Số sách gọi là bị mất này nằm trong kho sách do Viện Nghiên cứu Hán Nôm sưu tầm được từ cuối những năm 1980, ký hiệu là kho ST.
Thiếu 121 cuốn, "dôi ra" 339 cuốn, chưa khẳng định mất sách
Thông tin được Viện Nghiên cứu Hán Nôm cung cấp cho Tuổi Trẻ Online, trong đợt kiểm kê tài liệu từ giữa năm 2022, viện này đã yêu cầu kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm.
Tuy nhiên, đối với một phần sách sưu tầm chưa tu bổ, còn bó lại thành từng bó để trong kho, nhóm kiểm kê mới chỉ kiểm đếm mà chưa đối chiếu với sổ đăng ký cá biệt (một dạng chứng minh thư của mỗi quyển sách cổ).
Sau khi phát hiện thiếu sót này, đầu năm 2023, viện đã tổ chức kiểm kê lại toàn bộ kho ST gồm 17.712 quyển, đối chiếu và đánh dấu vào sổ đăng ký cá biệt.
Đây là lần đầu tiên từ khi nhập kho (từ 1988 đến 2009), các sách sưu tầm được kiểm kê một cách chi tiết.
Sau quá trình rà soát, đối chiếu, chiều 15-3, Hội đồng kiểm kê đã họp và báo cáo về kho ST, phát hiện thấy thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển đã báo cáo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).
Nhưng đồng thời cũng phát hiện có 339 quyển đã vào sổ nhưng lẫn lộn các ký hiệu sách, chưa xác định được trong số 339 cuốn "dôi ra" này có bao gồm 121 sách thiếu hay không.
Nhóm kiểm kê cũng xác định có 877 quyển (5%) thuộc loại hư hại nặng.
Viện đã tổ chức thông báo tình hình đến chi bộ và cán bộ chủ chốt cũng như Hội đồng khoa học trong hai cuộc họp vào sáng 16-3 và 17-3.
Viện cũng đang mời các chuyên gia tham gia đối chiếu các sách lẫn ký hiệu với các sách thiếu để sàng lọc, xác định số sách thực sự mất; đồng thời lập hội đồng đánh giá tình trạng của 877 sách hư hại để có phương án xử lý phù hợp.
"Có thể mất 121 quyển mà cũng có thể không mất quyển nào"
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối 20-3, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường nói viện mới chỉ xác định thiếu 121 quyển sách chứ chưa xác định có thực sự mất 121 quyển không.
Có thể mất 121 quyển, hoặc mất một số quyển ít hơn con số 121 quyển, hay không mất cuốn nào nếu như toàn bộ 121 quyển hiện bị thiếu này nằm trong số 339 quyển "dôi ra" (sách lẫn lộn các ký hiệu, cũng có ký hiệu nhưng lại không đúng với thông tin trong sổ đăng ký cá biệt).
"Bây giờ cần có các chuyên gia để đối chiếu giữa các nhóm thiếu và nhóm thừa để xem còn quyển nào bị thiếu nằm ở trong nhóm sách dôi ra hay không.
Hy vọng toàn bộ số sách thiếu nằm trong số sách dôi ra thì không mất. Nhưng cũng có thể không trùng quyển nào, nghĩa là mất 121 cuốn", ông Cường nói.
Ông cũng giải thích vì sao có 339 quyển sách lẫn lộn ký hiệu, vì khi nhập một cuốn sách về, phải ghi vào sổ. Quá trình ghi sổ một lượng sách rất lớn, trải qua nhiều năm thì ký hiệu có thể bị ghi nhầm, tên sách không đúng…
Sách sưu tầm rất nhiều sách vô đề, mất những trang đầu. Việc xác định tên sách là gì không thống nhất.
Về 887 cuốn sách bị hư hỏng nặng, ông Cường giải thích: "Việc các thư viện hỏng sách là việc tự nhiên. Những cuốn sách cổ được viện mua về từ những năm 1980, tốc độ tu bổ rất chậm, kinh phí thiếu, không thể tu bổ gấp một lượng sách khổng lồ ở viện. Phải chấp nhận sách bị hỏng tự nhiên khoảng 5%".
Ông Cường cho biết viện phải có hướng giải quyết những cuốn sách này tránh mối mọt lây lan sang những quyển khác.
Vụ mất 25 cuốn sách cổ, đã mời cơ quan an ninh để điều tra
Về sự việc thất thoát 25 đơn vị tài liệu mà truyền thông đưa tin cuối năm 2022, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết viện này đã báo cáo Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam vào ngày 16-2.
Ngay sau đó, viện cũng đã có công văn mời cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ sự việc mất tài sản. Hiện chưa có kết quả cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận