30/09/2020 09:46 GMT+7

Vì sao Trung Quốc xóa 'Diên Hi công lược' và 'Hậu cung Như Ý truyện' khỏi mạng?

MI LY
MI LY

TTO - Từ loại khỏi sóng truyền hình đến xóa luôn khỏi Internet, Trung Quốc dường như quyết 'dập' những phim tiêu biểu của dòng cung đấu vì khuyến khích lối sống xa hoa, hào nhoáng của các triều đại phong kiến trước đây, tìm kiếm dục vọng...

Vì sao Trung Quốc xóa Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện khỏi mạng? - Ảnh 1.

Cảnh trong Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện

Diên Hi công lượcHậu cung Như Ý truyện là hai phim cổ trang cung đấu nổi tiếng trong giới trẻ.

Hôm 28-9, hai phim bất ngờ bị xóa khỏi các nền tảng streaming ở Trung Quốc, trong đó có iQiyi và Tencent Video mà không một lời giải thích hay thông báo.

Trước khi bị xóa, hai loạt phim thu hút hàng chục tỉ lượt xem trên mạng. Riêng Diên Hi công lược còn được cho là "phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trên Google vào năm 2018".

"Cổ xúy lối sống xa hoa, âm mưu thủ đoạn"

Không chỉ gần đây, các biện pháp xử lý cứng rắn nhắm vào dòng phim cổ trang cung đấu được Trung Quốc áp dụng từ năm ngoái.

Năm 2019, Diên Hi công lược bị rút khỏi sóng truyền hình sau khi bị tờ Beijing Daily chỉ trích "có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội khi cổ xúy lối sống xa hoa và âm mưu thủ đoạn".

Beijing Daily cũng chỉ trích Hậu cung Như Ý truyện vì lý do tương tự, phim nhiều lần bị lùi thời gian lên sóng.

Lý do phim cung đấu hấp dẫn với khán giả ngày nay được cho là cuộc chiến giành ngôi vị của các phi tần thời phong kiến mang dáng dấp "chính trị văn phòng" hay những cuộc tranh đoạt tình ái thời hiện đại. Người xem thỏa mãn khi chứng kiến các cuộc "ăn miếng trả miếng" nảy lửa.

Giáo sư Li Danlin, giám đốc trung tâm luật và chính sách của Đại học Truyền thông Trung Quốc, nhận định với People's Daily: "Một số phim truyền hình tập trung quá nhiều vào chuyện tình ái, âm mưu và không thể hiện sự tôn trọng đầy đủ đối với giá trị và phẩm giá con người".

Tờ South China Morning Post cho rằng lý do dòng phim cung đấu là cái gai trong mắt báo chính thống Trung Quốc là do "quá xa hoa, quá tệ hại".

Vì sao Trung Quốc xóa Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện khỏi mạng? - Ảnh 2.

Các âm mưu, thủ đoạn tàn độc trong phim cung đấu bị cho là ảnh hưởng xấu đến xã hội

Có hai điểm khiến dòng phim bị chỉ trích. Một là "khuyến khích lối sống xa hoa, hào nhoáng của các triều đại phong kiến trước đây, tìm kiếm dục vọng thay vì những đức tính như tiết kiệm và chăm chỉ". Hai là các nhà sản xuất phim này bị cáo buộc "coi đồng tiền lợi nhuận quan trọng hơn việc định hướng tinh thần cho khán giả".

South China Morning Post cho rằng các âm mưu trong Diên Hi công lược Hậu cung Như Ý truyện, thường do đám cận thần và phi tần "đâm sau lưng", sẽ ảnh hưởng xấu đến sự cân bằng xã hội.

Xuống cấp đạo đức?

Trước các lập luận chỉ trích, người hâm mộ trên Weibo ra sức bênh vực các loạt phim này. Theo họ, phim cũng có những ý nghĩa tích cực như nhấn mạnh tính nữ quyền, đề cao tính chính trực, tình chị em và sự độc lập trong tình yêu của các nhân vật nữ trong thời phong kiến.

Nhiều phim cung đấu mang dáng dấp phim thần tượng, với nhân vật đẹp trai xinh gái, được tô vẽ thành người trong mộng của khán giả trẻ.

Vì sao Trung Quốc xóa Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện khỏi mạng? - Ảnh 3.

Nữ chính trong phim cung đấu thường là mẫu nhân vật mang nhiều nét tính cách hiện đại

Bên cạnh đó, cũng có lo ngại các biên kịch có thể phóng tay bóp méo hình tượng các nhân vật lịch sử có thật. Một số nhân vật phi tần được thêm thắt tính cách tàn ác, thủ đoạn nhẫn tâm.

Nhưng nhà bình luận xã hội Zhang Lijia cho rằng lo lắng của chính quyền là hợp lý. "Trong các bộ phim, để tiến xa các nhân vật phải dùng những thủ đoạn, hành xử tàn nhẫn và tệ bạc với nhau. Hiện tại, xã hội Trung Quốc vốn đã có sự xuống cấp về đạo đức rồi".

Vì sao Trung Quốc xóa Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện khỏi mạng? - Ảnh 4.

Diên Hi công lược rất nổi tiếng ở thị trường quốc tế - Ảnh: BBC

Giáo sư Zhu Ying (Viện phim thuộc Đại học Baptist, Hong Kong) cho rằng chính quyền Trung Quốc thường không quá cứng rắn với các hoạt động giải trí mang tính phù phiếm.

Chỉ trừ khi hoạt động đó trở nên "quá nổi tiếng, có thể đe dọa đến chuẩn mực xã hội, về mặt đạo đức và tư tưởng". Diên Hi công lược là một trường hợp quá nổi tiếng như vậy.

Điện ảnh Trung Quốc nhìn từ hiện tượng hiếm có Bát Bách Điện ảnh Trung Quốc nhìn từ hiện tượng hiếm có Bát Bách

TTO - The Eight Hundred (Bát Bách) - bộ phim sử thi chiến tranh của điện ảnh Trung Quốc - đã vươn lên dẫn đầu doanh thu toàn cầu sau một tháng công chiếu, chứng minh nền điện ảnh nội địa của nước này hoàn toàn có thể làm chủ thị trường trong nước.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên