28/10/2016 09:36 GMT+7

Người Mỹ ở nước ngoài bỏ phiếu như thế nào?

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Hàng triệu người Mỹ đang ở nước ngoài, như các phái đoàn ngoại giao, lính Mỹ đồn trú hay những quân nhân Mỹ đang lênh đênh trên các chiến hạm ngoài đại dương sẽ bỏ phiếu như thế nào?

Hình ảnh tuyên truyền cho việc kêu gọi người Mỹ ở nước ngoài đi bỏ phiếu - Ảnh: FVAP.gov
Hình ảnh tuyên truyền cho việc kêu gọi người Mỹ ở nước ngoài đi bỏ phiếu - Ảnh: FVAP.gov

Mặc dù còn hơn 10 ngày nữa mới tới ngày tổng tuyển cử 8-11, song tại một số bang, không khí bầu cử đã nóng lên với hàng triệu cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm.

Ngoài ra, hàng triệu người Mỹ đang cư trú ở nước ngoài, trong đó có các phái đoàn ngoại giao, lính Mỹ đồn trú ở các căn cứ quân sự trên khắp thế giới hay những quân nhân Mỹ đang lênh đênh trên các chiến hạm ngoài đại dương sẽ bỏ phiếu như thế nào?

Số cử tri cao kỷ lục

Kỳ bầu cử năm 2016 đang trở thành kỳ bầu cử Tổng thống có số lượng cử tri đăng ký đi bỏ phiếu cao kỷ lục từ trước đến nay với hơn 200 triệu người Mỹ đã đi đăng ký đi bỏ phiếu.

Con số này tăng vọt so với 146,3 triệu cử tri đăng ký và 131,4 triệu người đã thực hiện quyền công dân của mình trong năm 2008 khi Tổng thống Barack Obama thắng cử nhiệm kỳ đầu tiên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Số lượng cử tri của năm 2008 được lấy so sánh với năm nay vì đó là năm có số lượng cử tri đi bầu cao nhất vào thời điểm đó. Đến kỳ bầu cử năm 2012, con số này lại giảm một chút so với năm 2008.

Theo qui định về bầu cử của Mỹ, cử tri muốn đi bỏ phiếu bầu Tổng thống (cùng với các vị trí trong chính quyền địa phương) phải đăng ký trước với cơ quan bầu cử từng địa phương theo một địa chỉ cư trú hợp pháp.

Cử tri được đi bầu bao gồm tất cả người dân đến tuổi trưởng thành, kể cả quân nhân, viên chức, chuyên gia, nhà ngoại giao... đang có mặt ở nước ngoài và tù nhân đang thụ án nếu mức tội án dưới 3 năm.

Nếu việc đăng ký hợp lệ và hoàn tất, cử tri sẽ nhận được lá phiếu của mình. Dữ liệu của TargetSmart, một công ty dữ liệu của đảng Dân chủ, công bố ngày 19-10 cho thấy tổng số cử tri Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu trong kỳ bầu cử 2016 là hơn 200 triệu người.

Cử tri mới chọn ai?

So với tám năm trước, nước Mỹ đã có thêm hơn 50 triệu cử tri đăng ký mới. Xét về tổng thể, 42,6% trong tổng số cử tri mới đăng ký trong năm 2016 có xu hướng ủng hộ đảng Dân chủ, trong khi tỉ lệ này đối với đảng Cộng hòa là 29%,

Khoảng 28,4% cử tri mới dành sự hẫu thuẫn cho các ứng cử viên độc lập. Ông Tom Bonier, Giám đốc điều hành TargetSmart cho biết vào thời điểm nước Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 200 triệu cử tri đăng ký, có những dấu hiệu cho thấy một sự đa dạng chưa từng thấy trong các cử tri và ngày càng có nhiều người ủng hộ các ứng cử viên của đảng Dân chủ hơn. 

Không có điểm bỏ phiếu ở nước ngoài

Tất cả công dân Mỹ đang ở nước ngoài đều có quyền tham gia bầu cử và sẽ nhận được phiếu bầu nếu họ đăng ký hợp lệ.

Các công dân Mỹ đang sống ở nước ngoài - dù là người làm việc tại các phái đoàn ngoại giao, quân nhân cùng thân nhân của họ hay những người đang sống ở nước ngoài vì những lý do khác - đều phải đăng ký bỏ phiếu tại tiểu bang nơi đã sống ngay trước khi ra nước ngoài.

Để đăng ký cử tri và nhận phiếu bầu dành cho công dân đang ở nước ngoài, họ cần phải điền bản đăng ký yêu cầu phiếu bầu dành cho cử tri vắng mặt, có thể đăng ký online trên trang web của cơ quan bầu cử từng bang và sử dụng địa chỉ nhà riêng của mình tại Mỹ (nếu có).

Các tiểu bang bắt buộc phải gửi phiếu bầu tới cử tri ở nước ngoài tối thiểu 45 ngày trước ngày bầu cử 8-11.

Tuy nhiên công dân Mỹ ở nước ngoài sẽ không thể bỏ phiếu trực tiếp tại chỗ vì sẽ không có điểm bầu cử nào ở bên ngoài nước Mỹ.

Điểm đăng ký cho người Mỹ ở Luxembourg do đảng Dân chủ tổ chức nhân kỳ bầu cử năm nay - Ảnh: democratsabroad.org
Điểm đăng ký cho người Mỹ ở Luxembourg do đảng Dân chủ tổ chức nhân kỳ bầu cử năm nay - Ảnh: democratsabroad.org

Lá phiếu bầu phải qui về Mỹ

Tất cả công dân Mỹ ở nước ngoài muốn tham gia bầu cử phải gửi lá phiếu của mình về Mỹ trước ngày 8-11. Sau khi điền vào phiếu bầu, cử tri có thể gửi lại phiếu bầu của mình thông qua đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, thư tín bưu điện hoặc qua mạng internet nếu tiểu bang đó chấp thuận.

Vì thế, tuy có thể làm việc hoặc đóng quân cùng tại một địa điểm, nhưng những công dân Mỹ ở nước ngoài sẽ bỏ phiếu tại các bang khác nhau.

Đối với hàng trăm ngàn quân nhân Mỹ đang lênh đênh trên các chiến hạm hay tàu sân bay cũng vậy - tuy ở cùng trên một con tàu nhưng mỗi người sẽ gửi lá phiếu bầu của mình về nhiều bang khác nhau.

Các công dân Mỹ đang sống ngắn hạn ở nước ngoài, các nhà ngoại giao, quân nhân và thân nhân của họ được quyền bỏ phiếu cho tất cả các nội dung trên lá phiếu, bao gồm cả các vị trí ở chính quyền địa phương nơi họ đăng ký phiếu bầu.

Những công dân Mỹ định cư ở nước ngoài lâu dài hoặc chưa từng sống tại Mỹ chỉ được bỏ phiếu cho các vị trí cấp liên bang bao gồm Tổng thống, thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ.

Đã có 7 triệu phiếu bầu sớm

Theo ghi nhận của giới truyền thông Mỹ, đến thời điểm này đã có khoảng 7 triệu người Mỹ đã hoàn tất bỏ phiếu, chủ yếu tại một số thành phố lớn thuộc các bang Illinois, North Carolina, Florida, Ohio, Nevada, Tennessee, Texas, Arkansas, Massachusetts...

Tuy được bỏ sớm vào thùng phiếu nhưng những lá phiếu này sẽ được bảo mật và chỉ được kiểm phiếu vào ngày tổng tuyển cử 8-11.

Không phải tất cả các bang đều cho phép nhưng đa số các bang của Mỹ (34 bang) cho phép cử tri được đi bầu cử sớm ở những điểm bỏ phiếu nhất định.

Thời gian bỏ phiếu sớm cũng được qui định không giống nhau, cụ thể tuỳ theo từng bang. Việc bỏ phiếu sớm nhất có thể diễn ra trong khoảng 45 ngày trước ngày bầu cử và chậm nhất là vào ngày thứ 6 trước ngày bầu cử.

Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ, tỉ lệ cử tri lựa chọn bỏ phiếu sớm ngày càng tăng, từ 10,5% năm 1996 lên đến 35% vào năm 2012 và sẽ còn cao hơn ở kỳ bầu cử 2016 này.

Địa điểm bỏ phiếu vệ tinh ở mỗi bang là khác nhau. Địa điểm đó có thể bao gồm các văn phòng của các hạt và bang khác (ngoài địa điểm bầu cử chính thức), các cửa hàng tạp hóa, trung tâm mua sắm, trường học, thư viện..., thường là những địa điểm công cộng thuận tiện cho người dân.

Tổng thống Obama đi bỏ phiếu sớm tại Chicago ngày 7-10 - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama đi bỏ phiếu sớm tại Chicago, bang Illinois ngày 7-10 - Ảnh: Reuters

Cử tri Mỹ có thể tiến hành bỏ phiếu sớm thông qua email hoặc đến văn phòng chính quyền các hạt để bầu cử trực tiếp. 

Bỏ phiếu bằng email đã được chấp nhận ở tất cả 50 bang nhưng để làm theo cách này, cử tri cần phải đăng ký bỏ phiếu trước và khai lý do chọn cách thức này.

Nhiều ý kiến cho rằng chính việc chấp nhận rộng rãi hình thức bỏ phiếu qua email và cho phép bỏ phiếu sớm là những yếu tố góp phần ngày càng tăng thêm số cử tri tham gia bầu cử ở Mỹ.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên