Phóng to |
- Đúng là gần đây BV không đủ thuốc đặc trị để phục vụ việc điều trị BN ung thư. BV đang sử dụng hơn 40 loại thuốc đặc trị ung thư nhưng bị thiếu khoảng 10 loại. Ngoài ra, một vài loại thuốc giảm đau, kháng sinh... khác cũng không đủ cung ứng cho BN. Những thuốc đặc trị này phần lớn do Công ty Zuellig pharma và Diethelm phân phối. Tuy nhiên, việc thiếu thuốc không phải lúc nào cũng xảy ra.
* Vì sao lại như vậy?
- Hiện nay BV phải mua thuốc theo hình thức trả chậm. Các công ty dược phẩm cho BV nợ gối đầu, ba tháng thanh toán tiền thuốc một lần. Những lần trước dù đến hạn trả nợ mà chưa trả được thì các công ty vẫn “du di” cho thiếu. Nhưng lần này đã đến hẹn ba tháng mà BV vẫn chưa thanh toán hết nợ tiền thuốc tháng 6-2006 nên một số công ty ngưng không cung ứng thuốc hoặc cung ứng theo kiểu nhỏ giọt. Hiện BV đang nợ tiền thuốc khoảng 12 tỉ đồng và cũng chủ yếu là nợ hai công ty trên.
* Vì sao BV lại phải nợ tiền thuốc kéo dài?
- 70% BN đến điều trị tại BV Ung bướu là BN thuộc diện bảo hiểm y tế. Thời gian qua do BN quá tải và tăng nhiều trong khi mọi thủ tục thanh quyết toán với Bảo hiểm xã hội (BHXH), BV đều phải làm thủ công (viết tay) nên thủ tục quyết toán với BHXH cũng bị chậm theo. Khi nộp quyết toán với cơ quan BHXH, BV phải chờ thêm một thời gian nữa mới nhận được tiền để trả lại các công ty dược. Ngoài ra, kinh phí cấp cũng không đủ cho hoạt động của BV.
* Việc thiếu thuốc có ảnh hưởng đến điều trị của BN hay không?
- Việc thiếu thuốc không ảnh hưởng đến điều trị mà chỉ làm BN mất công. Thay vì BV cung cấp đủ thuốc cho BN ngay tại BV thì họ lại phải ra ngoài mua. Với BN bảo hiểm y tế, loại nào thiếu BN phải mua ở ngoài, sau đó đem hóa đơn đến phòng tài vụ của BV để thanh toán lại.
* Vấn đề sẽ được giải quyết thế nào?
- BV đang tăng cường nhân sự, làm việc cả ngoài giờ để đẩy nhanh thủ tục quyết toán kinh phí quí 3-2006 với BHXH TP.HCM. BV cũng đã làm việc với phòng tài chính kế toán Sở Y tế TP đề xuất xin Sở Tài chính TP cấp bổ sung kinh phí cho BV 12 tỉ đồng. Sắp tới, thủ tục quyết toán sẽ được đẩy nhanh hơn khi BHXH TP và BV thực hiện vi tính hóa.
* Vì sao BN phải đóng 200.000 đồng khi truyền hóa chất, thưa ông?
- Theo qui định của thông tư 03, truyền hóa chất theo đường tĩnh mạch được xếp là một thủ thuật điều trị với khung giá qui định là 200.000đ. Nếu căn cứ qui định, cứ mỗi lần truyền là BV thu theo giá này. Để giảm bớt gánh nặng viện phí cho BN, BV đã cân nhắc khi BN có chỉ định truyền hóa chất chu kỳ liên tục năm ngày cũng chỉ thu một lần là 200.000đ thay vì phải 1 triệu đồng. Riêng những trường hợp truyền liên tục bằng máy mới thu theo qui định mỗi lần là 700.000đ.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận