08/01/2005 15:08 GMT+7

Vì sao phóng viên Lan Anh bị khởi tố?

N.V.H. - THU HÀ
N.V.H. - THU HÀ

TT - Nguyễn Thị Lan Anh (bút danh Lan Anh), phóng viên phụ trách mảng y tế của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, vừa nhận quyết định khởi tố bị can từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an hôm 6-1 về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Không ít đồn

4A3l0HK0.jpgPhóng to
TT - Nguyễn Thị Lan Anh (bút danh Lan Anh), phóng viên phụ trách mảng y tế của báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, vừa nhận quyết định khởi tố bị can từ Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an hôm 6-1 về hành vi “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Không ít đồng nghiệp đã ngỡ ngàng trước thông tin PV Lan Anh bị khởi tố vì một bản tin liên quan đến "cuộc đấu tranh" với "giá thuốc trên trời", bảo vệ cho người nghèo...

Cùng với quyết định này là lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú được gửi tới Công an phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (nơi gia đình phóng viên Lan Anh đang cư trú).

Lý do cơ quan điều tra quyết định khởi tố phóng viên Lan Anh xuất phát từ một mẩu tin đăng trên báo Tuổi Trẻ số ra ngày 20-5-2004. Cơ quan điều tra xác định về hình thức, công văn trên của Bộ Y tế thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước trong ngành y tế, do vậy đã khởi tố phóng viên báo Tuổi Trẻ với tội danh “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Luật sư Chu Khang sẽ bảo vệ quyền lợi cho phóng viên Lan Anh

Chiều qua 7-1, tại TP.HCM, ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã có cuộc làm việc với luật sư Chu Khang (văn phòng luật sư Hà Nội, Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Báo Tuổi Trẻ đã thông báo với luật sư toàn bộ sự việc xảy ra đối với cô Lan Anh, phóng viên của Tuổi Trẻ tại văn phòng đại diện Hà Nội. Luật sư Chu Khang đã nhận lời bảo vệ quyền lợi cho cô Lan Anh trong suốt quá trình tố tụng, bắt đầu từ khâu cơ quan điều tra công an lấy lời khai.

Tuổi Trẻ cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự giúp đỡ từ phía cơ quan điều tra trong việc tạo điều kiện để luật sư Chu Khang tác nghiệp thuận lợi, nhằm bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ - phóng viên Lan Anh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, những nội dung trong công văn của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính phủ thực chất không có gì mới so với những điều đã được chính các quan chức của Bộ Y tế phát ngôn trong một cuộc họp báo công khai trước đó 21 ngày.

Cụ thể, trong cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 28-4-2004, trả lời đông đảo báo giới về những vấn đề của ngành y tế mà dư luận đang quan tâm - trong đó có vấn đề bình ổn về giá thuốc và những khuất tất ở Công ty Zuellig Pharma VN - chánh thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung cho biết sắp tới lãnh đạo Bộ Y tế sẽ có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về vấn đề Công ty Zuellig.

Cũng tại cuộc họp báo này, vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính của Bộ Y tế - ông Dương Huy Liệu - còn cho báo giới (có phóng viên Lan Anh dự) biết trong nội dung trình Thủ tướng có việc đề nghị phối hợp với Bộ Kế hoạch - đầu tư thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma VN. Ngoài ra, cùng trong ngày 20-5-2004, có ít nhất hai tờ báo lớn khác là Nhân Dân, Lao Động cũng đưa tin về việc Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ công văn trên.

Một chút về “bị can Lan Anh”

Lan Anh bắt đầu thực tập ở văn phòng Hà Nội của Tuổi Trẻ từ mùa hè năm 1997, khi còn là sinh viên báo chí năm cuối. Đến nay khi đã làm báo được tám năm, đã có một chút thành công và uy tín với đồng nghiệp, đã làm mẹ của một cô con gái 4 tuổi, Lan Anh lúc nào cũng có thể bức xúc đến phát khóc mỗi khi phải chứng kiến, phải tiếp cận với những chuyện mà theo cô là “vô lý không thể chịu nổi”.

“Thế này thì không ai dám ốm nữa mất, thuốc lại lên nữa rồi. Một vỉ 10 viên kháng sinh chỉ hai ngày mà từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng. Họ cứ làm như dân mình chỉ dành toàn bộ tiền vào việc đi bệnh viện hay sao ấy! ”.

8CL73uzO.jpgPhóng to
Phóng viên Lan Anh và cô con gái 4 tuổi - Ảnh: Việt Dũng
Suốt gần một năm theo dõi tình hình diễn biến giá thuốc cùng với các phóng viên Tuổi Trẻ ở TP.HCM như Kim Sơn, Lê Thanh Hà, cô phóng viên y tế này làm cả cơ quan phát sốt lên vì những thông tin mà cô vừa nói vừa ứa nước mắt, văn phòng nóng lên vì giá thuốc, mặt báo cũng nóng lên vì giá thuốc, những cú điện thoại, những bức thư bạn đọc gửi về cũng canh cánh một nỗi niềm giá thuốc.

Nhưng, nghề làm báo không chỉ là viết “chống tiêu cực”. Thật ra phần lớn các bài viết của Lan Anh trên báo Tuổi Trẻ là về những thân phận nơi bệnh viện: nơi bệnh nhân bó tay trông chờ sống chết nơi bác sĩ, và nơi các thầy thuốc vật lộn ngày đêm để cứu sống từng sinh mệnh.

Cùng với phóng viên ảnh Việt Dũng, Lan Anh cũng là nhà báo đầu tiên có mặt tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới để đưa tin, chụp ảnh và viết bài về những nạn nhân SARS ở VN. Phương tiện bảo hộ duy nhất là hai chiếc khẩu trang mua ở cổng bệnh viện, hai nhà báo này đã đưa những thông tin nóng nhất về tình hình diễn biến SARS ở Hà Nội và cuộc vật lộn chống lại tử thần của các y bác sĩ VN.

Chỉ có tình đồng loại và lòng yêu nghề mới có thể khiến họ xả thân như thế. Lan Anh cũng đã từng đùa với Việt Dũng: “Anh có làm sao thì chỉ mình anh chịu, còn tôi làm sao thì con tôi ai nuôi?”. Lúc ấy, cả cơ quan mới giật mình.

Hết sốt thuốc, hết SARS, lại đến cúm gà, rồi đến chiến dịch góp tay xoa dịu nỗi đau da cam, những trang báo Tuổi Trẻ luôn nóng hổi thông tin và chan chứa tình người bởi các phóng viên gắn bó với những người bệnh, với những người không may mắn được sinh ra với đầy đủ các bộ phận cơ thể, những người nghèo không có tiền chữa bệnh...

Những bài báo không có chỗ cho sự toan tính. Những bài báo lúc nào cũng chỉ xoáy sâu vào những câu hỏi nhức nhối từ cuộc đời.

Và Lan Anh là một phóng viên Tuổi Trẻ như thế.

Phần kết cuộc đấu tranh với giá thuốc?

Giá thuốc cao: người dân chịu đựng đến bao giờ? - Đó là tên gọi của tuyến bài về dược phẩm được Tuổi Trẻ đăng tải trong suốt năm 2003 đến tháng 5-2004. Không chỉ Tuổi Trẻ, hầu hết các tờ báo lớn ở VN đều vào cuộc. Đó là cuộc chiến của giới báo chí vì người nghèo VN, vì bệnh nhân VN, chống lại những “con cá mập dược phẩm”, những “liên minh ma quỉ” và những tiêu cực kéo dài trong ngành dược.

Quả thật, lật lại những trang báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Giải Phóng, Pháp Luật TP.HCM, Người Lao Động, Lao Động, Tiền Phong... thời điểm đó, chúng ta thấy rõ người dân VN đã bị “bóp cổ” như thế nào khi phải chữa bệnh với những dược phẩm có giá phi lý khủng khiếp. Và những khoản lợi nhuận khổng lồ đã chảy đều mỗi tháng, mỗi năm vào túi của những kẻ kinh doanh bất chấp sinh mạng và khả năng chịu đựng của người dân VN. Đó là một tội ác!

Và nỗi bức xúc dân sinh ấy, qua báo chí, đã được đặt trên bàn Chính phủ, Quốc hội. Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5-2004, các đại biểu đã lên tiếng rất mạnh, rất tập trung về chuyện giá thuốc, và đã chất vấn bộ trưởng y tế rất gay gắt.

Bản tin của phóng viên Lan Anh được đăng trên Tuổi Trẻ ngày 20-5-2004, nghĩa là trong thời gian Quốc hội đang nhóm họp. Bản tin đó như một sự kiện nằm trong chuỗi biện pháp giải quyết căn cơ vấn đề giá thuốc mà các nhà báo đều theo đuổi.

Hơn bảy tháng sau, ngày 5-1-2005, phóng viên Lan Anh bị khởi tố vì được qui là đã “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” để viết bản tin ngắn trên.

Sự kiện “phóng viên Tuổi Trẻ Lan Anh bị khởi tố” đã gây xôn xao trong làng báo hai ngày qua. Những cú điện thoại, nhắn tin, email dồn dập gửi đến Lan Anh và các phóng viên Tuổi Trẻ dường như nói rằng: giới báo chí sẽ đứng bên cạnh nữ phóng viên hiền lành này trên con đường tìm kiếm và bảo vệ lẽ công bằng. Bởi người phải đứng trước vành móng ngựa vì tội ác giá thuốc nhiều năm qua không thể là những nhà báo hết lòng vì nghề nghiệp!

N.V.H. - THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên