07/09/2008 18:31 GMT+7

Việc làm cho người khiếm thính: cần lắm sự chung sức

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TTO - Cần lắm một sự chung sức từ cộng đồng, cụ thể là từ gia đình, doanh nghiệp tuyển dụng, các trung tâm đào tạo việc làm và cả sự quyết tâm, nỗ lực từ bản thân người lao động khiếm thính - đó là thông điệp của hội thảo “Giải pháp nào cho lao động khiếm thính và các doanh nghiệp đang cần lao động”.

BpOlFVfA.jpgPhóng to

Một bạn trẻ khiếm thính cố gắng trao đổi với thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến - giám đốc DRD - Ảnh: TRUNG UYÊN

Mai Thành Vương làm việc tại Công ty may Bình Hòa (Q.Gò Vấp, TP.HCM) với mức lương trung bình 2 triệu đồng/ tháng. Vương cảm thấy hài lòng với công việc này và được đánh giá là một nhân công nhanh nhẹn, khéo léo. Phạm Đăng Tuấn, làm việc tại một công ty của Hàn Quốc, cũng chia sẻ những lời khen nhận được từ công ty - kết quả quá trình học hỏi không ngừng và vượt qua mặc cảm của nhân viên khiếm thính duy nhất của công ty.

Đó là những câu chuyện được chia sẻ và được xem là những tín hiệu vui tại hội thảo “Giải pháp nào cho lao động khiếm thính và các doanh nghiệp đang cần lao động?”, thu hút gần 10 doanh nghiệp đang sử dụng, cần tuyển dụng, đào tạo lao động là người khiếm thính và khoảng 50 người khiếm thính.

Người lao động: việc ơi, nơi nào?

Bên cạnh những câu chuyện vui khi có được công việc ổn định là không ít nỗi niềm trên đường tìm việc của nhiều bạn trẻ khiếm thính. Bạn Cao Thị Hoàng Sa làm hội trường xúc động với câu chuyện việc làm: khi đang là SV ĐH Bách khoa TP.HCM, sau một cơn sốt Hoàng Sa mất khả năng nghe. Mọi việc ngày càng tệ hơn khi Sa mất việc làm và tạm dừng việc học để chữa trị. Mang tâm trạng buồn bã đến với DRD, Hoàng Sa được các tình nguyện viên nơi đây động viên tinh thần. Liên tục bị từ chối, liên tục chấp nhận rồi từ bỏ những việc có phần nhàm chán so với một cô gái trẻ năng động, hiện nay Hoàng Sa đang làm thiết kế quảng cáo tại Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Bạn Nguyễn Thị Nhàn không nén được giọng buồn buồn: “Mình tốt nghiệp CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, tốt nghiệp loại khá chuyên ngành xuất nhập khẩu. Mình đã đi tìm việc ba nơi nhưng người tuyển dụng thấy mình đeo máy trợ thính là từ chối ngay”.

Nhàn còn khơi gợi một khía cạnh mới: “Qua quan sát mình mới thấy mọi người nghĩ ra các giải pháp cho lao động khiếm thính đối với các công việc phổ thông, còn với những công việc khác có yêu cầu cao hơn thì chưa thấy đề cập”.

Doanh nghiệp: tìm đâu nguồn lao động khiếm thính?

Anh Ninh Thái Phong - giám đốc dự án Công ty cổ phần may in lụa Ngọc Phước, trăn trở: “Cái khó nhất đối với doanh nghiệp có mong muốn sử dụng lao động là người khuyết tật chính là tiếp cận với nguồn lao động này bởi doanh nghiệp rất cần thông tin. Nếu như DRD và các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm đào tạo việc làm cho người khuyết tật dùng các website của mình để làm cầu nối giữa doanh nghiệp và người lao động khiếm thính thì không còn gì bằng”.

tsB1CloX.jpgPhóng to
Các bạn trẻ tham gia lớp học hướng dẫn viên tại Công ty du lịch quốc tế Nụ Cười chia sẻ những cảm nhận - Ảnh: TRUNG UYÊN

Anh Phong còn đặt thêm một vấn đề nhỏ: “Khi đăng tải thông tin tuyển dụng lao động là người khuyết tật trên website, chúng tôi nhận được rất nhiều hồi âm từ người khuyết tật khắp nơi. Nhưng đối với những người khuyết tật cần việc làm nhưng không có điều kiện tiếp cận thông tin trên Internet thì sao?”.

Phối hợp chưa ăn ý

Hầu hết doanh nghiệp sử dụng lao động khiếm thính đều đánh giá cao sự sáng tác, nhanh nhẹn, khéo léo, tháo vác của các lao động khiếm thính. Song, vẫn còn nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp than phiền như: ngại giao tiếp với các đồng nghiệp, với sếp, chưa thật sự có kỷ luật lao động... Và khó khăn lớn nhất là nhiều khi sếp không thể truyền đạt yêu cầu công việc đến người lao động khiếm thính.

Đây cũng là những nguyên nhân dẫn đến việc người lao động khiếm thính không giữ được việc làm.

Đi tìm giải pháp

Ngay tại hội thảo, một số doanh nghiệp đã thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động khiếm thính và những chế độ đào tạo, đãi ngộ…

Nhiều giải pháp đưa người khiếm thính tiếp cận công viêc và giữ được công việc được đưa ra: khi đã quyết định tuyển dụng lao động khiếm thính, doanh nghiệp có thể nhận một nhóm để các lao động này hỗ trợ nhau; người khiếm thính nên có người đại diện để thuận tiện trong liên lạc với doanh nghiệp; doanh nghiệp có thể mô tả yêu cầu công việc cho người khiếm thính bằng hình vẽ; khi đào tạo người khiếm thính cần chú trọng thực hành; để người khiếm thính có kỷ luật lao động, gia đình và doanh nghiệp đều phải cùng tác động…

Chị Hoàng Thị Minh Thi - giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch quốc tế Nụ Cười - mang đến dự án tour du lịch dành cho người khiếm thính và lớp đào tạo hướng dẫn viên du lịch dành cho người khiếm thính. Những chia sẻ của các bạn trẻ đã qua lớp đào tạo góp phần tạo nên sự lạc quan cho nhiều lao động khiếm thính.

Một trong những địa chỉ để các bạn khiếm thính học hỏi các kiến thức, kỹ năng, chia sẻ niềm tin, sự lạc quan vào cuộc sống… là CLB Khiếm thính của DRD. CLB sinh hoạt sáng chủ nhật hằng tuần tại DRD, 35-37 Hồ Hảo Hớn, Q.1, TP.HCM.

VN hiện có 13 triệu người khuyết tật (15,3% dân số - số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê VN), 13% là người khiếm thính và 4/5 trong số người khuyết tật ở độ tuổi lao động.

Các doanh nghiệp, trung tâm đào tạo mong muốn kết nối với Chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD) để chung sức hỗ trợ việc làm cho người khiếm thính (và người khuyết tật nói chung), có thể liên hệ: DRD 35-37 Hồ Hảo Hớn, Q.1, TP.HCM, ĐT: 08.9205519, email: info@drdvietnam.com, website: http://www.drdvietnam.com/.

Ngay tại hội thảo, một số doanh nghiệp đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng, đào tạo người lao động khiếm thính:

* Công ty may Bình Hòa đang có nhu cầu tuyển dụng lao động khiếm thính, số lượng không giới hạn, liên hệ 183 Dương Quảng Hàm, P.5, Q.Gò Vấp, TP.HCM, ĐT: 0959312845 (gặp cô Cao Thị Xuân Lan). Những bạn chưa có nghề sẽ được đào tạo miễn phí.

* Công ty cổ phần may in lụa Ngọc Phước có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động khiếm thính cho vị trí in lụa và may, liên hệ 90/A16 Lê Văn Thọ, P.9, Q.Gò Vấp, ĐT: 08.7174610 , email anh Ninh Thái Phong - giám đốc dự án công ty: phong@ngocphuoc.com.vn.

* Công ty TNHH Dịch vụ du lịch quốc tế Nụ Cười có khóa học hướng dẫn viên du lịch dành cho người khiếm thính. Các bạn có nhu cầu có thể liên hệ thông tin cụ thể tại địa chỉ 41/20 Đội Cung, Q.11, TP.HCM, ĐT: 08.9650117, http://www.smiletourvn.com/, chị Hoàng Thị Minh Thi, giám đốc công ty, email thi_travel@yahoo.com.

* Cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật Hy Vọng, C33 căn cứ 26 Trương Minh Giảng, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM, ĐT: 08.9844816.

* Chương trình Khuyết tật và phát triển (DRD) có các lớp vi tính, kỹ năng dành cho người khuyết tật. Liên hệ: 35-37 Hồ Hảo Hớn, Q.1, TP.HCM, ĐT: 08.9205519, email: info@drdvietnam.com, website: http://www.drdvietnam.com/.

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên