Ba vấn đề VFF cần mổ xẻ “VFF phải nhìn thẳng vào sự thật”
Sau cuộc họp, nhiều người bức xúc nói rằng: “Không thể chấp nhận được. VFF đã diễn quá trắng trợn để cứu ông Tuấn, đồng thời thí chốt là HLV Goetz”.
Chúng tôi đã hỏi lại những người bức xúc rằng nếu chấp nhận cho ông Tuấn lui về Tổng cục TDTT thì ai sẽ là người thay thế xứng đáng? Không ai trả lời được câu hỏi này. Chúng ta nên nhớ lịch sử của VFF chưa bao giờ yên ắng, người này đi thì người khác thay cũng không hơn gì. Cứ loay hoay quanh mấy cái tên quen thuộc.
Như ông Phạm Ngọc Viễn, người bị ép từ chức vì sai phạm, gây thiệt hại 197.000 USD để đền bù cho HLV Letard, thì cũng lui về “ở ẩn” tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1, rồi nay đã trở lại ngồi ghế phó chủ tịch VFF.
Cái gốc của vấn đề VFF không phải ở cụ thể ông Hỷ, ông Tuấn hay ông Viễn, mà chính là cách thức tổ chức bộ máy của một liên đoàn thể thao đã không thu hút được những người tài thật sự ngồi vào đấy. Bao nhiêu năm nay, cách tổ chức VFF vẫn cứ bị đóng khung trong nội bộ ngành thể thao, hay nói chung là người của Nhà nước.
Nhìn rộng hơn, chúng ta sẽ thấy câu chuyện này là mẫu số chung của thể thao Việt Nam, thể hiện ở tất cả các liên đoàn. Xin nhắc lại hai câu chuyện cũ để chứng minh: ông Phạm Phú Ngọc Trai, một doanh nhân có tiếng, từng “khích” cán bộ ngành thể thao đang ngồi các ghế trong Liên đoàn Bóng chuyền hãy dũng cảm rời hẳn ghế nhà nước để làm cho liên đoàn và được trả lương rất cao.
Chẳng ai dám làm như thế cả, và ông Trai đã phải ngậm ngùi từ chức chủ tịch. Hay doanh nhân Hà Thanh Hùng cũng từ chức chủ tịch Liên đoàn Quần vợt vì đầu hàng các cán bộ nhà nước ngồi trong đó.
Vì vậy, ngày nào còn chưa thay đổi được cái gốc là cách thức tổ chức một liên đoàn cứ đóng khung về mặt nhân sự với những người của Nhà nước đưa sang, chưa huy động được tiềm lực xã hội thì khi ấy các liên đoàn (không riêng gì bóng đá) vẫn còn yếu kém.
Mấy hôm nay, theo dõi trên các diễn đàn của những người yêu bóng đá, tôi thấy mọi người lao xao theo một câu chuyện như thế này: Hôm 20-12, báo Marca của Tây Ban Nha giật tựa một bài viết rằng “Raul và Soldado là cầu thủ Việt Nam?”. Nội dung bài báo chê trách HLV đội tuyển Tây Ban Nha về việc không gọi hai tiền đạo Raul với Soldado vào đội tuyển.
Tác giả hàm ý mai mỉa rằng Raul với Soldado đâu tệ như cầu thủ Việt Nam, sao lại không gọi vào đội tuyển. Nên nhớ đây không phải là lần đầu tiên bóng đá Việt Nam bị “bêu riếu”, mà trước đó “người đặc biệt” Mourinho khi xem xong một trận đấu dở tệ ở La Liga đã phát biểu với báo chí rằng “đá thế này thì thà đi xem bóng đá Việt Nam”!
Trong lúc cơ chế chưa cho phép có được một VFF thật sự mạnh, với những con người có tài quản lý bóng đá thật sự, chỉ mong sao những người đương nhiệm tại tổ chức này hãy biết tự ái trước cách nói thiếu tôn trọng bóng đá Việt Nam như đã kể trên.
Có tự ái thì mới dốc hết sức để đưa bóng đá nước nhà phát triển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận