Phóng to |
Biểu đồ thể hiện sản lượng dầu các nước nằm gần Syria - Ảnh: EIA |
Theo cây bút kỳ cựu của CNN Steve Hargreaves, lý do chính nằm ở các nước láng giềng của Syria, vốn sản xuất và cung cấp rất nhiều dầu mỏ cho phần còn lại của thế giới.
“Người ta lo ngại các nước này sẽ bị kéo vào cuộc chiến, khi đó việc sản xuất và vận chuyển dầu có thể sẽ bị ngưng trệ” - Hargreaves phân tích trong bài viết hôm 6-9.
Trang mạng Politico dẫn số liệu của CIA cho biết sản lượng dầu của Syria hiện chỉ khoảng 50.000 thùng/ngày. Trong khi đó, các nước gần Syria có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công (nếu có) của Mỹ như Iraq sản xuất đến 3 triệu thùng dầu/ngày. Các nước khác gồm Kuwait (1,6 triệu thùng), Iran (3,5 triệu thùng), Ả Rập Saudi (11,5 triệu thùng), và Qatar (2,8 triệu thùng), theo số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA).
Thực tế giá nhiên liệu vẫn chưa rơi vào khủng hoảng, với việc giá dầu ở Mỹ chỉ tăng 5 USD/thùng sau thông tin Syria sử dụng vũ khí hóa học được công bố, vì khả năng các nước trên dấn sâu vào chiến tranh là rất xa, theo tác giả bài viết.
Song ông Hargreaves lưu ý rằng không loại trừ khả năng cuộc chiến sẽ được mở rộng ra ngoài Syria bởi nhiều lý do.
Tác giả lý giải Iran là một trong các nguồn cung cấp vũ khí chính cho chính phủ Syria, trong khi các nhóm nổi dậy ở Ả Rập Saudi và Qatar đang được vũ trang.
Nga, nước có sản lượng dầu lên đến 10,4 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái, có thể cũng có liên quan đến cuộc chiến.
“Dù không ai nghĩ chiến tranh sẽ lan đến tận Nga, nhưng nước này trong quá khứ đã nổi tiếng vì thường cậy vào sản lượng dầu lớn của mình như vũ khí địa chính trị để cắt giảm xuất khẩu đến các nước đối đầu” - Hargreaves nhận định.
Ngoài việc ảnh hưởng nguồn cung, can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria cũng có thể ảnh hưởng đến đường vận chuyển dầu của các nước bởi Syria nằm gần vị trí của các điểm trung chuyển nhập khẩu dầu lớn trong khu vực.
Đơn cử, có đến 17 triệu thùng dầu được vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày. Trong khi đó, đường ống dẫn dầu Sumed của Ai Cập có công suất 3,8 triệu thùng mỗi ngày lại nằm ở phía nam Syria.
Ngoài ra, thành phố Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ, giáp với biên giới phía bắc của Syria, đóng vai trò là cảng trung chuyển cho các đường ống dẫn dầu đến tận Trung Á.
“Có thể Syria sẽ không nhắm vào các đường trung chuyển này nhưng nhiều người vẫn lo ngại rằng các nước khác muốn cắt đứt con đường vận chuyển này để trả thù Mỹ” - Hargreaves dự đoán, đồng thời chỉ rõ ngoài khủng hoảng Syria, còn có nhiều vụ ngưng cung cấp dầu đâu đó trên thế giới cũng đang khiến giá dầu tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận