27/12/2020 08:47 GMT+7

Vì sao chọn MobiFone, EVN, Viettel làm 'sếu đầu đàn'?

B.NGỌC - T.HÀ - N.AN
B.NGỌC - T.HÀ - N.AN

TTO - Theo các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, cần tạo sân chơi bình đẳng để có những doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt đóng vai trò 'sếu đầu đàn' trong nền kinh tế với nguyên tắc ưu đãi dành cho người thắng cuộc.

Vì sao chọn MobiFone, EVN, Viettel làm sếu đầu đàn? - Ảnh 1.

Trụ sở Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel)

Bộ Kế hoạch và đầu tư đang xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt phát triển 3 doanh nghiệp Tổng công ty viễn thông MobiFone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel) trở thành "sếu đầu đàn", dẫn dắt ngành, lĩnh vực phát triển.

Các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cho rằng việc phát triển các tập đoàn kinh tế giữ vai trò nòng cốt, trục xương sống dẫn dắt phát triển rất cần thiết, nhưng không nên giới hạn số lượng, khu vực doanh nghiệp. Cần tạo sân chơi bình đẳng để có những doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt đóng vai trò "sếu đầu đàn" trong nền kinh tế với nguyên tắc ưu đãi dành cho người thắng cuộc.

Tập trung phát triển lĩnh vực nòng cốt

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Đình Cung - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - cho rằng với 17 tập đoàn, tổng công ty hiện có, việc trước mắt là cần làm tốt nhiệm vụ kinh doanh vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty. Cần tạo nền tảng để 17 tập đoàn, tổng công ty phát triển, cần để cho các công ty tự phát triển lên, sau đó cần kích thích gì mới đưa ra khuyến khích, ưu đãi phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - nêu quan điểm trong 3 lĩnh vực viễn thông, năng lượng, công nghiệp quốc phòng (tương ứng với chức năng của MobiFone, EVN và Viettel) mà Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đưa ra thì việc ưu tiên phát triển quốc phòng có thể phù hợp.

Hai doanh nghiệp còn lại trong lĩnh vực năng lượng, viễn thông cần cân nhắc vì chúng ta đã có bài học kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) từ hơn 10 năm trước. Bài học đó là dù ưu tiên thế nào thì DNNN vẫn có thể không hiệu quả. Nguyên tắc là có cạnh tranh thì doanh nghiệp mới phát triển được. "Vì vậy, đề án cần bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh để các tập đoàn, tổng công ty phải vượt lên chính mình" - ông Đồng nhấn mạnh.

Ông Đồng chia sẻ thêm mọi nền kinh tế đều cần doanh nghiệp dẫn dắt nhưng điều kiện tạo ra doanh nghiệp dẫn dắt rất quan trọng. Ví dụ nước Mỹ tạo ra cơ chế tự do cạnh tranh hoàn toàn để có được những "sếu đầu đàn" như Apple, Microsoft, Intel... 

Mô hình độc quyền hoàn toàn chỉ có Hàn Quốc làm được khi các nền kinh tế còn đóng cửa và chưa có các hiệp định thương mại tự do, họ có thể đóng cửa thị trường trong nước để tạo lợi thế cho một vài tập đoàn trong nước trên con đường trở thành "sếu đầu đàn".

Một chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho hay đề án được Bộ Kế hoạch và đầu tư xây dựng tập trung vào một vài lĩnh vực phát triển nòng cốt, có khả năng tác động lan tỏa, tạo ra sức cạnh tranh cho ngành, doanh nghiệp khác chứ không phải tạo ra các tập đoàn chi phối ngành, lĩnh vực. 

Việc lựa chọn những ngành công nghiệp quốc phòng, chuyển đổi số, năng lượng là ngành Việt Nam có thế mạnh. "Dẫn dắt không phải chi phối mà là tạo nền tảng, tạo cơ sở hạ tầng để ngành kinh tế khác phát triển. Phát triển khu vực DNNN quy mô lớn thì phát triển phải là nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực của Nhà nước đang đầu tư chứ không phải là nâng cao thị phần của DNNN" - vị này nói.

Vì sao chọn MobiFone, EVN, Viettel làm sếu đầu đàn? - Ảnh 2.

Công nhân điện lực thi công đường điện trên quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đứng đầu, làm chủ chuỗi cung ứng Việt

Nhiều chuyên gia kinh tế cùng chung quan điểm rằng việc xây dựng đề án chưa toát lên được thông điệp, mục tiêu đặt ra và có thể bị hiểu lầm thành việc Nhà nước tiếp tục tạo ra cơ chế để hỗ trợ đặc biệt cho một số doanh nghiệp để tạo nên "sếu đầu đàn".

Thêm nữa, bối cảnh hiện tại đã thay đổi, những yếu tố đặc thù không còn nên phải tính toán kỹ hơn khi tạo lập cơ chế cho tập đoàn, tổng công ty. Ví dụ Trung Quốc đã có những tập đoàn dẫn dắt nền kinh tế như Alibaba là tư nhân hoàn toàn, đó cũng là gợi ý để chúng ta phát triển "sếu đầu đàn".

Theo ông Hồ Sỹ Hùng - phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, doanh nghiệp dẫn dắt ngành, lĩnh vực hay "sếu đầu đàn" hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng nếu chỉ vì doanh nghiệp đang chiếm thị phần lớn, phát triển lên để đóng vai trò dẫn dắt là không phù hợp với cơ chế thị trường. Cần xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đi tiên phong vào những lĩnh vực phù hợp, cần thiết, đúng mong muốn.

Ông Hùng khuyến nghị đề án cần hướng tới xây dựng một nền tảng, cơ chế thuận lợi để các DNNN tự phát triển được, đi vào các lĩnh vực tiên phong, lĩnh vực mới, đi đầu về công nghệ với vai trò mở đường cho phát triển.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên - tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - chia sẻ hiện có nhiều xu thế phát triển, vấn đề là chúng ta chọn xu thế phát triển nào. Các nước phát triển như G7, G20, bốn con rồng châu Á, họ đều xây dựng những doanh nghiệp nòng cốt. Sau khi có doanh nghiệp nòng cốt, có trụ phát triển rồi họ mới quay ra phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay Việt Nam chưa có trụ phát triển nên việc chọn doanh nghiệp nòng cốt, dẫn dắt phát triển là tất yếu, ông Kiên thừa nhận.

Cũng theo ông Kiên, DNNN bao giờ cũng phải đi trước, mở đường và chịu rủi ro trong việc tạo lập thị trường. Ví dụ thị trường chứng khoán hiện nay sôi động được như vậy là hoàn toàn do DNNN đứng ra làm, Nhà nước đứng ra tổ chức doanh nghiệp chứng khoán, tạo lập thị trường chứng khoán và thoái vốn khỏi các công ty chứng khoán. 

Đến bây giờ, Nhà nước không còn nắm vốn tại công ty chứng khoán nào nữa mà để hoàn toàn cho thị trường điều tiết. Đây là một thành công trong xây dựng thị trường.

Nhưng việc chọn doanh nghiệp nào, chọn ai phụ thuộc hai yếu tố là chủ quan người chủ và thị trường. Vấn đề đặt ra, theo ông Kiên, là ngoài 3 doanh nghiệp được chọn, các doanh nghiệp khác có quy mô đủ lớn trong cùng lĩnh vực có được hưởng cơ chế ưu đãi? Cần thiết lập cơ chế ưu đãi người thắng được tất, doanh nghiệp nào tạo ra được thị trường thì được hưởng ưu đãi phát triển, ông Kiên khuyến nghị. 

Từ đó, ông Kiên thẳng thắn nêu ý kiến: Bộ Kế hoạch và đầu tư không phải cơ quan chủ sở hữu nên cần thoát khỏi áo cũ. Cần tham mưu cho Chính phủ hướng tới kế hoạch phát triển doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt chứ không phải là DNNN Việt.

Số lượng "sếu đầu đàn" có thể là 1, 3, 5 hay 10 không quan trọng. Chẳng hạn trong ngành năng lượng, trong lĩnh vực sản xuất điện nếu doanh nghiệp nào ngoài đầu tư nhà máy phát điện đầu tư thêm linh kiện, tuôcbin phát điện nên được hỗ trợ. Như vậy chúng ta sẽ tìm được người thắng cuối cùng, từng bước nội địa hóa các ngành sản xuất trong nước. 

Các ưu đãi thuế, phí của Chính phủ sẽ được doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Như vậy "sếu đầu đàn" sẽ xuất hiện trong những ngành kinh tế mũi nhọn quốc gia.

5 tiêu chí chọn "sếu đầu đàn"

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp "sếu đầu đàn" có vai trò mở đường, dẫn dắt trong hình thành, mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới nên doanh nghiệp "sếu đầu đàn" phải đáp ứng 5 tiêu chí: (1) quy mô vốn điều lệ, tài sản trên 1.800 tỉ đồng; (2) có khả năng mở rộng thị trường, tăng thị phần, đạt được thị phần đủ lớn để có khả năng chi phối 30% thị trường; (3) có hệ thống quản trị tốt, bảo đảm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, trang thiết bị của tập đoàn.

(4) "Sếu đầu đàn" phải hoạt động trong những ngành có tính chất lan tỏa, dẫn dắt, không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước độc quyền như kết cấu hạ tầng kinh tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng; và (5) là công ty nhà nước nắm 100% hoặc từ 50% vốn điều lệ trở lên, ưu tiên doanh nghiệp đã đa dạng hóa sở hữu hoặc có khả năng đa dạng sở hữu trong thời gian tới.

Thị phần đủ lớn để dẫn dắt

Các DNNN, trong đó có 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước dù chiếm gần 0,4% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế nhưng nắm giữ khoảng 26% tổng vốn sản xuất kinh doanh và trên 24% giá trị tài sản cố định, đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh.

Nhiều DNNN có thị phần đủ lớn để có vai trò thúc đẩy nền kinh tế, trong đó EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam chiếm khoảng 87% trong cơ cấu nguồn điện.

Tương tự, trong lĩnh vực xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam chiếm khoảng 50% thị phần bán lẻ, các DNNN khác như PVOil chiếm 22,5% thị phần, Saigon Petro chiếm 6%, Tổng công ty Thành Lễ chiếm 6%, xăng dầu quân đội Mipec chiếm 6%, các doanh nghiệp khác chỉ chiếm 15%.

Theo Sách trắng CNTT và truyền thông Việt Nam 2019 do Bộ Thông tin và truyền thông phát hành, các tập đoàn Viettel, VNPT, MobiFone đã chi phối tất cả các hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, chiếm hơn 95% thị phần về thuê bao di động và băng rộng di động mặt đất.

Đề xuất nhiều chính sách ưu đãi

mobifone lythuongkiet 20201226-03 1(read-only)

Người dân đăng ký thuê bao điện thoại tại Trung tâm MobiFone ở quận 10, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Với MobiFone, để phát huy vai trò dẫn dắt, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất ưu tiên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng bổ sung MobiFone vào danh mục doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng do Nhà nước nắm cổ phần, vốn góp chi phối.

Ngoài ra, không thực hiện lựa chọn cổ đông chiến lược nước ngoài tham gia cổ phần hóa MobiFone với doanh nghiệp này bởi MobiFone đang hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thị trường, thương hiệu tốt thì việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược không thực sự mang tính cấp thiết, mà cần bán đấu giá công khai để có nhiều nhà đầu tư tham gia, tránh việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để hạn chế nhà đầu tư tham gia dẫn đến giá bán vốn thấp hoặc có nguy cơ bị cạnh tranh, thâu tóm.

Đối với EVN, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất cơ chế giải quyết các khoản nợ nước ngoài công ty mẹ EVN khoảng 206.386 tỉ đồng; nợ vay từ ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khoảng 117.551 tỉ đồng. Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) - một doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính - phối hợp với EVN để giải quyết khó khăn tài chính và góp vốn để đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.

Đồng thời, nghiên cứu chuyển trung tâm điều độ thuộc EVN về Bộ Công thương quản lý để thực hiện cổ phần hóa EVN trong thời gian tới, huy động thêm nguồn lực tài chính và đổi mới quản trị doanh nghiệp.

Với Tập đoàn Viettel, đề án đưa ra đề xuất nghiên cứu hình thành quỹ phát triển công nghiệp quốc phòng với cơ chế hình thành quỹ từ nguồn lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, trích thêm 20% lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp. Viettel được sử dụng quỹ để phục vụ các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng.

Đồng thời, lập quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm cho Viettel với mục đích tiếp tục thử nghiệm, điều chỉnh hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa để khai thác hết kết quả từ nghiên cứu khoa học, tạo ra những sản phẩm mới. Cho Viettel cơ chế phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là chuyên gia đầu ngành về trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data)...

Để hình thành 3 "sếu đầu đàn" dẫn dắt các doanh nghiệp khác, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư dự kiến trình Chính phủ ban hành nhiều ưu đãi cho Viettel, MobiFone và EVN.

Vì sao có 3 "sếu đầu đàn"?

Lý do được đưa ra là MobiFone đang dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số, là doanh nghiệp có tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tốt nhất trong 3 doanh nghiệp viễn thông MobiFone, Viettel, VNPT. MobiFone có công nghệ và hệ thống quản trị tốt, được định hướng tập trung đầu tư chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đây là điều kiện để hình thành chuỗi liên kết và thực hiện vai trò dẫn dắt, lan tỏa trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dữ liệu data, đặc biệt khi viễn thông di động đang có dấu hiệu bão hòa và sức ép từ các dịch vụ OTT của các nhà khai thác dịch vụ như Facebook, Google, Viber - Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh.

Với EVN, lĩnh vực năng lượng lựa chọn EVN vì theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, EVN đang có vai trò dẫn dắt các tập đoàn năng lượng nhà nước nói riêng và doanh nghiệp điện tư nhân trong bảo đảm an ninh năng lượng. Sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thuộc EVN chiếm gần 50% sản lượng điện toàn quốc. EVN có kinh nghiệm chuyên môn, thực tế đầu tư trong lĩnh vực điện, đặc biệt năng lượng sạch, đang sở hữu 5 dự án, nhà máy điện mặt trời tại Đắk Nông, Bình Thuận, Khánh Hòa.

Tương tự, trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Viettel được chọn phát triển thành "sếu đầu đàn" vì Viettel khi thành lập là doanh nghiệp an ninh quốc phòng, đã và đang thực hiện triển khai các lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự. Đây là tập đoàn hàng đầu trong nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, chuyển giao công nghệ, xuất nhập khẩu các sản phẩm trang thiết bị kỹ thuật quân sự và các mặt hàng lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, dân sự.

Từ năm 2017 đến nay, Viettel đã nghiên cứu các ngành sản phẩm cho công nghiệp quốc phòng công nghệ cao như rađa, máy thông tin vô tuyến, tác chiến điện tử, tự động hóa chỉ huy..., nhiều dòng sản phẩm do Viettel sản xuất tương đương với sản phẩm hiện đại của các hãng trên thế giới, có hàm lượng chất xám cao. Viettel cũng đang tập trung vào 3 mảng chính là công nghiệp quốc phòng công nghệ cao, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp an ninh mạng.

Viettel, MobiFone, EVN sẽ trở thành tập đoàn nhà nước đặc biệt, dẫn dắt phát triển? Viettel, MobiFone, EVN sẽ trở thành tập đoàn nhà nước đặc biệt, dẫn dắt phát triển?

TTO - Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước sắp được Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ ban hành nhằm thúc đẩy phát triển 17 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đặc biệt 3 cái tên nêu trên sẽ đóng vai trò dẫn dắt phát triển ngành.

B.NGỌC - T.HÀ - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên