16/10/2017 16:49 GMT+7

Viêm mũi họng cấp - bệnh thường gặp ở trẻ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Trẻ bị viêm mũi họng cấp thường có các triệu chứng như: ho, sổ mũi, sốt, kém ăn... Nếu được điều trị đúng cách bệnh sẽ nhanh khỏi, còn để nặng và điều trị muộn sẽ dẫn đến các biến chứng viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi.

Viêm mũi họng cấp - bệnh thường gặp ở trẻ - Ảnh 1.

Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm mũi họng cấp ở trẻ. Ngoài nguyên nhân chính là do nhiễm vi rút thì các yếu tố nguy cơ, như: thay đổi thời tiết đột ngột, nắng mưa thất thường, môi trường sống ẩm, nhiều bụi bẩn... cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi họng cấp ở trẻ.

Khi trẻ bị viêm mũi họng cấp thường có dấu hiệu sốt, sổ mũi trong, ho, kém ăn. Phụ huynh nên điều trị triệu chứng nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, nếu sốt cho trẻ uống thuốc hạ sốt, đồng thời cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. 

Nếu sức đề kháng trẻ tốt bệnh sẽ khỏi dần, nhưng nếu trẻ có sức đề kháng yếu thì bệnh sẽ diễn tiến phức tạp hơn và có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản... 

Vì vậy, phụ huynh nên chú ý nếu thấy trẻ không khỏi bệnh thì đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa khám, điều trị tránh để lại những biến chứng xảy ra.

Phần lớn những trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị đau tai, viêm tai giữa thì trước đó đã bị viêm mũi họng cấp. Do điều trị không đúng cách, bệnh kéo dài kèm theo sức đề kháng kém nên dẫn đến những biến chứng này là không tránh khỏi. 

Nếu bệnh nhẹ chỉ điều trị các triệu chứng còn khi bệnh đã trở nặng, trẻ ho nhiều, sốt cao, đờm có màu xanh và vàng thì bắt buộc phải điều trị kháng sinh. Việc điều trị khó khăn hơn, tốn kém và thời gian kéo dài hơn.

Để phòng ngừa bệnh, phụ huynh hạn chế cho trẻ tới những nơi đông người, khi người lớn và trẻ khác bị bệnh không cho trẻ tiếp xúc tránh lây lan. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, nhà cửa sạch sẽ, rửa tay cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Phụ huynh không được tự ý đi mua thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh nhiều biến chứng nguy hiểm và tránh tình trạng trẻ nhờn thuốc, khó cho việc điều trị sau này. 

Để có phương pháp điều trị an toàn và triệt để nhất, cha mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó có phương pháp điều trị thích hợp nhất cho trẻ.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên