốc nhận thấy tiềm năng từ nhu cầu tăng lên nhanh chóng ở Lào.

"Có nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Trung Quốc - vốn có nhiều kinh nghiệm phát triển điện gió trên đất liền - tham gia vào thị trường Lào" - ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, nhận định.

Đàm phán giá điện gió, mặt trời bế tắc: Hàng ngàn tỉ tiếp tục "đắp chiếu"Đàm phán giá điện gió, mặt trời bế tắc: Hàng ngàn tỉ tiếp tục 'đắp chiếu'

Hàng ngàn tỉ đồng đầu tư điện gió, điện mặt trời có nguy cơ phải tiếp tục "đắp chiếu" và chờ cơ chế hướng dẫn dù đã qua thời hạn mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải thực hiện việc đàm phán giá điện với các chủ đầu tư.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên