04/06/2004 05:05 GMT+7

Vì sao nông dân phải "gánh"thuốc giá cao?

NHÓM PV, CTV tuổi trẻ
NHÓM PV, CTV tuổi trẻ

TT- Giá thuốc thú y đến tay người nông dân phải cõng thêm nhiều nấc phần trăm hoa hồng, chi phí khuyến mãi... Vì thế giá thuốc thú y cao chót vót, đè nặng đôi vai người nông dân.

6TxCFESk.jpgPhóng to
Chăm sóc đàn heo, người nông dân lo trăm bề: nào giá thức ăn gia súc, nào giá thuốc thú y...
TT- Giá thuốc thú y đến tay người nông dân phải cõng thêm nhiều nấc phần trăm hoa hồng, chi phí khuyến mãi... Vì thế giá thuốc thú y cao chót vót, đè nặng đôi vai người nông dân.

Hoa hồng cao, khuyến mãi hấp dẫn!

Tỉnh An Giang có 208 cơ sở bán thuốc thú y (TTY), trong đó chỉ có bảy cửa hàng được cấp phép bán thuốc thủy sản. Thế nhưng, hầu hết các cơ sở TTY đều kinh doanh “2 trong 1, 3 trong 1, thậm chí 4 trong 1”. Trong vai một kỹ sư chăn nuôi có cửa hàng TTY, chúng tôi tìm đến Trung tâm phân phối khu vực An Giang, Đồng Tháp của Công ty B đặt tại Long Xuyên. Sau một hồi dò hỏi tìm hiểu, chủ doanh nghiệp (DN) trao cho một đống tư liệu giới thiệu đủ loại sản phẩm rồi đưa thêm bảng giá từng loại thuốc thuộc hai nhóm chăn nuôi và thủy sản, trong đó liệt kê giá bán cho đại lý cấp I, giá bán lẻ.

Chỉ giá từng loại, chủ DN bảo: “Giá này đã tính VAT rồi, như vậy tính ra hoa hồng đâu dưới 30%. Chưa nói còn hưởng thêm khuyến mãi”. Ông còn cho biết đại lý mới doanh số phải đạt trên 20 triệu đồng/tháng, sau vài tháng trở thành đại lý chính thức phải từ 30 triệu/tháng. Hai tháng họp hội nghị khách hàng một lần để sinh hoạt, thông báo giá cả, chế độ khuyến mãi mới. Mỗi năm đều tổ chức hội nghị khách hàng tại nước ngoài.

Thông thường, đại lý cấp 1 cho đại lý cấp 2 hưởng hoa hồng theo tỉ lệ 10-15%. Từ đó đưa ra người chăn nuôi, đại lý cấp 2 tha hồ ra giá tùy theo ý thích! Còn đại lý cấp 1 không chỉ hưởng hoa hồng của nhà phân phối thuốc từ 5-10%, mà còn được thưởng theo định kỳ doanh số của lượng hàng bán ra. Ngoài ra, những đợt thanh lý hàng tồn kho, nhà phân phối thuốc thường nâng mức hoa hồng lên tới 50-70% tổng trị giá lô hàng.

Anh C., một đại lý TTY đã chuyển nghề, cho biết có một lần Công ty D cần thanh lý hơn 2 triệu chai thuốc, chủ yếu là các loại vitamin B, C, A, D, E bồi dưỡng cho heo bò. Thuốc còn hai tháng là hết “đát”. Để khuyến mãi, công ty cho các đại lý hưởng 70% hoa hồng (thay vì hết hạn hủy bỏ cũng vậy). Thế là các đại lý đua nhau nhận về bán lại cho người chăn nuôi.

Muốn bán giá nào cũng được!

Anh V.M., một kỹ sư thú y rất am hiểu ngọn nguồn trong Công ty B, tiết lộ: sản phẩm Baytr... (5%, 10%) của công ty này có giá gốc chỉ khoảng 11USD cho chai 100cc, tức cũng chỉ khoảng 180.000 đồng, nhưng khi đưa ra tới thị trường thì giá được áp đặt khoảng 240.000 đồng, còn giá bán lẻ là 3.000đồng/1cc, tức 300.000 đồng/chai 100cc. Phần chênh lệch giữa giá gốc và giá thị trường thì các trung gian “ăn”. Cũng theo anh V.M., từ công ty đưa xuống trung tâm phân phối vùng, xuống đại lý cấp 1, xuống đại lý cấp 2, mỗi cấp như vậy được hưởng 20%.

Do hoa hồng cao nên hầu hết các tiệm bán TTY (đại lý cấp 1) là đại lý phân phối thuốc cho Công ty B. Khi đàn gia súc, gia cầm bị bệnh, nông dân chạy ra các tiệm TTY thì được các “thầy dùi” khuyên nên mua thuốc ngoại của Công ty B. Nếu cùng loại bệnh, cùng loại thuốc thì hàng của Công ty B có giá cao gấp 5-6 lần giá thuốc của các công ty sản xuất trong nước. Một bác sĩ thú y đang làm đại lý cấp I cho một công ty thuốc thú y tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết: thuốc từ công ty đến đại lý cấp 2 hoặc khách hàng thông qua đại lý cấp I thì anh ta đã hưởng chiết khấu từ 8-15%, nhưng thường là 15%. Và giá bán từ đại lý cấp 2 trở đi thì anh ta không biết sẽ được tăng thêm bao nhiêu nữa, dù đại lý cấp 2 cũng đã được đại lý cấp I chia hoa hồng rồi.

Một cán bộ thú y cấp tỉnh thú nhận: “Không thể quản lý được giá thuốc thú y đã và đang lưu hành trên thị trường”. Rất ít có cửa hàng thuốc thú y nào vui vẻ bán thuốc chỉ để hưởng hoa hồng của công ty hoặc đại lý. Điều này được chính bác sĩ thú y R. ở thành phố Mỹ Tho thừa nhận: “Lời bao nhiêu, tăng giá bao nhiêu còn tùy... mặt của khách hàng. Đố ai mà quản lý nổi!”.

Cũng theo tiết lộ của kỹ sư V.M., trước đây thuốc kháng sinh phổ rộng của Công ty B chỉ chuyên trị cho gia súc, gia cầm và hướng dẫn ghi trên bao bì cũng thể hiện rõ như thế. Nhưng từ khi phong trào nuôi tôm sú phát triển rầm rộ ở khu vực ĐBSCL và dịch bệnh xảy ra tràn lan, công ty này chỉ việc thêm vào bao bì các chữa trị cho tôm mặc dù thành phần thuốc không thay đổi !? Chính vì vậy thời gian qua bằng cách chiết khấu quá “mạnh tay”, công ty này thao túng cả thị trường thuốc kháng sinh, xử lý nguồn nước và sản phẩm dinh dưỡng cho tôm mặc dù giá cả chẳng thấp tí nào.

Các công ty còn sản xuất theo đặt hàng của đại lý muốn độc quyền riêng sản phẩm để độc quyền giá bán. Một nhân viên phụ trách kinh doanh của Công ty MD cho biết “hàng độc quyền nghĩa là đại lý đặt công ty sản xuất sản phẩm riêng cho mình, hoặc bao nguyên lô một số mặt hàng...”. Rồi giải thích thêm: “Làm như vậy dù bán hàng của cùng công ty nhưng đại lý khỏi đụng hàng nhau, giá bán khỏi bị cạnh tranh. Không riêng tụi tôi mà nhiều công ty, đại lý đều làm như vậy”. Cô cặn kẽ: “Đại lý phải ký hợp đồng, mỗi loại phải đặt từ 5.000 sản phẩm/năm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về số sản phẩm này lỡ... bị kiểm tra, xử phạt ”.

Nhà sản xuất còn dựa vào tâm lý người nuôi mà tha hồ quảng cáo, giới thiệu quá mức, hoặc lập lờ tính năng, tác dụng của sản phẩm để bán chạy hàng. Một gói 500g chỉ ít loại vi khuẩn sống, vài acid amin lại được phóng đại trên bao bì “tẩy thịt cá từ vàng thành trắng, tăng trọng” bán 27.000 đồng. Thậm chí nhiều loại thuốc pha trộn đủ loại kháng sinh hàm lượng thấp, sự phối hợp không hề theo một chuẩn khoa học, công thức nào cứ bày bán nhan nhản, hậu quả là người chăn nuôi lãnh đủ!

Chưa hết, trên thị trường cũng xuất hiện một số công ty không rõ xuất xứ nguồn gốc, hoặc không liên quan gì đến lĩnh vực TTY lại làm nhà phân phối cho một số mặt hàng mà khi tìm trong danh mục được phép nhập khẩu không hề thấy. Có sản phẩm không ghi địa chỉ, số điện thoại. Nhiều sản phẩm ghi nhà sản xuất tại một công ty nước ngoài, nhà phân phối là một công ty của VN, thế nhưng nhãn mác chỉ là tờ giấy photo đen trắng.

NHÓM PV, CTV tuổi trẻ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên