![]() |
Với những người hầu đứng khom người bên cạnh, nhân vật ngồi trên chiếc ghế ấy đang nói với hai người đàn ông và cho dù giọng nói có như bị tắc nghẽn thì ông vẫn nói to và rõ như một người cha, đang bình thản nhưng kiên quyết và đầy uy quyền quở trách những đứa con trai của mình do chúng đã đánh lộn hay làm một điều sai trái nào đó mà cần phải la rầy.
Thế nhưng, hai người đàn ông này không hề là anh em hay con cái ai, và sự vi phạm của họ thật đáng tội. Người đàn ông ăn mặc chỉnh tề chính là Suchinda Kraprayoon, thủ tướng mới của Thái Lan, tướng bốn sao độc đoán và tham nhũng. Còn người đàn ông kia là Chamlong Srimuang, một chính khách khổ hạnh, người đang lãnh đạo những cuộc biểu tình đông đảo chống lại Suchinda từ nhiều tuần qua. Hai ngày trước, tức ngày 18-5-1992, Suchinda đã lệnh cho quân đội của ông nổ súng vào những người biểu tình, giết hại và làm bị thương hàng trăm người. Ngay lúc này, binh lính của Suchinda đang xông vào một trường đại học ở đó hàng ngàn sinh viên đang tụ họp để chuẩn bị một cuộc đụng độ mới. Không bên nào cho thấy có dấu hiệu nhượng bộ.
Hai người đàn ông giờ quì gối bên nhau, cúi đầu trước nhân vật giống như cha mình đang ngồi ở giữa, một con người không nắm giữ một chức vụ chính trị nào, không một tấc vũ khí nào trong tay, không chỉ huy một người lính nào. Ông là Bhumibol Adulayadej, vị vua thứ chín của triều đại Chakri, một người rất ít được chú ý ở bên ngoài Thái Lan nhưng đã ngồi trên ngai vàng hơn 60 năm qua và nay là vị vua trị vì lâu nhất thế giới khi còn sinh thời.
Như truyền hình tường thuật sự kiện này, vua Bhumibol đã nhẹ nhàng quở trách Suchinda và Chamlong về sự tổn thất mà họ đã gây ra do sự kình chống cá nhân cùng những dục vọng ích kỷ của họ. Trách nhiệm đạo đức và yêu nước của họ giờ là phải chấm dứt chuyện này, vua Bhumibol nhấn mạnh, trước khi vương quốc này bị phá hủy.
Những lời can gián của ông không chuyển tải một mệnh lệnh hay yêu cầu nào. Chỉ vài giờ sau, tình hình bạo lực đã chấm dứt, binh lính và những người biểu tình đã trở về doanh trại và nhà mình, còn Suchinda và Chamlong, cả hai đều rút khỏi chính trường. Ngay hôm sau, tờ Washington Post đã viết một cách đầy thán phục: “Ai có thể sớm quên đi hình ảnh một nhà cầm quân và một nhà lãnh đạo đối lập, cả hai cùng quì gối trước mặt đức vua Thái Lan?”.
Những thập niên trước đó, Bhumibol hẳn sẽ bị một người như Suchinda coi thường một cách thô bạo mất rồi. Thật vậy, một ngày trước khi ông trở về Thái Lan vào tháng 12-1951 để đảm nhận đầy đủ ngai vàng, những tướng lĩnh dễ bị mua chuộc đã tiến chiếm chính quyền, tước bỏ quyền lực chính thức của vua và đe dọa phế vua nếu như không chịu hợp tác với họ. Cuộc đảo chính của họ đã phủ một đám mây đen trên ngai vàng của vị vua trẻ suốt nhiều năm qua.
Bốn thập niên sau, chỉ với tối thiểu những quyền lực được pháp luật qui định, vua Bhumibol đã có một uy tín to lớn, đủ để triệu tập những con người quyền lực nhất của đất nước dưới chân mình, và chỉ với một vài lời nhỏ nhẹ, đủ trục xuất họ khỏi chính trường và chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu trên đường phố của vương quốc mình. Trong số những định chế luật pháp được thiết lập như quốc hội, tòa án và các nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội và kinh doanh có ảnh hưởng, duy nhất chỉ vua Bhumibol mới đủ uy tín và quyền chỉ huy để vượt lên bất ổn đang bùng nổ, lập lại hòa bình và thống nhất.
![]() |
Dân chúng đứng bên ngoài bệnh viện Siriraj ở Bangkok ngày 22-10-2007 giơ cao ảnh chân dung vua Bhumibol cầu mong vua sớm hồi phục |
Như sự kiện tháng 5-1992 ấy đã cho thấy nhà vua còn đi xa hơn thế nữa. Ở thập niên trị vì thứ năm của mình, vua Bhumibol đã nắm giữ uy quyền tuyệt đối trong thần dân của ông với một đức hạnh và sự khôn ngoan không ai sánh bằng, duy nhất chỉ có ông mới có thể giải quyết những vấn đề cùng những xung đột triền miên của họ. Đối với nhiều người trên thế giới, ông biểu tượng cho lợi ích bền vững cho chế độ quân chủ tối thượng giữa sự bất ổn của dân chủ tự do và chủ nghĩa tư bản. Còn đối với nhiều thần dân của mình, ông như một vị Phật sống.
Việc khôi phục quyền lực cùng uy quyền của chế độ quân chủ Thái Lan của vua Bhumibol là một trong những câu chuyện lớn còn chưa được kể của thế kỷ 20. Bhumibol không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành vua Thái Lan. Ông sinh ra tại Mỹ, năm 2 tuổi mất cha và được nuôi dạy tại Thụy Sĩ bởi một người mẹ thứ dân, người đã miễn cưỡng chuẩn bị cho anh trai Ananda lớn hơn ông hai tuổi lên ngôi báu, cái mà anh ta có thể không bao giờ được trao.
Do tham lam, bất tài và bất lực cả về thể chất lẫn chính trị, nền móng của ngai vàng đã bị lung lay dần kể từ sau cái chết vào năm 1910 của Rama VII, vua Chulalongkor vĩ đại, người con trai của ông nội. Vào lúc Bhumibol sinh ra tại Boston, Massachusetts năm 1927 thì chế độ quân chủ đang trên đà suy vong như đã diễn ra ở các nước láng giềng như Miến Điện, Việt Nam và Ấn Độ. Đất nước được gọi là Xiêm La lúc ấy cũng thay đổi nhanh chóng với một triều đình khư khư ôm lấy truyền thống, còn các áp lực chính trị và kinh tế toàn cầu đã vượt khỏi tầm giải quyết của một hoàng tử.
Năm 1932, một nhóm dân sự được đào tạo tại Pháp đã cùng binh lính lật đổ vua Prajadhipok, tức Rama VII, chú của Bhumidol và thay bằng chế độ quân chủ lập hiến. Bắt chước theo mô hình vương quốc Anh, vua được xem là biểu tượng của quốc gia, còn bên ngoài cung điện, danh hiệu cùng dòng dõi hoàng tộc đều không còn quyền lực nào. Sau khi thất bại trong cuộc đấu tranh vô vọng để giành lại quyền kiểm soát chính quyền, gia đình hoàng tộc cùng triều đình được đưa đi lưu đày tại nước Anh. Chế độ quân chủ không còn hiệu lực, ngai vàng chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Để biểu tượng hóa sự thay đổi về chính thể này, những người lãnh đạo mới đã bỏ tên nước Xiêm La mà các nhà quân chủ ưa thích để lấy một cái tên nghe hiện đại hơn là Thái Lan.
Năm 1935, bị tước quyền, vua Prajadhipok đã trút bỏ mọi trách nhiệm của triều đại Chakri lại cho Ananda lúc đó mới 10 tuổi. Nhưng Ananda xem ra chỉ ngồi cho có trên chiếc ngai vàng hình bát giác sơn son thếp vàng tại Bangkok, còn quyền lực đều tập trung vào tay tướng Phibun Songkhram, một người ngưỡng mộ Napoleon và những phần tử phát xít đang nổi lên ở châu Âu. Trong phòng làm việc của mình, ông ta luôn treo tấm ảnh chân dung Mussolini với chữ ký đề tặng. Phibun rất ghét các hoàng tử và ông ta bắt đầu thay thế chủ nghĩa bảo hoàng bằng một thứ chủ nghĩa quốc gia quân phiệt giống như của Đức và Nhật.
Không một ai xem chừng có thể làm vua được cả. Ananda cũng sinh ra ở Đức. Người cha quá cố của hai anh em, hoàng tử Mahidol, đã chết trẻ và hai anh em sống cùng với mẹ là Sangwal tại Lausanne, Thụy Sĩ. Trong triều đình, quá khứ thứ dân và gốc Hoa của Sangkra đã để lại nghi vấn về dòng dõi quí tộc của hai anh em trai này.
Tại Lausanne, Ananda và Bhumibol học tiếng Pháp, tiếng Latin và tiếng Đức thay vì học tiếng Thái và tiếng Pali, ngôn ngữ của Phật giáo. Họ leo núi và trượt băng trên những ngọn núi cao phủ đầy tuyết trong khi những đứa trẻ Thái khác lại nô đùa trên những ruộng lúa nước cùng những con trâu. Khi còn trẻ, họ say sưa với những trận chiến lẫy lừng của Thế chiến thứ hai, phóng xe bạt mạng và nghe nhạc Mỹ. Khi chiến tranh kết thúc, hai anh em thích hợp với cuộc sống thoải mái tại châu Âu hơn là cuộc sống của những hoàng tử trịnh trọng trong những bộ áo lụng thụng thếp vàng ở một đất nước nhiệt đới châu Á nghèo đói. Bhumibol xem ra cũng chẳng làm nên vương tướng gì, có chăng là một dòng chú thích cuối trang trong lịch sử đất nước mình, thế thôi.
Khi Phibun bị loại khỏi quyền lực vào năm 1949 thì triều đình đã không còn nguyên vẹn. Quyền cùng những đặc quyền của vua đã không còn, và uy quyền của ngai vàng cũng đã tàn lụi. Vị thế thiêng liêng của các hoàng tử trở nên cực kỳ mong manh, và sự huy hoàng của ngôi báu cũng bị tước bỏ. Lúc này, trong tinh thần hòa giải sau chiến tranh, Ananda được mời về nước đảm nhận ngai vàng. Gia đình Mahidol về nước cuối năm 1945 và dự định ở lại tạm thời một thời gian, còn hai cậu con trai cũng có ý định trở lại Thụy Sĩ để học hết đại học trước khi có thể đảm nhận công việc thiên định của mình.
Thế nhưng, ngày 9-6-1946, trước khi lên đường trở lại châu Âu, Ananda được phát hiện đã chết trên giường ngủ với một viên đạn vào đầu. Cả thủ đô lan truyền những tin đồn xem ai là thủ phạm đã sát hại ông - ông tự sát, những kẻ sát nhân thuộc phe cộng hòa, hay thậm chí là em trai ông? Cái chết của Ananda mãi là một bí ẩn cho đến nay. Đột nhiên, anh chàng 18 tuổi, sống vô tư lự, cao lênh khênh và đeo kính cận nặng Bhumibol trở thành vua Rama IX nắm giữ uy quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của một đất nước với thứ ngôn ngữ anh ta nói còn lọng ngọng, với thứ văn hóa anh ta còn xa lạ, với những thần dân, so với những người dân Thụy Sĩ, còn thô kệch và lạc hậu.
Kể từ sau ngày xảy ra cái chết của anh trai mình, câu chuyện lên ngôi của Bhumibol được kể giống như một chuyện thần tiên từ trong huyền thoại. Thêm bốn năm nữa theo học tại châu Âu, cuối cùng năm 1950 Bhumibol cũng trở về để chính thức đăng quang. Ông cưới một công nương hoạt bát thuộc dòng dõi quí tộc tên là Sirikit, người sau này trở nên nổi tiếng thế giới là đẹp và khả ái. Họ có với nhau bốn người con bao gồm một hoàng nam đẹp trai và ba cô công chúa.
Là một nhân vật của thời kỳ hiện đại trong một xã hội giống như thời phong kiến của những năm 1800, vị vua trẻ đua thuyền, chơi nhạc jazz, vẽ tranh theo trường phái biểu hiện và thường xuyên lui tới những dạ tiệc của xã hội thượng lưu. Khi cần ông cũng có thể mặc vào người những bộ quần áo mạ vàng và những chiếc vương miện nhiều tầng để tiến hành những nghi thức và nghi lễ của Phật giáo truyền thống. Ông cạo đầu, mặc áo cà sa, đeo kính đen vào chùa tu, kiên trì theo học thứ ngôn ngữ cổ suốt nhiều tuần.
Huyền thoại quanh triều đại của ông cứ lớn dần. Trong những năm 1960, ông cùng hoàng hậu Sirikit thực hiện những chuyến công du tại nước ngoài, được những nhà lãnh đạo quốc gia các nước ngưỡng mộ và đón tiếp nồng nhiệt. Còn tại nhà, sự nồng nhiệt với gia đình hoàng gia đã chuyển thành sự hồi sinh của văn hóa cung đình. Người Thái dường như mong muốn có một nhà lãnh đạo tinh thần truyền thống đối trọng với sự ngỗ ngược của một chính quyền theo phong cách phương Tây.
Từng bước, Bhumibol để lại phía sau tính cách hiện đại phương Tây của mình để hướng vương quốc mình theo truyền thống đã có hàng ngàn năm của Dhammaraja, một vị vua vị tha cai trị các thần dân của mình theo ngũ giới của nhà Phật. Dựa trên ngũ giới này, ông định hướng sự phát triển kinh tế và xã hội của Thái Lan, đưa các chính phủ lầm lạc và tham nhũng vào con đường chân chính. Trong những trường hợp khẩn cấp như vào năm 1992 chẳng hạn, ông mới can thiệp trực tiếp nhằm cứu vương quốc của mình không rơi vào hỗn loạn.
Ở mỗi thời điểm giao thời, quyền lực và ảnh hưởng của ông lại tăng lên, bắt nguồn từ trong sự lôi cuốn thầm lặng và uy thế của mình. Người dân Thái nhìn thấy một con người làm việc hết mình cho họ mà không đòi hỏi một sự tưởng thưởng hay hạnh phúc nào khác thì họ tin rằng đó là cái phước lớn cho đất nước khi có được một vị vua như thế.
Sự hi sinh của ông dễ nhìn thấy: người Thái được biết đến như những con người có nụ cười khả ái, thích nói chuyện tục và sống thoải mái, chỉ riêng vua Bhumibol là nghiêm chỉnh, u sầu và luôn như bị dằn vặt bởi biết bao chuyện nặng nề của dân của nước. Từ sau cái chết bí ẩn của anh trai mình, dường như người dân Thái không còn thấy ông cười, thay vào đó là một bộ mặt vắng bóng niềm vui như đang hối lỗi trước những trọng trách của ngai vàng.
Đối với người Thái, đó lại là một dấu hiệu cho sự cao cả tinh thần của ông. Trong văn hóa Phật giáo, một nụ cười hay một cái cau mày đều biểu hiện là còn quyến luyến với niềm vui hay dục vọng trần thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận