16/02/2013 08:39 GMT+7

Vì sao Mỹ chưa phê chuẩn bộ trưởng quốc phòng?

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TT - Vào tuần tới, khi các bộ trưởng quốc phòng NATO nhóm họp ở Brussels (Bỉ), đại diện Mỹ sẽ vẫn là ông Leon E.Panetta - người đã tuyên bố rút lui từ lâu.

Hi vọng đưa tân bộ trưởng Chuck Hagel ra mắt các đồng sự NATO của Nhà Trắng đã không thể thực hiện được sau khi các thượng nghị sĩ phe Cộng hòa ách lại việc phê chuẩn ông hôm 15-2. Đây là lần đầu tiên thượng viện ách lại việc thông qua vị trí ứng viên bộ trưởng quốc phòng trong lịch sử 200 năm qua của Mỹ.

5O9rqTvl.jpgPhóng to

Ông Chuck Hagel trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 31-1 - Ảnh: Reuters

Ông Chuck Hagel cần 60 phiếu để vượt qua cuộc bỏ phiếu chấm dứt phần tranh luận (thủ tục trước khi bỏ phiếu phê chuẩn) nhưng ông chỉ giành được 58 phiếu thuận - 40 phiếu chống.

Là cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam, ông Hagel, một cựu thượng nghị sĩ của phe Cộng hòa, đang bị chính người của đảng mình gây khó dễ. Lãnh đạo phe đa số, thượng nghị sĩ Harry Reid của Đảng Dân chủ, chỉ trích hành động của phe Cộng hòa là “thảm họa”. Còn Nhà Trắng thì chỉ trích phe Cộng hòa là đã “đặt chính trị lên trên lợi ích quốc gia”.

Lý do phe Cộng hòa đưa ra là vì Hagel từng phê phán cuộc chiến tranh ở Iraq, chỉ trích các nhóm vận động hành lang của Israel (vấn đề được coi là “đại kỵ” ở chính trường Mỹ) cũng như việc ông công khai ủng hộ giải pháp ngoại giao với Iran thay vì có hành động cứng rắn.

Nhưng tất cả những lý do này chỉ là chuyện bề mặt. Giống như trong bốn năm đầu cầm quyền của ông Obama, phe Cộng hòa chỉ quan tâm đến ván bài chính trị ngắn hạn của mình, cụ thể là làm sao gây khó khăn và làm cho Nhà Trắng bị mất mặt.

Một trong những vấn đề này là tiếp tục chỉ trích và buộc Nhà Trắng phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công cơ quan ngoại giao Mỹ ở Benghazi (Libya) hồi tháng 9 năm ngoái khiến một đại sứ thiệt mạng.

Năm ngoái, khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang ở giai đoạn nước rút, phe Cộng hòa đã dựng vấn đề này lên bằng việc chỉ trích Nhà Trắng là đã không cung cấp đủ an ninh cho khu vực lãnh sự này.

Việc làm này của phe Cộng hòa đã bị nhiều phía chỉ trích là lợi dụng khủng hoảng cho mục tiêu chính trị đảng phái và vượt lằn ranh khi chỉ trích chính quyền về đối ngoại.

Dù cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã kết thúc, song câu chuyện Benghazi vẫn chưa được buông tha. Chính phe Cộng hòa đã dùng Benghazi để loại bỏ ứng viên số 1 cho chức ngoại trưởng Mỹ, đại sứ Susan Rice ở Liên Hiệp Quốc. Và giờ Benghazi tiếp tục là bóng ma ám ảnh ứng viên của Bộ Quốc phòng cũng như chức vụ giám đốc CIA.

Đấu đá vốn là đặc trưng của chính trường Mỹ nhưng chưa bao giờ chia rẽ nội bộ lại sâu sắc, quyết liệt đến vậy. Dấu ấn bốn năm đầu của ông Obama chính là những lần đối đầu giữa hai đảng ở quốc hội hơn là những đạo luật và quyết sách được thông qua.

Có thể nói với thực trạng chính trường như hiện nay, việc thông qua những mục tiêu dài hạn dường như là không thể. Trong các cuộc thăm dò, tỉ lệ ủng hộ của cử tri đối với quốc hội thường dừng ở mốc 19-20%.

Chưa lúc nào nước Mỹ lại cần ổn định bộ khung quốc phòng - an ninh như lúc này. Washington đang phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc.

Đó là cuộc thử hạt nhân thứ ba của Bình Nhưỡng cùng các đe dọa liên tiếp về chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên. Đó là cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ngày càng căng thẳng giữa Nhật - Trung mà nguy cơ xung đột có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cộng với đó là các điểm nóng ở biển Đông, Trung Đông và Bắc Phi cùng cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq...

Việc không thể định hình và ổn định ngay bộ máy quốc phòng - an ninh mới là một trở ngại cho Washington trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng này. Các đồng minh của Mỹ ở cả Âu - Á đều bày tỏ lo ngại về khoảng trống lãnh đạo của Mỹ trước các thách thức mới, như sự trỗi dậy của Trung Quốc...

Và đáng tiếc sự suy yếu của siêu cường Mỹ lại đang bắt đầu từ ngay chính những mâu thuẫn nội bộ.

Cắt giảm ngân sách đe dọa ngoại giao, quân sự Mỹ

Theo AFP, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mới đây cảnh báo các khoản cắt giảm ngân sách tự động trong vòng hai tuần tới sẽ đe dọa nền ngoại giao Mỹ trong thời điểm các mối đe dọa trên thế giới đang gia tăng.

Ước tính các cơ quan chính phủ Mỹ sẽ phải tự động cắt giảm ngân sách tới 85 tỉ USD từ ngày 1-3 nếu chính quyền Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ không đạt được một thỏa thuận. Trong đó, ngân sách Bộ Quốc phòng sẽ bị cắt giảm 46 tỉ USD. Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo các khoản cắt giảm ngân sách sẽ đe dọa sự an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ trên toàn cầu.

Trước đó, Tổng thống Obama cũng từng cảnh báo cắt giảm ngân sách sẽ đe dọa khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.

SƠN HÀ

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên