11/11/2024 15:54 GMT+7

Vì sao chứng khoán Việt hứng khởi ngày ông Trump đắc cử rồi ‘quay xe’?

Sau 1 tuần ảm đạm, trong phiên đầu tuần (ngày 11-11), chứng khoán tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh, lùi sâu về dưới mốc 1.250 điểm. Nhà đầu tư đang 'thấp thỏm' điều gì?

Vì sao chứng khoán Việt hứng khởi ngày ông Trump đắc cử rồi ‘quay xe’? - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán mất thêm gần 8 điểm trong phiên sáng thứ hai (11-11) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường chứng khoán vừa trải qua một tuần giao dịch giằng co, trong bối cảnh quốc tế diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như bầu cử tổng thống Mỹ và cuộc họp chính sách tháng 11 của Fed...

Chứng khoán liên tiếp điều chỉnh

Bộ phận phân tích Chứng khoán VNDirect nhìn nhận sự hứng khởi của thị trường chứng khoán trong nước sau khi đón nhận thông tin ông Trump thắng cử nhanh chóng chuyển sang hoài nghi, về tác động những chính sách kinh tế sắp tới đối với quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng còn quá sớm để đánh giá những tác động chi tiết, song những lo ngại cũng không phải không có cơ sở khi Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 100 tỉ USD với Mỹ vào năm ngoái.

Song theo ông Michael Kokalari - CFA, giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường của VinaCapital, những lo ngại về rủi ro đã bị "đẩy lên quá mức cần thiết".

Ông Michael Kokalari cho biết con số xuất siêu 100 tỉ USD năm ngoái đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có cán cân thương mại lớn thứ ba với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Tuy nhiên điều này có thể được giải quyết bằng cách mua các sản phẩm có giá trị cao như khí LNG và động cơ máy bay từ Mỹ, theo chuyên gia VinaCapital.

"Ông Trump đã tập hợp một đội ngũ kinh tế am hiểu, tài năng. Họ hiểu rõ các hậu quả tiêu cực của việc áp thuế quá nặng lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ. Hậu quả tiêu cực này bao gồm cả việc cản trở quá trình đưa công việc sản xuất trở lại Mỹ, vì thuế cao sẽ đẩy giá trị đồng USD lên", ông Michael Kokalari nhận định.

Dưới góc độ một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm tại các tổ chức quốc tế, ông Kokalari tin rằng Việt Nam sẽ vẫn duy trì được đà phát triển ổn định.

"Mặc dù có thể Mỹ sẽ áp thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu, nhưng chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ áp thuế nặng (20-30%) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam", chuyên gia VinaCapital dự báo.

Dòng tiền chạy về Mỹ

Điều thị trường quan tâm nữa là dòng tiền tiếp tục đổ về chứng khoán Mỹ. Dữ liệu WiGroup cho thấy dòng tiền chảy vào các quỹ ETF cổ phiếu Mỹ trong năm 2024 đã ghi nhận mức cao nhất mọi thời đại, đạt 572 tỉ USD.

Trong khi đó thị trường chứng khoán châu Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi và cận biên tiếp tục chịu sự "xa lánh" của dòng tiền các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thị trường cận biên như Việt Nam, tính chung từ đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng gần 80.000 tỉ đồng trên HoSE - mức kỷ lục trong hơn 24 năm hoạt động của chứng khoán Việt Nam.

Tính từ đầu tháng 11 đến nay (cũng là thời điểm thông tư 68 cho phép nhà đầu tư ngoại không cần đủ tiền vẫn được mua cổ phiếu), khối ngoại bán ròng gần 4.000 tỉ đồng.

Ông Trương Đắc Nguyên - trưởng phòng phân tích WiGroup - cho biết đà tăng giá của chỉ số USD (DXY) được xem là nguyên nhân lớn nhất cho việc khối ngoại bán ròng.

"Lý do này có vẻ hợp lý khoảng 1 năm trở lại đây, khi mối tương quan của dòng tiền nước ngoài và DXY giai đoạn 2020 - 2023 là tương quan thuận", theo ông Nguyên.

Nhưng thực tế theo WiGroup, một lý do đơn giản hơn để giải thích hiện tượng bán ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là tỉ suất lợi nhuận thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ đang nổi trội hơn mới nổi và cận biên giai đoạn này.

Cũng theo WiGroup, tuần qua Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tổng cộng hơn 65.000 tỉ đồng trên kênh thị trường mở.

"Cơ quan điều hành đang thực hiện cùng lúc hai mục tiêu hết sức khó khăn: giữ cho mặt bằng lãi suất liên ngân hàng không xuống quá thấp để giảm áp lực cho tỉ giá, nhưng không được tăng quá cao để giảm chi phí vốn cho hệ thống ngân hàng", trưởng phòng phân tích WiGroup đánh giá.

Về áp lực tỉ giá, chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn do chênh lệch lãi suất.

"Chúng tôi tin rằng triển vọng đồng USD yếu sẽ trở lại giúp ổn định dư địa tỉ giá và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước", chuyên gia VDSC dự báo. Nhận định này dựa trên hai cơ sở: Fed đã cắt giảm thêm lãi suất và lo ngại về chính sách thâm hụt tài khóa của Mỹ có thể tạo áp lực lên đồng USD.

Chứng khoán Việt hứng khởi ngày ông Trump đắc cử rồi ‘quay xe’, giải mã lý do - Ảnh 2.Chứng khoán tuần mới: Ngóng tác động chính sách mới của ông Trump, thấp thỏm tỉ giá

Tuần qua, đà hồi phục VN-Index diễn ra ngắn ngủi với áp lực bán ròng rất mạnh từ khối ngoại do dòng vốn bị hút ròng quay trở về thị trường Mỹ. Chứng khoán tuần mới được dự báo tiếp tục giằng co...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên