23/02/2019 10:20 GMT+7

Viêm sụn sườn

Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng

Viêm sụn sườn là một tình trạng đau của thành ngực. Bệnh này gây đau ngực. May mắn thay đây không phải là một bệnh nghiêm trọng.

Viêm sụn sườn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: mayoclinic.org

Để hiểu về viêm sụn sườn, bạn cần biết một chút về giải phẫu khung xương sườn (lồng ngực). Khung xương sườn là một cấu trúc xương để bảo vệ phổi bên trong. Các xương cứng và rắn, nên chúng không có khuynh hướng bị bẻ cong hay di chuyển. Tuy nhiên, phổi cần dãn nở để chúng ta có thể hít thở.

Khi chúng ta hít một hơi sâu, cơ hoành sẽ hoạt động như sau. Cơ hoành di chuyển xuống và điều này giúp không khí đi qua miệng và mũi để vào trong phổi. Lúc này lồng ngực cũng nở ra. Để các xương sườn nở ra, xương sườn cần cái gì đó cho phép nó chuyển động. Các sụn sườn cho phép điều này. Sụn là một chất mềm mại, co giãn được (nhưng rất chắc) tìm thấy ở các khớp trong cơ thể.

Các sụn gắn xương sườn vào xương ức và gắn xương ức vào xương đòn. Các khớp giữa xương sườn và sụn được gọi là khớp sụn sườn. Các khớp giữa sụn và xương ức được gọi là khớp ức sườn. Các khớp giữa xương ức và xương đòn được gọi là khớp ức đòn.

Trong viêm sụn sườn, hiện tượng viêm tại khớp sụn sườn, khớp ức sườn hoặc khớp ức đòn (hoặc kết hợp). Điều này gây đau nhói, đặc biệt tăng hơn khi cử động hoặc đè ép.

Hội chứng Tietze tương tự như viêm sụn sườn. Hai bệnh lý này thường được sử dụng hoán đổi cho nhau (nhưng điều này thật sự không đúng). Tuy nhiên, hội chứng Tietze lại là một bệnh lý khác. Nó gây ra các triệu chứng tương tự, vẫn do viêm, nhưng khác ở chỗ có khuynh hướng gây sưng khớp sụn sườn, ức sườn hoặc ức đòn.

Bệnh Bornholm là một bệnh lý tương tự khác. Tuy nhiên, bệnh này là do nhiễm siêu vi (virus) dẫn đến đau nhức cơ, cũng như đau ngực. Virus coxsackie B là tác nhân thường gặp của bệnh Bornholm (mặc dù echovirus và coxsackie A cũng có thể là nguyên nhân).

Thông tin quan trọng về đau ngực

Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực khác nhau. Đau ngực là một triệu chứng mà bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm nguyên nhân.

Lưu ý: Đau ngực có thể do nhiều nguyên nhân nghiêm trọng khác gây ra. Bất kỳ đau ngực nào kéo dài, nặng hoặc mới khởi phát nên được thăm khám bởi bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn là người trưởng thành và có tiền căn bệnh tim hoặc bệnh phổi. Nếu đau mức độ nặng, đặc biệt nếu đau lan ra cánh tay hoặc lên hàm, và bạn cảm thấy không khỏe, vã mồ hôi hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu 115. Đây có thể là triệu chứng của nhồi máu cơ tim.

Nếu bạn còn trẻ và khỏe mạnh trước đó thì đau thành ngực thường ít nhiều không nghiêm trọng. Viêm sụn sườn là một ví dụ cho bệnh lý có thể gây đau thành ngực mà không nghiêm trọng. Bởi vì đau gây ra bởi viêm sụn sườn đôi khi có thể nặng nề, làm nhiều người trở nên rất căng thẳng và lo lắng rằng đau có thể do một bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân của viêm sụn sườn?

Viêm sụn sườn thường vô căn. Đây là một thuật ngữ y khoa, có nghĩa là không rõ nguyên nhân/ căn nguyên rõ rệt. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, không có nguyên nhân nào được tìm thấy.

Đôi khi viêm sụn sườn có thể xảy ra sau những chấn thương nhỏ ở thành ngực lặp đi lặp lại hoặc sau những hoạt động mà một người không quen thuộc - có thể là trang trí hoặc di chuyển đồ đạc.

Ai có thể bị viêm sụn sườn?

Ai cũng có nguy cơ bị viêm sụn sườn. Bệnh này có khuynh hướng ảnh hưởng đến người trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên. Tuy nhiên bệnh cũng có thể gặp ở trẻ em. Những người thực hiện các cử động lặp lại làm căng thành ngực, đặc biệt nếu họ không quen làm những động tác này trước đó, có thể dễ bị bệnh hơn. Một số nghiên cứu gợi ý rằng phụ nữ có khuynh hướng bị mắc bệnh thường hơn nam giới.

Người bị bệnh đau sợi cơ (fibromyalgia) có xu hướng viêm sụn sườn hơn những người khác. Bệnh đau sợi cơ là một bệnh lý mạn tính gây đau nhức toàn thân và mệt mỏi.

Viêm sụn sườn có thường gặp không?

Khó để nói chính xác có bao nhiêu người bị viêm sụn sườn. Đây là một bệnh lý tương đối thường gặp. Có thể là, nhiều người có bệnh này không báo những triệu chứng của họ cho bác sĩ. Và vì bệnh thường diễn tiến ngắn hạn và tự hết, số lượng người mắc bệnh không được biết.

Một số nghiên cứu ước tính rằng có từ 1 đến 3 trong số 10 người bị đau ngực có nguyên nhân cơ xương. Điều này có nghĩa là đau ngực liên quan đến cơ hoặc xương sườn. Viêm sụn sườn là một nguyên nhân gây đau ngực do cơ xương.

Triệu chứng của viêm sụn sườn?

Viêm sụn sườn gây đau ngực, ở phía trước của thành ngực. Điển hình là cảm giác đau nhói như dao đâm và có thể khá nặng. Đau tăng lên khi cử động, gắng sức và hít thở sâu. Đè ép lên vùng bị viêm cũng có thể gây đau chói. Một số người có thể cảm thấy đau nhức hay căng tức. Đau thường khu trú ở một vùng nhỏ nhưng có thể lan ra một vùng rộng. Đau có xu hướng lúc tăng lúc giảm, và có thể giảm khi thay đổi tư thế hoặc thở nhẹ.

Vị trí đau thường gặp nhất là gần xương ức, ở mức xương sườn thứ 4, thứ 5 và thứ 6.

Lưu ý: Nếu không có kiểu đau nhói, nguyên nhân của đau ngực ít khi là viêm sụn sườn. Nên đi khám bệnh nếu bạn không chắc về nguyên nhân gây nên triệu chứng này.

Chẩn đoán viêm sụn sườn?

Viêm sụn sườn thường được chẩn đoán dựa trên triệu chứng và qua quá trình thăm khám. Quan trọng là phải loại trừ các nguyên nhân gây đau ngực khác.

Tôi có cần làm xét nghiệm gì không?

Không có xét nghiệm nào cần thiết để xác định viêm sụn sườn. Tuy nhiên, các xét nghiệm có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân gây đau ngực khác nếu nguyên nhân gây đau không rõ. Dẫn chứng cho một số xét nghiệm như đo điện tâm đồ hay chụp X-quang ngực.

Điều trị viêm sụn sườn

Điều trị cho viêm sụn sườn chủ yếu sử dụng các thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm. Thông thường, các thuốc giảm đau đơn giản như paracetamol hoặc codeine là đủ để điều trị.

Ibuprofen là một thuốc kháng viêm (cũng gọi là thuốc kháng viêm không steroid, hay NSAID) thường hiệu quả với viêm sụn sườn. Các thuốc NSAID khác cũng được kê toa. NSAID không nên dùng khi đói; cũng như không nên sử dụng cho người đang uống thuốc kháng đông (như warfarin), hay người bị hen suyễn (trừ khi được theo dõi bởi bác sĩ). Nếu bạn có tiền sử loét dạ dày, hoặc bị khó tiêu thường xuyên hay bị trào ngược acid dạ dày, bạn nên tránh dùng NSAID. Nếu bạn xuất hiện đau bụng, khó tiêu hoặc buồn nôn trong khi đang dùng thuốc NSAID như ibuprofen, bạn nên ngưng dùng thuốc này ngay lập tức và đi khám bệnh.

Đối với những trường hợp viêm sụn sườn nặng, không đáp ứng với thuốc giảm đau và kháng viêm, tiêm steroids hoặc các thuốc giảm đau toàn thân có thể được sử dụng.

Trong một số ca quá nặng, phong bế thần kinh liên sườn có thể được thực hiện (thường bởi bác sĩ chuyên khoa về đau (chăm sóc giảm nhẹ) và/hoặc gây mê). Phương pháp này liên quan đến việc tiêm một thuốc giảm đau tại chỗ quanh xương sườn bị đau, để phong bế dây thần kinh liên sườn gần đó. Các thần kinh liên sườn dẫn truyền cảm giác đau trong viêm sụn sườn. Loại tiêm thuốc này tạm thời làm gián đoạn xung thần kinh để ngưng cảm giác đau. Phong bế thần kinh có thể kéo dài vài tuần hay vài tháng. Trong những trường hợp viêm sụn sườn nặng, tái phát, một chuỗi các mũi tiêm có thể thực hiện để phá hủy lâu dài dây thần kinh gây đau.

Các biện pháp hỗ trợ không dùng thuốc để làm giảm đau trong viêm sụn sườn bao gồm:

- Miếng dán nhiệt để giảm đau (cao dán);

- Đắp lạnh;

- Kích thích thần kinh bằng điện xuyên da - điện châm (TENS);

- Châm cứu;

- Các bài tập kéo dãn nhẹ nhàng;

- Tránh các hoạt động thể thao làm đau tăng lên.

Tiên lượng của viêm sụn sườn

Tiên lượng của viêm sụn sườn nhìn chung là rất tốt. Hầu hết các trường hợp nhẹ, ngắn hạn (thường không kéo dài quá 6 - 8 tuần) và tự cải thiện. Điều này xảy ra dù có điều trị thuốc hay không. Trong gần như tất cả các trường hợp, tình trạng này hồi phục hoàn toàn trong 6 tháng. Tuy nhiên, trong một số rất ít các trường hợp bệnh kéo dài lâu hơn. Viêm sụn sườn có thể bị tái lại, nhưng hiếm gặp.


Nguồn: Cổng thông tin Y học Cộng đồng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên