27/03/2012 07:44 GMT+7

Viện Kiểm sát đình chỉ điều tra

HÀ MI
HÀ MI

TT - Vụ án nhận hối lộ tại Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 (phường Bửu Long, TP Biên Hòa) xôn xao dư luận cuối năm 2010, nay đã có quyết định đình chỉ điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân TP Biên Hòa.

Bắt 3 đối tượng môi giới hối lộ sát hạch viên lái xeVụ sát hạch viên nhận hối lộ: Khởi tố 5 bị canXác định thêm 15 nghi can nhận và môi giới hối lộ

N6wD7sEU.jpgPhóng to

Biên bản bắt quả tang và quyết định đình chỉ điều tra vụ án - Ảnh: Hà Mi

Vì sao?

Theo hồ sơ, khoảng 12g ngày 30-12-2010, lực lượng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46) Công an Đồng Nai bất ngờ ập vào Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 bắt quả tang các sát hạch viên, giáo viên, thanh tra viên nhận hối lộ.

Các bị can: Dương Xuân Chinh (tổ trưởng tổ sát hạch), Hồ Văn Sữa (nhân viên tổ sát hạch), Hoàng Ngọc Hải (nhân viên tổ sát hạch), Nguyễn Văn Lực (trưởng khoa đào tạo Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải) và Nguyễn Lê Tân (giáo viên Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải) bị bắt giữ và công an đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.

Công an: bắt quả tang nhận hối lộ

“Đã gia hạn điều tra hai lần”

Trả lời câu hỏi về việc dư luận quan tâm ông Hồ Văn Sữa là em của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai có ảnh hưởng gì đến việc đình chỉ vụ án?

Ông Long nói: “Cơ quan điều tra cũng từng đặt vấn đề này nhưng chúng tôi khẳng định việc xử lý vụ án phải dựa trên cơ sở pháp luật, tài liệu hồ sơ và các chứng cứ thu thập được. Chúng tôi đã gia hạn điều tra hai lần. Tuy nhiên khi chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, lời khai của các bị can có trong hồ sơ không phù hợp với các chứng cứ khác. Chúng tôi đình chỉ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này”.

Theo PC46, tại phòng điều hành chấm thi sa hình nơi các nhân viên này làm việc, công an đã thu giữ gần 36 triệu đồng tiền mặt, sáu điện thoại di động, nhiều tài liệu, hồ sơ dự thi của học viên và một số giấy tờ sổ sách liên quan đến việc đưa và nhận hối lộ. Sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam năm bị can trên. Đến gần tết âm lịch 2011, cả năm bị can được tại ngoại hầu tra.

Tháng 4-2011, vụ án được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai chuyển về cho Công an TP Biên Hòa điều tra.

Tháng 2-2012, Cơ quan điều tra Công an TP Biên Hòa có kết luận điều tra và chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân TP Biên Hòa đề nghị truy tố năm bị can trên về tội “nhận hối lộ”. Theo kết luận điều tra, cơ sở để quy kết các bị can tội “nhận hối lộ” thể hiện ở việc các bị can nhận 2 triệu đồng/học viên thi bằng lái để đọc cho họ đáp án phần thi sát hạch lý thuyết; các giáo viên thu 200.000 đồng/thí sinh, sau đó trích 150.000 đồng của mỗi thí sinh bồi dưỡng cho tổ sát hạch để tổ sát hạch bỏ qua các lỗi cho thí sinh khi thi sát hạch phần lái xe đường trường.

Theo cơ quan điều tra, qua lời khai, các bị can thừa nhận đã nhận tiền nhiều lần của giáo viên dạy lái xe ở các trường để chia nhau trong tháng 12-2010 tại hầu hết các kỳ thi sát hạch giấy phép lái xe hạng B1, B2, C. Cụ thể ngày 30-12-2010, Hoàng Ngọc Hải đưa cho Hồ Văn Sữa 2 triệu đồng, Dương Xuân Chinh đưa Sữa 5,8 triệu đồng để Sữa đọc đáp án cho bốn học viên thi lý thuyết. Nguyễn Văn Lực thu 4,8 triệu đồng của sáu giáo viên chưa kịp bồi dưỡng cho tổ sát hạch thì bị bắt...

Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai từng khẳng định đây là vụ án tham nhũng lớn. Tại cuộc gặp gỡ báo chí gần đây, thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - giám đốc Công an tỉnh - vẫn khẳng định: “Đây là vụ bắt quả tang nhận hối lộ”.

Viện Kiểm sát: không có cơ sở

Ngày 6-3-2012, Viện Kiểm sát nhân dân TP Biên Hòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án theo điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự. Đồng thời yêu cầu trả lại cho các bị can và những người liên quan tiền, điện thoại di động và các giấy phép lái xe, tiền gửi tiết kiệm đã bị tạm giữ trong quá trình điều tra.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Hoàng Hữu Long, viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Biên Hòa, giải thích: “Nhiều lần khi có sự mâu thuẫn về quan điểm giữa cơ quan tố tụng, chúng tôi vẫn họp và nói rằng mặc dù hồ sơ vụ án thể hiện bắt quả tang nhưng đây không phải là bắt quả tang. Bởi sau này khi phản cung, thay đổi lời khai, bị can Hồ Văn Sữa, Dương Xuân Chinh, Hoàng Ngọc Hải khai đang ngồi chấm bài thi thì bị cơ quan điều tra ập vào yêu cầu ngồi im, đứng lên, sau đó kiểm tra tiền trong túi quần.

Theo luật, các bị can được quyền thay đổi lời khai, còn việc chứng minh hành vi phạm tội thuộc trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Nhưng trong hồ sơ án, chứng cứ yếu và không đủ chứng cứ”.

Theo ông Long, tại các lời khai ban đầu với cơ quan điều tra, các bị can có khai nhận 2 triệu đồng/thí sinh sau đó chia đều, nhưng sau này làm việc với tám sát hạch viên và ba giám sát thì họ đều phủ nhận việc được chia tiền. Nếu không ai thừa nhận có nhận hối lộ thì căn cứ còn lại là biên bản phạm tội quả tang, nhưng ngay trong biên bản phạm tội quả tang đã có sự mâu thuẫn.

Chẳng hạn, đối với hành vi nhận 2 triệu đồng/thí sinh, biên bản bắt người phạm tội quả tang chỉ thể hiện: Hồ Văn Sữa móc trong túi quần ra số tiền trên 17,7 triệu đồng, trong đó có 7,8 triệu là tiền của Chinh đưa để giúp bốn thí sinh thi sát hạch lý thuyết.

Trong khi Chinh khai đưa cho Sữa 5,8 triệu đồng. Viện Kiểm sát nhân dân TP Biên Hòa cho rằng bắt người phạm tội quả tang như vậy là không thỏa mãn các dấu hiệu theo quy định của điều 82 khoản 1 Bộ luật tố tụng hình sự. Bởi hồ sơ không chứng minh được việc Sữa nhận 7,8 triệu đồng từ Chinh và không chứng minh được việc Chinh đưa Sữa 5,8 triệu đồng.

Khi bị can phản cung

Ông Long nói: “Hồ sơ vụ án thể hiện 11 người môi giới nhưng đến nay không có đối tượng nào thừa nhận. Chúng tôi nghiên cứu hồ sơ và thấy rằng cơ quan điều tra chỉ căn cứ vào lời khai nhận ban đầu của các bị can Sữa, Tân, Chinh, Hải để kết luận các bị can đã nhận tiền của các thí sinh nhưng nay các bị can phản cung thì không còn chứng cứ gì khác để truy tố các bị can về tội nhận hối lộ”.

Mặt khác, ông Long giải thích: hành vi thu 200.000 đồng/thí sinh bồi dưỡng, để giáo viên trực tiếp dạy đưa lại cho tổ sát hạch 150.000 đồng/thí sinh cũng thiếu chứng cứ. Qua điều tra, công an đã lấy lời khai 20 người là chủ tịch hội đồng thi, giáo viên thực hành lái xe... nhưng tất cả đều phủ nhận.

Cơ quan điều tra cũng lấy lời khai 77 thí sinh thì có 19 thí sinh cho biết có nộp cho giáo viên 200.000 đồng nhưng “chỉ nghe nói là bồi dưỡng cho tổ sát hạch”. Người đưa và nhận hối lộ phải có sự thỏa thuận nhưng đến nay hồ sơ vụ án không chứng minh được điều này...

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi về việc đình chỉ điều tra vụ án, ông Bùi Hữu Danh, trưởng Công an TP Biên Hòa, nói: “Hiện chúng tôi đang báo cáo ban giám đốc Công an tỉnh để xin ý kiến. Khi có ý kiến chính thức, chúng tôi tiếp tục kiến nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét lại việc đình chỉ vụ án của Viện Kiểm sát nhân dân TP Biên Hòa”.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên