Đại diện VKS đối đáp với các luật sư sáng 15-12 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Đại diện Viện KSND TP.HCM đã có phần đối đáp với quan điểm bào chữa của các luật sư và bị cáo. VKS cho rằng không có căn cứ để chấp nhận các kiến nghị bào chữa của luật sư. Thậm chí, kiểm sát viên tại phiên tòa còn cho rằng các bị cáo cấp trên đổ lỗi cho cấp dưới và ngược lại.
"Cấp dưới thừa nhận, cấp trên không thừa nhận"
Đại diện VKS cho rằng "cảm thấy rất kỳ lạ" vì các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, nhất là các bị cáo cấp dưới nhưng người đứng đầu lại không thừa nhận hành vi của mình.
VKS ví dụ cấp dưới thừa nhận sai khi đơn vị đề nghị xin chuyển nhượng dự án nhưng bị cáo Trần Trọng Tuấn cho rằng mình có căn cứ. Các luật sư bảo vệ cho ông Tuấn nói VKS dùng luật hết thời hiệu và kết luận giám định không có căn cứ.
Đại diện VKS cho biết sẽ phân tích và làm rõ trong quá trình đối đáp và khẳng định lại cáo trạng có căn cứ và đúng pháp luật.
Đại diện VKS cho rằng đối với nhóm tội phạm vi phạm quy định là cả quá trình chứ không chỉ một vài tháng, chỉ có điều thời điểm nào thì vận dụng pháp luật thời điểm đó. Việc VKS sử dụng nghị định 71/2013 là thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, nghị định đó vẫn còn hiệu lực.
VKS cho rằng đánh giá các bài bào chữa của bị cáo thấy nhiều phần bào chữa mâu thuẫn với nhau. Cụ thể, nhóm Sagri, các bị cáo nêu rõ đề nghị chuyển nhượng, còn việc được chuyển hay không do sở ngành và cấp trên quyết định. Nhưng ngược lại bị cáo Trần Vĩnh Tuyến và Trần Trọng Tuấn lại cho rằng lỗi này của Sagri, vô tình 2 nhóm bị cáo đổ lỗi cho nhau hay nói theo ngôn ngữ pháp lý là buộc tội lẫn nhau.
"Vấn đề thiệt hại, chúng tôi khẳng định con số 672 tỉ đối với tội danh vi phạm quy định quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí là hoàn toàn chính xác" - đại diện VKS nêu quan điểm.
VKS phát biểu quan điểm đối đáp tại tòa - Ảnh: NHẬT THỊNH
Nhận xét chung, đại diện VKS cho rằng đối với bị cáo Trần Văn Trường, trong quá trình điều tra chưa thành khẩn nhưng tại phiên tòa, bị cáo nhận thức được hành vi của mình, thậm chí nhận sai, xin giảm nhẹ cho các bị cáo khác, điều này đáng để các bị cáo có chức vụ cao phải suy nghĩ.
Theo đại diện VKS, trước đó đã lưu ý các bị cáo nếu có thái độ khai báo thành khẩn thì sẽ được cân nhắc giảm nhẹ khi lượng hình, còn ngược lại, ngụy biện thì HĐXX sẽ khó xem xét giảm nhẹ tối đa cho các bị cáo.
Không thể có chuyện Nhà nước hưởng lợi từ hành vi tham ô
Đối đáp với quan điểm của các luật sư bảo vệ các bị cáo thuộc nhóm tội tham ô tài sản, nhóm 7 bị cáo đã thực hiện việc ký khống 10 hợp đồng học tập ở nước ngoài để rút 13,3 tỉ ra khỏi Sagri, VKS cho rằng đã xem xét đủ căn cứ và tình tiết giảm nhẹ để đề nghị mức án nên không có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo.
Trước đó, trong phần bào chữa, các luật sư cho rằng VKS chưa xem xét nguyên nhân bối cảnh ký 10 hợp đồng khống.
Các luật sư cho rằng ý thức chiếm đoạt số tiền không có, bởi lý do khách quan vì năm 2016 không thể đi nước ngoài được. Có luật sư còn yêu cầu ghi nhận Nhà nước đang được hưởng lợi từ hành vi tham ô. Luật sư còn cho rằng bị cáo bị truy tố chưa đúng tội hoặc đúng tội nhưng chưa đúng người.
Đối đáp lại quan điểm này, VKS nói rằng trong vụ án này, có 2 nội dung mà các bị cáo và luật sư không thể phủ nhận là việc ký hợp đồng với các công ty du lịch. Cả 10 hợp đồng này chung nội dung cho công nhân đi nước ngoài học tập trao đổi kinh nghiệm, sau khi ký hợp đồng, số tiền này đã được chuyển ra khỏi tài khoản của Sagri. Như vậy, không thể có chuyện Nhà nước được hưởng lợi từ hành vi tham ô của các bị cáo như một luật sư phát biểu.
VKS lập luận nếu cho đi với mục đích du lịch thì mức thanh toán là không quá 1 tháng lương, nhưng nếu đi học tập kinh nghiệm thì định mức thanh toán 100% chi phí chuyến đi, các bị cáo đã khai rõ tại cơ quan điều tra.
Ngoài ra, các hợp đồng thể hiện bị cáo Nguyễn Thị Thúy (kế toán trưởng Sagri) và Trần Văn Trường (Công ty du lịch Thanh niên xung phong) đã trao đổi thông tin với nhau qua email cá nhân, thời gian hiển thị trao đổi thông tin là từ 20-9 đến 30-9-2016. Nhưng theo kế hoạch ngày khởi hành chuyến du lịch là 17-9.
Như vậy thời gian thực hiện chuyến đi trước cả thời gian lên chương trình và không có chuyện lên kế hoạch mà không đi được, đây chính là hình thức hợp thức hóa hồ sơ.
VKS cho rằng số tiền 13,3 tỉ đã lấy hoàn toàn khỏi Sagri thì đây chính là thiệt hại của hành vi tham ô.
Trong vụ này các bị cáo đã tích cực khắc phục nên VKS đã có mức án đề nghị dưới khung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận