14/05/2019 15:25 GMT+7

Viêm niệu đạo

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Viêm niệu đạo thường gây đau khi đi tiểu, tiểu gấp. Nguyên nhân chủ yếu của viêm niệu đạo thường do nhiễm vi khuẩn.

Viêm niệu đạo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: std-gov.org

Viêm niệu đạo là tình trạng ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể bị viêm và kích thích.

Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Tinh dịch cũng được phóng qua niệu đạo ở nam giới. Viêm niệu đạo thường gây đau khi đi tiểu, tiểu gấp. Nguyên nhân chủ yếu của viêm niệu đạo thường do nhiễm vi khuẩn.

Viêm niệu đạo gặp ở mọi lứa tuổi, ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, nữ giới dễ bị mắc viêm niệu đạo hơn nam giới.

Triệu chứng

Ở nam

Nam giới bị viêm niệu đạo có thể bị một hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:

- Cảm giác bỏng rát khi đi tiểu.

- Kích thích hoặc cảm giác bỏng rát ở lỗ niệu đạo (miệng sáo).

- Có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu.

- Tiết dịch ở đầu dương vật.

Ở nữ

Những triệu chứng ở nữ bao gồm:

- Thường xuyên bị tiểu gấp.

- Cảm giác khó chịu khi đi tiểu.

- Đau ở vùng bụng.

- Sốt.

- Rét run.

- Khí hư bất thường.

Những người bị viêm niệu đạo có thể không có bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý, đặc biệt là ở nữ giới. Ở nam, các triệu chứng có thể phát triển thầm lặng nếu viêm niệu đạo do Chlamydia hoặc đôi khi là do nhiễm Trichomonas. Do đó, điều quan trọng là cần kiểm tra nếu bạn bị bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp bị viêm niệu đạo là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Những vi khuẩn gây viêm bàng quang hoặc thận cũng có thể gây nhiễm trùng ở niêm mạch niệu đạo. Vi khuẩn thường trú ở bộ phận sinh dục cũng có thể gây viêm niệu đạo nếu chúng xâm nhập vào đường tiết niệu. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), vi khuẩn gây ra viêm niệu đạo bao gồm:

- Lậu.

- Chlamydia.

- Mycoplasma genitalium.

Các tác nhân sinh học gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng có thể dẫn đến viêm niệu đạo, bao gồm lậu, Chlamydia và Trichomonas.

Virus cũng có thể dẫn đến viêm niệu đạo như HPV, HSV (Herpes simplex virus) và cytomegalovirus.

Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của bạn và thăm khám bộ phận sinh dục để chẩn đoán. Họ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm như tổng phân tích nước tiểu, lấy bệnh phẩm từ niệu đạo hoặc âm đạo để xét nghiệm. Nếu bác sĩ nghi ngờ bị bệnh lây truyền qua đường tình dục thì các xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán xác định hoặc chẩn đoán loại trừ.

Điều trị

Điều trị viêm niệu đạo thường sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus. Một số thuốc thường được dùng bao gồm:

- Tetracyclin.

- Doxycyclin.

- Erythromycin.

- Ofloxacin.

Nếu nguyên nhân là bệnh lây truyền qua đường tình dục thì việc kiểm tra và điều trị cho cả bạn tình là cần thiết để phòng ngừa lây lan và tái nhiễm.

Biến chứng

Thuốc thường có thể nhanh chóng điều trị được viêm niệu đạo. Tuy nhiên, nếu nhiễm trùng không được điều trị có thể gây hậu quả kéo dài và khá nghiêm trọng. Ví dụ, nhiễm trùng có thể lây sang các phần khác của hệ tiết niệu như bàng quang, niệu quản, thận.

Bên cạnh đó, các bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây tổn thương hệ sinh dục theo thời gian và dẫn đến vô sinh. Do đó, bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nào của viêm niệu đạo.

Phòng bệnh

Nhiều vi khuẩn gây viêm niệu đạo có thể lây truyền sang người khác qua đường tình dục. Vì vậy, quan hệ tình dục an toàn là một biện pháp phòng bệnh quan trọng. Một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ:

- Tránh quan hệ tình dục với nhiều bạn tình.

- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.

- Kiểm tra định kỳ.

- Bảo vệ người khác: Nếu bạn phát hiện bị bệnh lây truyền qua đường tình dục nên báo cho những người có nguy cơ lây nhiễm.

Bên cạnh tình dục an toàn, có những cách khác để có thể có một hệ tiết niệu khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ bị viêm niệu đạo và các bệnh lý về tiết niệu khác: Uống nhiều nước, đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục, tránh ăn các thức ăn cay nóng; tránh tiếp xúc với chất diệt tinh trùng, đặc biệt là nếu bạn đã từng bị chất này gây kích ứng niệu đạo.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên