09/06/2010 07:22 GMT+7

Viêm mủ nội nhãn sau phẫu thuật mắt: 20% bệnh nhân mất thị lực?

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Viêm mủ nội nhãn được coi là một “thảm họa” trong phẫu thuật nhãn khoa. Đây cũng là bệnh lý cần được điều trị tích cực ngay từ khi bệnh nhân có triệu chứng.

tvurRHsV.jpgPhóng to
Một bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn sau mổ mắt tại Bệnh viện Mắt TP.HCM - Ảnh: L.TH.H.

TS.BS Nguyễn Hữu Chức - trưởng khoa mắt Bệnh viện Chợ Rẫy, phó chủ tịch Hội Nhãn khoa TP.HCM - cho biết: viêm mủ nội nhãn là tình trạng nhiễm trùng bên trong nhãn cầu, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân sau phẫu thuật. Không riêng gì phẫu thuật phaco mà tất cả các loại phẫu thuật can thiệp vào nội nhãn đều có nguy cơ bị viêm mủ nội nhãn. Những bệnh nhân có một số bệnh toàn thân như tiểu đường, suy giảm miễn dịch, suy nhược cơ thể, già yếu... hoặc bị viêm nhiễm tại mắt và vùng lân cận sẽ có nguy cơ cao hơn.

Các nguyên nhân gây viêm

Theo TS Chức, tác nhân gây viêm mủ nội nhãn có thể do vi khuẩn, nấm, virut hoặc do các dị vật từ chấn thương. Trong đó, nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra nặng nề và diễn tiến cấp tính nhất. Những vi khuẩn gây nhiễm trùng mắt thường gặp là: vi khuẩn tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, vi khuẩn mủ xanh (Pseudomonas). Loại vi khuẩn ít gặp hơn là Proteus sp. và một số loại vi khuẩn khác. Vi khuẩn mủ xanh gây tác hại rất dữ dội do độc tính của nó cực mạnh và kháng lại nhiều loại kháng sinh hiện có nên việc điều trị thường rất khó khăn và kéo dài.

Các loại vi khuẩn, nấm, virut xâm nhập vào mắt bệnh nhân bằng đường nào thường rất khó xác định, thậm chí không thể xác định được. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng nó có thể có sẵn ở mi mắt, kết mạc, túi lệ, lông mày... của người bệnh, rồi xâm nhập theo phẫu thuật do nhân viên y tế không thực hiện đúng việc vô trùng trước khi mổ cho bệnh nhân. Nguy cơ nhiễm trùng cũng có thể xảy ra do thao tác kỹ thuật, môi trường phòng mổ, khăn để dụng cụ mổ, khăn trải giường dùng cho bệnh nhân khi phẫu thuật, các loại dụng cụ mổ (nếu sử dụng lại nhiều lần mà không được hấp vô trùng đúng yêu cầu...).

TS Chức cho biết triệu chứng của viêm mủ nội nhãn có thể xuất hiện sau khi phẫu thuật nội nhãn hoặc chấn thương trung bình 2-7 ngày, một số trường hợp có thể lâu hơn. Với những bệnh nhân nặng, sau khi mổ vài ngày bệnh nhân bị mất thị lực trầm trọng, mi mắt và kết mạc phù nề, sung huyết, vùng rìa mắt bị cương tụ, đau nhức mắt, thâm nhiễm giác mạc và có mủ trong nội nhãn. Nếu bị viêm mủ nội nhãn ở mức độ trung bình, trong mắt bệnh nhân có những chất tiết sợi, trong tiền phòng có ngấn mủ, pha lê thể bị viêm, mất ánh đồng tử, khi khám không thấy đáy mắt. Trường hợp nhẹ, bệnh nhân thấy đau vừa phải, trong mắt có hoặc không có mủ, một số trường hợp còn có thể nhận thức được sáng tối, thấy bóng mờ bàn tay, soi đáy mắt còn nhìn thấy nhưng không rõ chi tiết.

Nếu bị viêm mủ nội nhãn sau phẫu thuật do vi khuẩn thì tùy loại vi khuẩn gây bệnh mà bệnh nhân có thể bị viêm mủ nội nhãn trong vòng vài ngày hoặc một tuần sau mổ. Nếu viêm mủ nội nhãn do nấm, triệu chứng xuất hiện chậm hơn (khoảng hai tuần). Nếu do virut gây bệnh triệu chứng thường nhẹ nhàng hơn.

kySg5rPO.jpgPhóng to
Hình ảnh mắt bị viêm mủ nội nhãn - Ảnh tư liệu

Điều trị cực kỳ khó khăn

Nếu sau mổ mà có hiện tượng đau, nhức mắt, thị lực giảm nhanh, bệnh nhân phải nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, xác định nguyên nhân, điều trị sớm nhất. Nếu chậm trễ, việc điều trị sẽ khó khăn hơn và khả năng hồi phục thị lực cũng ít hơn. Với những bệnh nhân có bệnh toàn thân như cao huyết áp, tiểu đường muốn phẫu thuật mắt nên đến những cơ sở y tế có các chuyên khoa khác hỗ trợ sẽ thuận lợi hơn trong điều trị.

Để phòng ngừa “thảm họa” nhãn khoa này cho người bệnh, trước khi phẫu thuật bệnh nhân phải được bác sĩ khám kỹ để tìm xem có bị bệnh toàn thân, bệnh tại chỗ như: viêm túi lệ, bệnh mi mắt... nhằm loại bỏ những yếu tố thuận lợi làm nguy cơ nhiễm trùng tăng cao.

TS Chức cho biết thêm: theo y văn, viêm mủ nội nhãn có thể gây mất thị lực trầm trọng cho khoảng 20% bệnh nhân. Sau khi được điều trị, chỉ có khoảng 55% bệnh nhân đạt được thị lực cuối cùng là 1/10 hoặc kém hơn. Riêng việc có phải múc bỏ mắt hay không còn tùy thuộc tình trạng bệnh, diễn tiến bệnh, việc đáp ứng điều trị của từng người, chỉ có bác sĩ trực tiếp điều trị mới có thể trả lời chính xác, bên cạnh việc phải thông qua một hội đồng chuyên môn để hội chẩn. Nếu bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn trầm trọng, đau nhức nhiều, mủ ăn lan hết nhãn cầu... thì bắt buộc phải bỏ mắt để loại trừ vi trùng không lan ra chỗ khác (lên não gây viêm tắc mạch xoang hang, vào máu gây nhiễm trùng huyết). Nếu việc điều trị không đáp ứng với kháng sinh, thị lực của bệnh nhân sẽ khó có thể hồi phục.

Về thời gian điều trị, lâu hay mau còn tùy thuộc mức độ trầm trọng của bệnh, tác nhân gây bệnh, đáp ứng của cơ thể đối với bệnh và phương pháp điều trị. Trung bình một đợt điều trị cấp tính khoảng 2-3 tuần, sau đó tùy theo triệu chứng mà có những phương pháp điều trị thích hợp khác. Những di chứng có thể là vẩn đục pha lê thể, tăng nhãn áp và nhiều biến chứng khác.

Phòng ngừa là tốt nhất

Y văn thế giới thống kê tỉ lệ bệnh nhân bị viêm mủ nội nhãn sau phẫu thuật mắt khoảng 1/1.000 ca phẫu thuật. Có khi cả đời phẫu thuật của một bác sĩ nhãn khoa không gặp trường hợp viêm mủ nội nhãn nào. Vì thế, nếu trong một ngày phẫu thuật mà có đến hai ca nhiễm trùng gây viêm mủ nội nhãn đã là điều bất thường cần phải rà soát ngay. Trước tình huống đó, bao giờ bệnh viện cũng phải nhanh chóng cấy môi trường phòng mổ để xác định có vi khuẩn hoặc các tác nhân gây bệnh khác hay không. Kiểm tra lại các quy trình và việc thực hiện các quy trình trong phẫu thuật.

Để chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân, phòng mổ phải thường xuyên được xông bằng tia cực tím hoặc hóa chất để khử khuẩn. Quy trình mổ, phòng chống nhiễm khuẩn phải được thực hiện đầy đủ. Dụng cụ phẫu thuật, thiết bị... phải được vô trùng nghiêm ngặt.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Bệnh nhân nhiễm trùng sau mổ phải múc bỏ mắt?Nghi ngờ do một loại thuốcMổ mắt dính... vi khuẩn độcVụ sau mổ mắt vẫn... tối thui: Tìm nguyên nhân ở hãng sản xuất thuốc

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên