Bà Thắm mắc nhiều bệnh phải dùng đến thuốc y học cổ truyền nhưng hiện điều trị bằng phương pháp tạm thời khác vì kho thuốc bệnh viện đã “trắng” thuốc - Ảnh: QUỐC NAM
Bà Trịnh Thị Thắm nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh với chẩn đoán bị thoái hóa khớp gối, viêm phế quản, đau vai gáy, phác đồ điều trị tây y và đông y kết hợp.
Đã mấy tháng nay kho thuốc đông y của bệnh viện này đã rơi vào tình trạng "trắng kho", bà Thắm bắt buộc phải dùng tạm thuốc tây y cùng một số loại thuốc đông y đã được chiết xuất thành tân dược và các phương pháp bổ sung (xoa bóp, thủy châm, vật lý trị liệu).
Ông Trần Xuân Phú, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Bình, nói hàng trăm lượt bệnh nhân đang điều trị nội trú ở đây đều chung tình cảnh này.
"Khi không có thuốc thì bắt buộc phải dùng phương án thay thế tạm thời. Hiệu quả sẽ không thể cao như việc dùng đúng bài thuốc khi có đủ thuốc. Phương án tạm thì thời gian điều trị cũng sẽ dài hơn", ông Phú cho biết.
Theo Sở Y tế Quảng Bình, hiện việc cung ứng vị thuốc y học cổ truyền của các cơ sở trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, Bệnh viện Đa khoa huyện Bố Trạch, Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy... cũng đang lâm vào tình trạng cạn kho thuốc y học cổ truyền.
Ông Phú cho biết các bệnh viện đã mở thầu và thông báo rộng rãi trong thời gian dài để tìm nguồn cung ứng thuốc y học cổ truyền từ mấy tháng trước nhưng không có nhà thầu nào tham gia, cho đến nay thì đã cạn thuốc.
Ông Đinh Viễn Anh, phó giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, nói nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ quy định trong thông tư 38 của Bộ Y tế, có hiệu lực từ quý 1-2022.
Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm sử dụng vị thuốc y học cổ truyền đã được cấp số đăng ký. Số vị thuốc đã được cấp số đăng ký thì rất ít so với tổng số vị thuốc cần sử dụng trong nhiều bài thuốc.
"Đặc thù của thuốc y học cổ truyền khác thuốc tân dược. Thuốc này chủ yếu đến từ các loại lá và rễ cây trong tự nhiên, người dân đi hái từ rừng về nên không thể có số đăng ký. Sở Y tế cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, nhưng hiện vẫn chưa nhận được trả lời", ông Anh nói thêm.
Nỗi đau của bệnh nhân
Trước đây, khi đưa đứa con chẳng may bị đột ngột méo mặt vào một bệnh viện lớn của thành phố để châm cứu chữa bệnh, tôi thật sự xót xa, đau đớn khi nghe con kêu đau.
Không nén được nỗi lo lắng, đau đớn, tôi hỏi bác sĩ thì được ông cho biết vì thiếu cây kim số 2 nên đành phải dùng cây kim khác to hơn để thay thế khiến bệnh nhân bị đau.
Tôi chạy tìm mua cây kim số 2 ở hơn 30 nhà thuốc trong thành phố nhưng đến đâu cũng gặp cái lắc đầu của người bán.
Không chịu thua số phận, tôi tìm đến "chợ y tế" trên đường Tô Hiến Thành, TP.HCM (theo lời chỉ dẫn của nhiều người có hiểu biết về thiết bị y tế). May mắn tôi mua được kim nên con tôi giảm đau.
Tưởng việc này chỉ xảy ra trong quá khứ. Mới đây có đại biểu Quốc hội nói về việc "đi châm cứu có 10 kim mà máy chỉ có 2 kim hoạt động".
Chừng nào ngành y tế mới hết tình trạng thiếu thiết bị, thiếu thuốc? Bệnh viện mắt không đủ thủy tinh thể nhân tạo, bệnh viện ung bướu đang khó khăn trong việc mua được hóa chất điều trị ung thư...
Mong rằng tân Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan sớm xử lý những tình huống trên nhằm sớm đem lại cho bệnh nhân trong cả nước sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc.
NGUYỄN TẤN THƯ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận