Tôi muốn bỏ qua quá khứĐứa trẻ cần được tha thứBài tập cho cuộc đời
Phóng to |
Ảnh: Gia Tiến |
Quê tôi ở huyện Thốt Nốt, thuộc tỉnh Cần Thơ. Cha mẹ tôi là người trí thức, kỹ sư trong ngành lâm nghiệp và xuất thân từ những gia đình danh giá chế độ cũ. Sau giải phóng, cha mẹ tôi cùng thất nghiệp, chuyển sang buôn bán nhỏ. Nhưng do không biết làm ăn, lại đông con nên chẳng mấy chốc cha mẹ chúng tôi phải trắng tay. Cha bỏ nhà đi phiêu bạt, dựa dẫm những người chị em giàu có và tìm đường vượt biên. Mẹ tôi một nách năm con phải đi làm thuê làm mướn đủ kiểu. Anh em tôi cũng mỗi người một xịa đậu phộng nấu, một thùng cà rem đi bán khắp các bến xe, rạp hát.
Tuổi thơ địa ngục
Giá như chỉ vậy thôi thì chúng tôi không có gì để phàn nàn hay khổ sở bởi cái nghèo, cái đói dần dần rồi chúng tôi cũng quen.
Tôi đi làm và có nhiều bạn bè đồng nghiệp thương mến. Trong cơ quan, dù bị chèn ép hay chơi xấu, tôi cũng không nổi giận. Khó có điều gì làm tôi nổi giận. Mỗi khi một câu độc địa trào ra đầu môi, tôi vội nuốt vào. Tôi sợ có người tổn thương vì tôi. Tôi tự biết mình là người sở hữu một kho ngôn từ bén nhọn như dao, đủ làm đau lòng một ai đó trong nhiều ngày. Tôi cũng thấm thía hiểu vết thương lòng khó chữa đến mức nào. |
Nhưng từ ngày cha tôi bỏ nhà đi, mẹ tôi bỗng trở thành một người hết sức kinh khủng. Mẹ luôn cho rằng có một người đàn bà nào đó đã quyến rũ cha tôi. Nỗi căm hận làm mẹ điên dại, mất hết lý trí. Mỗi khi anh em tôi bán ế, mẹ tôi đánh đập không chút tiếc thương. Mẹ có thể vớ lấy bất kể cái gì trong tầm tay để đánh chúng tôi, một con dao, một cây gậy tre, một que cời than, một cái nồi...
Vừa đánh mẹ tôi vừa phun ra bao nhiêu là câu chửi tục tằn mà một phụ nữ bình dân cũng khó thốt ra. Mẹ chửi có dây có nhợ, từ đời cha đến đời ông nội chúng tôi. Và câu thường nghe nhất là “Chúng mày giống cha chúng mày, quân phản bội...”. Trên người chúng tôi đủ vết thương cũ mới, đầu chúng tôi khi u bên này khi tét bên kia.
Có lần mẹ tôi còn cầm dao bầu chém thẳng vào đầu anh tôi, may sao anh hụp xuống tránh được, cây dao tuột khỏi tay mẹ cắm sâu mũi xuống đất. Mẹ chém anh chỉ vì nghi anh ăn mất một bịch đậu phộng. Khổ nhất là những ngày trời mưa, kem ế, đậu phộng ế, chúng tôi đi thất thểu trong các lều chợ tanh tưởi mà không dám về nhà. Cái đói, cái lạnh, cái sợ hãi giày vò anh em chúng tôi. Có vài lần anh Hai tôi đã lượm chuối, bắp trong thùng rác cho các em ăn. Anh em chúng tôi ngồi co ro và chia nhau những miếng ăn thừa mà anh tôi kiếm được.
Lạ làm sao, tuy đói khổ tận cùng, anh em chúng tôi vẫn học rất giỏi. Tập vở, giấy bút chúng tôi lĩnh phần thưởng đủ dùng. Nhưng khi mẹ đánh mà chúng tôi bỏ chạy, mẹ lại xé tập và sách ném ra đường. Điều đó làm tôi đau khổ nhất. Tôi ôm từng cuốn tập mà khóc không thành tiếng.
Mẹ có cách đày đọa khác nữa là cấm chúng tôi làm những gì chúng tôi yêu thích hoặc có năng khiếu. Em gái tôi thích múa và múa rất đẹp, được trường chọn vào đội tuyển văn nghệ đi thi múa giải của tỉnh, mẹ tôi liền cấm em đi biểu diễn. Cô hiệu trưởng đến năn nỉ mẹ thì mẹ tôi bêu xấu nó trước mặt cô, rằng nó lười biếng và hỗn láo... Cuối cùng cô hiệu trưởng đành rưng rưng đi về. Ra tới cổng, cô xoa đầu em gái tôi và nói: “Tội nghiệp con”, rồi cô trò cùng khóc.
Năm học lớp 9, tôi đoạt giải nhì môn văn toàn tỉnh và được trường đưa đi thi giải toàn quốc, mẹ cũng cấm tôi đi thi. Mẹ canh giữ tôi rất cẩn thận nhưng anh trai tôi lén mở cửa cho tôi trốn đi. Lần đó tôi đậu. Chỉ tội anh tôi bị một bữa ăn đòn bầm cả tay chân.
Bên miệng giếng
Hình như ông trời chưa thấy chúng tôi bị dìm xuống tận cùng địa ngục nên thỉnh thoảng thử thách thêm. Đó là những lần cha tôi chuẩn bị đi vượt biên nên mò về thăm các con. Chỉ vài phút, hay vài giờ sau, chúng tôi đã thấy cha mẹ gào thét và lao vào nhau, nhục mạ, nguyền rủa nhau bằng vô số lời độc địa. Những lần cha mẹ tôi đánh nhau như vậy không hiểu sao tôi thường ước muốn được chết.
Nhà tôi có một cái giếng rất sâu, nước rất trong. Đợi tối mịt, mọi người đi ngủ, tôi mò ra giếng, ngồi nói thầm lời cuối cùng với anh em của mình để chuẩn bị tìm sự giải thoát. May sao những lần lầm rầm như vậy, tôi bị anh Hai tôi bắt gặp. Anh chỉ lớn hơn tôi hai tuổi nhưng vững vàng hơn tôi rất nhiều, anh khuyên giải tôi, an ủi tôi và hứa với tôi rằng bao giờ anh bỏ nhà đi sẽ cho tôi theo. Chúng tôi cùng khóc với nhau.
Tâm hồn tôi bị què quặt theo một cách nào đó nhưng tôi đã quen với sự thương tổn của mình. Tôi che giấu nó và tìm mọi cách quên nó. Đôi khi tôi tự hỏi: đất nước này có bao nhiêu đứa trẻ có tâm hồn bị “khiếm khuyết” như tôi? Có ai biết rằng vết thương trong tâm hồn còn đau đớn gấp trăm nghìn lần nỗi đau thể xác không? Có ai biết rằng sự yêu thương giữa cha mẹ và con cái không hẳn tự nhiên mà có? |
Cũng trớ trêu, cha tôi đi vượt biên nhiều lần không được nên cảnh viếng thăm càng lúc càng dày thêm và hiển nhiên cảnh xâu xé, nhục mạ nhau giữa cha mẹ tôi càng nhiều. Nỗi nhục nhã và đau khổ trong tôi bớt dần, hay nói đúng hơn sức chịu đựng của tôi tăng lên. Tôi thôi nghĩ đến cái chết.
Cũng như anh tôi, tôi nghĩ đến việc ra đi khỏi nhà mình, tôi nung nấu ý định đó rất lâu. Cuộc sống gia đình tôi mỗi ngày một ngột ngạt hơn và tôi thấy mình là kẻ bị đọa đày. Tôi không bao giờ dám đến gần mẹ bởi bất cứ khi nào cũng có thể ăn một cái tát, một chiếc dép, một thanh củi vào đầu.
Tôi càng không dám kể cho mẹ nghe bất cứ thứ gì về trường lớp, bạn bè, việc học hành. Tôi trở nên cảnh giác khi mẹ tôi nhìn tới tôi giống hệt như con chó đã bị ăn đòn nhiều. Hôm nào đi học hay đi bán về không có mẹ ở nhà tôi lại thấy mừng. Dĩ nhiên ý định bỏ nhà đi là một giải pháp tinh thần thôi vì tôi chưa biết bỏ đi bằng cách nào, sống ở đâu.
Năm 18 tuổi, tôi đậu vào đại học với số điểm cao nhất khóa học và được nhận học bổng toàn phần. Thế là tôi khăn gói ra đi. Anh tôi trước đó hai tháng đã bỏ nhà đi làm thuê ở Vĩnh Long. Tôi đi, sung sướng như mới được hồi sinh. Bạn bè nữ ở ký túc xá hay khóc vì nhớ nhà, còn tôi lại vui vì thoát khỏi nhà tù của mẹ. Tôi đi làm thêm kiếm sống và cũng sống được nơi xứ lạ. Tôi học giỏi và tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khóa trong trường đại học. Tôi vụt trở nên tự tin và hoạt bát.
Cũng có vài chàng trai thương yêu tôi nhưng tôi thấy dường như sự hoài nghi ngăn cản tôi quyết định chọn ai. Tôi có quá ít niềm tin đối với con người. Có một người đàn ông hỏi cưới tôi, chưa yêu thương tôi đã gật, gật một cách hồ hởi. Bởi đơn giản anh ấy ở xa tới và có cách cư xử làm tôi tin. Lấy chồng, tôi theo chồng về TP.HCM lập nghiệp.
Vâng, tôi có vẻ ổn trừ những cơn ác mộng. Trong những cơn mơ, tôi thường thấy mẹ tôi đánh đập và sỉ nhục tôi, xé tập, sách của tôi ném hết ra đường. Thức dậy giữa đêm, tôi thấy bàng hoàng lo sợ, tôi ôm chặt các con. |
Một lần, một người bạn tình cờ nói với tôi rằng những đứa trẻ mồ côi không biết cách làm cha mẹ. Tôi không mồ côi nhưng tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định đi học lớp kỹ năng làm cha mẹ. Tôi có hai con nhỏ, tôi không bao giờ đánh con. Khi nào con có lỗi, tôi chỉ phân tích cho con nghe rồi bắt con hứa không tái phạm.
Khuyết tật tâm hồn
Cha mẹ tôi đều đã 70 tuổi nhưng hằng tháng vẫn xung đột, đánh chửi nhau. Những cảnh bi hài kịch ấy vẫn có sức hút, kéo hàng xóm đến xem đông như mở hội. Mẹ tôi chưa bao giờ ăn năn, hối hận vì đã hành hạ chúng tôi, biến tuổi thơ chúng tôi thành địa ngục.
Mẹ vẫn hay lên nhà tôi, nói để thăm cháu ngoại nhưng thực chất vẫn chỉ để mắng tôi không biết ghen tuông, không canh giữ chồng, cứ mời bạn gái đến nhà chơi. Mẹ vẫn hay gào thét mắng chửi tôi qua điện thoại vì tôi thỉnh thoảng giúp cha tôi chút ít về tài chính. Những lần như vậy, tôi lại yên lặng và nuốt hết những lời cay đắng vào lòng.
Một lần chồng tôi bảo: “Em nên hòa giải với mẹ”. Tôi thấy điều đó thật nực cười và ngu xuẩn. Có một lần mẹ tôi lên thăm, mẹ có nhờ tôi đi mua một ít đồ. Khi tôi về đã quá trưa thì thấy con tôi đang khóc vì đói. Tôi hỏi vì sao mẹ không cho cháu ăn cơm thì mẹ tôi bỗng nhìn tôi bằng cái nhìn căm giận như chực nhai nuốt tôi, rồi bà hắt chén nước sôi vào tay tôi. Mẹ tôi đâu cần sự hòa giải và tha thứ.
Đôi khi tôi thấy hình như tôi là người “khuyết tật” trong tâm hồn bởi tôi không hề yêu thương mẹ.
* Ý kiến bạn đọc:
* Trên thế gian lại có một bà mẹ như thế sao? Hổ dữ còn không ăn thịt con, nhưng bà mẹ này xem ra không có bản năng làm mẹ. Vì sự ghen tuông chồng mà hành hạ con mình, cướp đi tuổi thơ của năm đứa con mình. Rất may là những đứa con đó không hư hỏng. Mong chị Bách Hợp sẽ hạnh phúc với chồng con của mình bù đắp lại tuổi thơ trong ngục tối.
* Tôi thật khâm phục về ý chí và nghị lực của anh em chị khi sống chung với một người mẹ thật là đáng sợ. Hãy quên đi quá khứ đau thương của mình và sống một cuộc sống thật hạnh phúc mà lẽ ra mình đã được hưởng từ rất lâu bên gia đình thân yêu của mình.
* Đọc bài viết của chị Bách Hợp mà tôi ứa nước mắt, nhưng tôi cũng rất mừng vì chị là người con gái mạnh mẽ, biết vượt qua những khó khăn của cuộc sống này, và điều quan trọng là chị đã thoát ra khỏi nỗi ám ảnh của tuổi thơ để có thể nuôi dạy con mình nên người. Tôi luôn cầu mong cho chị hạnh phúc đến trọn cuộc đời này và những đứa con của chị cũng vậy.
..........................
Bạn đọc có thể chia sẻ ý kiến theo công cụ dưới bài hoặc qua các địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận