25/07/2019 10:41 GMT+7

Vĩ đại như Churchill hay thảm bại như May?

TÔ HOÀNG
TÔ HOÀNG

TTO - Ngày 24-7, ông Boris Johnson, 55 tuổi, đã chính thức nhậm chức thủ tướng nước Anh, vị thủ tướng thứ 3 thời kỳ hậu Brexit sau hai người tiền nhiệm là ông David Cameron và bà Theresa May.

Vĩ đại như Churchill hay thảm bại như May? - Ảnh 1.

Vẫn còn nhiều nghi ngờ về khả năng tân Thủ tướng Anh Boris Johnson có thể lèo lái nước Anh ra khỏi khủng hoảng Brexit - Ảnh: Reuters

Là chính trị gia gây nhiều tranh cãi trong nền chính trị Anh và lên nắm quyền vào một thời điểm không thể khó khăn hơn. Nếu thành công, ông Johnson sẽ được vinh danh bên cạnh những thủ tướng vĩ đại như Winston Churchill hay Margaret Thatcher. Nếu không, ông cũng sẽ đi vào vết xe đổ như hai người tiền nhiệm của mình.

Vậy những thách thức nào bủa vây ông Johnson, một chính khách dù gây tranh cãi nhưng cũng đầy kinh nghiệm chính trị với những nhiệm kỳ từng làm thị trưởng London và ngoại trưởng Anh?

Brexit, Brexit và Brexit

Lý do lớn nhất đã đưa ông trở thành thủ tướng và cũng là thách thức gai góc nhất ông cần phải xử lý là vụ ly hôn Brexit với Liên minh châu Âu (EU). Thành công hay thất bại sẽ quyết định đến tương lai của nước Anh cũng như quan hệ với EU sau này.

Liệu rằng ông Johnson có khả năng thúc đẩy hòa giải trong chính trị nội bộ, tìm kiếm được đồng thuận trong quốc hội về thỏa thuận Brexit đã ký với EU sau khi người tiền nhiệm của ông là bà May đã 3 lần thất bại khi đưa thỏa thuận này ra bỏ phiếu tại quốc hội.

Với khả năng linh hoạt về chính trị hơn so với bà May, ông Johnson được xem là có khả năng đưa nước Anh thoát ra khỏi tình thế tiến thoái lưỡng nan lúc này. Nhưng với một Đảng Bảo thủ cầm quyền đang chia rẽ và một quốc hội mâu thuẫn, việc kiếm được sự ủng hộ cho thỏa thuận này là một nhiệm vụ không dễ dàng.

Và nếu không được quốc hội thông qua, liệu rằng ông Johnson có thể thuyết phục được các nước thành viên EU đồng ý đàm phán lại thỏa thuận như chính ông cũng đã thừa nhận là việc đàm phán lại thỏa thuận với EU là giải pháp tối ưu trong lúc này.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng khẳng định không thể có khả năng đàm phán lại thỏa thuận với Anh với những thay đổi như ông Johnson đã cam kết với cử tri Anh. EU có nhiều việc phải làm hơn là chỉ chạy theo đàm phán với Anh.

Trong trường hợp như vậy, rất có thể nước Anh rút ra khỏi EU mà không có thỏa thuận - "Brexit cứng". Và nếu Brexit cứng vẫn không thể thành hiện thực thì không loại trừ nước Anh sẽ buộc phải tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân mới hoặc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới.

Đồng minh xuyên Đại Tây Dương

Trong lúc quan hệ với EU đang gặp nhiều khó khăn, không khó để nhận thấy nước Anh mong muốn tìm kiếm sự ổn định trong quan hệ với Mỹ - đồng minh thân cận nhất về cả kinh tế và chính trị. Dường như với sự ra đi của bà May và việc ông Johnson lên nắm quyền, cơ hội để củng cố "mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương" này lại mở ra cho nước Anh.

Dưới thời thủ tướng May, quan hệ đồng minh "cơm chẳng lành, canh không ngọt". Sau sự cố lộ điện tín của đại sứ Anh tại Mỹ, ông Trump thậm chí đã lên Twitter để bày tỏ thái độ "tin tốt đối với nước Anh. Tuyệt vời là họ sẽ sớm có một vị thủ tướng mới", cho thấy ông cũng muốn cài đặt lại quan hệ với nước Anh.

Cả ông Trump và ông Johnson là những chính trị gia dân túy có nhiều điểm tương đồng với nhau nhưng không có nghĩa là giữa hai ông sẽ có mối quan hệ tốt đẹp. Mặc dù ông Trump đã lên Twitter gửi lời chúc mừng đến ông Johnson: "ông ấy sẽ rất tuyệt vời" nhưng đối với Tổng thống Trump thì mọi việc sẽ không chỉ đơn giản như vậy.

Ngay cả ông Johnson cũng hiểu được những khó khăn này khi thừa nhận một thỏa thuận thương mại với Mỹ dù rất có lợi cho kinh tế Anh nhưng không thể đạt được "một sớm một chiều" và đàm phán giữa hai bên sẽ rất "khó khăn". Một thỏa thuận thương mại dưới thời của Tổng thống Trump chắc chắn sẽ đòi hỏi phải có những nhượng bộ đáng kể từ phía Anh.

Dù là một chính trị gia nhiều kinh nghiệm nhưng những thay đổi chính sách đột ngột, những phát biểu đối lập nhau và việc luôn muốn là tâm điểm của dư luận khiến ít người dám dự đoán ông Johnson sẽ thành công.

Chính ông Johnson cũng thừa nhận trong cuộc họp công bố kết quả bầu thủ tướng của Đảng Bảo thủ ngày 23-7: "Tôi biết là nhiều người ở đây sẽ nghi ngờ về sự sáng suốt trong quyết định của mình và những người khác vẫn còn băn khoăn về việc mình đã làm".

Brexit đã buộc hai thủ tướng phải từ chức, liệu ông Johnson có thể đưa nước Anh ra khỏi Brexit suôn sẻ hay cũng sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo của Brexit?

Các mối bận tâm khác

Nhưng không chỉ có những mối quan hệ lớn với EU và với Mỹ, còn có nhiều vấn đề đau đầu khác mà ông Johnson sẽ phải đối mặt ngay sau khi lên nhậm chức.

Cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh với Iran chỉ vài ngày trước đây khi 2 tàu của Anh bị Iran bắt giữ sẽ là bài toán thử đầu tiên đối với ông Johnson. Làm thế nào để lèo lái khéo léo mối quan hệ của Anh với Iran cũng như với Mỹ, tránh cho nước Anh rơi vào tâm điểm trong bối cảnh đối đầu Mỹ - Iran ngày càng hiện hữu hơn.

Đồng thời với việc quan hệ với EU gặp nhiều trắc trở và sự bất ổn định trong quan hệ với Mỹ, một nước Anh thời kỳ hậu Brexit đang tìm cách mở rộng hơn không gian đối ngoại của mình với việc hướng mạnh hơn ra bên ngoài, trong đó có khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng việc rút ra khỏi EU đã làm đứt gãy nhiều thỏa thuận giữa Anh với các nước trong khuôn khổ EU và việc bắt đầu lại sẽ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực.

Từ nhà báo khác người trở thành thủ tướng Anh Từ nhà báo khác người trở thành thủ tướng Anh

TTO - Bojo - cách gọi thân mật của tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, từng là nhà báo đặc phái của tờ Daily Telegraph tại thủ đô của Liên minh châu Âu trong thập niên 1990.

TÔ HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên