Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump vận động tại TP Albuquerque, bang New Mexico tối 30-10 - Ảnh: Reuters |
Ngoài hai đảng Dân chủ, Cộng hoà, nước Mỹ còn nhiều đảng khác như: Đảng Xanh, Nước Mỹ, Hiến pháp, Nước Mỹ độc lập, Xã hội chủ nghĩa và tự do, Hoà bình và tự do, Cựu chiến binh, Xã hội, Lao động thế giới, Cộng sản..., thậm chí có những Đảng mang tên rất thú vị như Đảng Trà, Dinh dưỡng, Cấm uống rượu... Vậy tại sao ứng viên tranh cử ở cấp liên bang và đắc cử Tổng thống luôn là của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa?
Đó chính là một đặc điểm rất đặc trưng của chính trường Mỹ. Những yếu tố lịch sử, kinh tế, chính trị... của nước Mỹ đã hình thành truyền thống này.
Trải qua quá trình phát triển hàng thế kỷ, Dân chủ và Cộng hòa trở thành hai chính đảng lớn nhất, uy tín nhất và quan trọng là có số lượng cử tri ủng hộ đông nhất ở nước Mỹ. Suốt hơn 150 năm qua, vị trí quyền lực tối cao của nước Mỹ luân phiên thuộc về hai Đảng này.
"Đảng thứ ba"
Trong các cuộc bầu cử Tổng thống cũng có những ứng cử viên của các đảng khác (thường được gọi chung tên là Đảng thứ ba) và những ứng cử viên độc lập không thuộc đảng phái nào ra tranh cử. Nhưng trong mấy chục kỳ bầu cử vừa qua chưa có ứng cử viên nào thành công.
Thường ngay từ đầu, chính họ và một bộ phận cử tri ủng hộ cho họ đã biết chắc không có cơ hội đắc cử nhưng việc tranh cử của những ứng cử viên này - vì những mục đích khác nhau - cũng có những ảnh hưởng ở mức độ nhất định đến cơ hội của hai ứng cử viên chính.
Ngoài Đảng Xanh (Green Party) thường xuyên gây sự chú ý trong các kỳ bầu cử, gần đây nhất, trong mùa bầu cử năm 2008, Đảng Trà (Tea Party) - được cho là cánh cứng rắn trong đảng Cộng hòa - cũng nổi lên với vai trò một đảng thứ ba có nhiều cử tri ủng hộ.
Gần 2.000 ứng viên
Trong mỗi kỳ bầu cử, sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước Mỹ luôn tập trung vào cuộc chạy đua của hai ứng cử viên thuộc hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong khi trên thực tế, nhiều ứng cử viên của các chính đảng nhỏ khác cũng như các ứng cử viên độc lập cũng ra tranh cử miễn là họ đáp ứng được các điều kiện của từng bang nơi họ đăng ký ứng cử.
Ví dụ như mùa bầu cử năm nay, danh sách đăng ký tham gia tranh cử lên tới 1.910 ứng cử viên hội đủ hai điều kiện theo qui định chung là được đảng của mình đề cử và có tên trong ít nhất ba cuộc thăm dò dân ý cấp quốc gia (tức là được một số lượng cử tri nhất định ủng hộ).
Nhưng trải qua các điều kiện ngặt nghèo theo qui định của luật pháp Mỹ về tranh cử và bầu cử, sẽ chỉ còn lại một danh sách rất ít ứng cử viên đủ điều kiện được xuất hiện trên lá phiếu bầu.
Do thông tin và sự chú ý dồn vào hai ứng cử viên của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mà ít người biết rằng trên lá phiếu bầu Tổng thống năm nay không phải chỉ có tên bà Hilary Clinton và ông Donald Trump mà còn có tên hai ứng cử viên khác là bà Jill Stein (thuộc Đảng Xanh) và ông Gary Johnson (thuộc Đảng Tự do). Nhưng dĩ nhiên, có thể thấy trước hai ứng cử viên này hoàn toàn không có cơ hội thắng cử.
Ứng viên Jill Stein của Đảng Xanh trong một lần vận động tranh cử - Ảnh: AFP |
"Chốt chặn" đại cử tri
Một trong những lý do khiến các ứng cử viên các đảng thứ ba hay ứng cử viên độc lập không thể giành chiến thắng và cơ hội luôn chỉ thuộc về một trong hai Đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa là do đặc điểm rất đặc biệt của nước Mỹ: bầu cử Tổng thống theo phiếu đại cử tri.
Cuộc bầu cử Tổng thống của nước Mỹ được xác lập theo nguyên tắc: bỏ phiếu cho cá nhân cụ thể, gom phiếu đại cử tri. Người dân (cử tri) Mỹ tuy được bầu đích danh tên ứng cử viên mà họ chọn nhưng vẫn chỉ là bầu gián tiếp.
Mang tính quyết định trong bầu cử Tổng thống thuộc về các lá phiếu đại cử tri. Với qui định người thắng cử phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri (trong tổng số 538 phiếu trong toàn quốc), các ứng cử viên của các chính đảng khác sẽ không thể đủ điều kiện để cạnh tranh và trúng cử so với hai ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Ví dụ như họ cũng được hàng triệu cử tri bầu nhưng rải rác ở nhiều bang nên ở mỗi bang, họ sẽ không đủ điều kiện để giành phiếu đại cử tri của những bang đó. Thậm chí, ngay cả khi nếu họ có thể áp đảo ở một bang nào đó và chiếm trọn số phiếu đại cử tri thì con số đó vẫn không đáng kể so với 270 phiếu đại cử tri cần phải có và để cạnh tranh với hai ứng viên Dân chủ và Cộng hòa.
Ứng cử viên Trump đi vận động cộng đồng người đồng tính tại TP Greeley, bang Colorado, ngày 30-10 - Ảnh: Reuters |
Trải qua 44 đời Tổng thống của nước Mỹ, chỉ có tổng thống đầu tiên George Washington không thuộc về chính đảng nào, 43 đời tổng thống còn lại đều là đại diện cho các chính Đảng lớn. Trong đó, Đảng Cộng hòa có 18 vị Tổng thống, Đảng Dân chủ có 15 vị Tổng thống (tuy giữ 16 nhiệm kỳ Tổng thống, nhưng vì Tổng thống Grover Cleveland đắc cử ở hai nhiệm kỳ cách biệt nhau là 1885-1889 và 1893-1897 nên được tính là hai đời Tổng thống). |
Ngoài ra, vị Tổng thống thứ hai của nước Mỹ John Adams (nhiệm kỳ 1707-1801) thuộc đảng Liên bang (Federalist), bốn đời Tổng thống liên tiếp gồm Thomas Jefferson (1801-1809), James Madison (1809-1817), James Monroe (1817-1825) và John Quincy Adams (1825-1829) là ở giai đoạn đang hình thành các đảng phái chính trị, chưa có sự phân chia rõ ràng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, nên bốn vị tổng thống này trong lịch sử Mỹ dược xếp chung nhóm “Dân chủ - Cộng hòa”.
Có bốn đời tổng thống Wiliam Henry Harrison (tháng 3 - tháng 4-1841), John Tyler (1841-1845), Zachary Taylor (1849-1850), Millard Fillmore (1850-1853) thuộc Đảng Whig - là một đảng được thành lập và chỉ hoạt động trong thời gian từ năm 1833 đến 1856, sau đó tan rã do những bất đồng nội bộ liên quan đến chính sách về nô lệ, nhiều thành viên bỏ sang theo đảng Cộng hòa, trong đó có Tổng thống Abraham Lincoln.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận