Ảnh: H.T.K.
Thuộc vào những tiểu thuyết kinh điển của Philip Roth, Vết nhơ của người không thiếu thứ làm nên đặc trưng của tác giả: sự giận dữ. Cơn giận của Coleman Silk đầy hàm oan, cơn giận của một xã hội đang say máu để chứng tỏ mình là người "đạo đức".
Trong cuốn tiểu thuyết đồ sộ này, một xã hội Mỹ "không thể chịu nổi" hiện ra với tất cả những vinh quang và cay đắng của nó. Ở đó, những con người vật lộn để tồn tại trong một đất nước giàu có và hãnh tiến, nơi mà từ trí thức đến những người lao động chân tay đều mang trong mình một bí mật, trở thành điểm chí tử buộc họ phải ra sức che giấu.
Họ khoác lên mình những lớp điểm trang, đeo lên chiếc mặt nạ và sống cả đời với những nỗi dằn vặt về thân phận.
Đôi mắt của Roth dịch chuyển suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ hiện đại từ thời Chiến tranh lạnh đến năm đầu tiên của thế kỷ XXI. Bằng giọng văn đầy mỉa mai, nhà văn lột bỏ lớp mặt nạ của đất nước mà mới phút trước còn đầy rẫy những kẻ phân biệt chủng tộc, thoắt cái đã biến thành ngọn cờ đầu của chống phân biệt chủng tộc.
Có lẽ người khó chịu nhất khi đọc cuốn sách này là một cựu tổng thống khi ông liên tục bị chọc ngoáy và bị chọc trúng. Nhưng đó mới chính là Roth, trong cuộc "thanh tẩy" này không ai được tha hết, từ lãnh đạo tối cao đến tầng lớp bần cùng của xã hội. Trong thế giới đó, thiện - ác không phải đứng ở hai chiến tuyến mà chồng lấn lên nhau.
Từ phạm nhân đến đao phủ đều mang tội. Từ "lũ ma" trở đi trở lại nhiều lần trong tiểu thuyết này như một sự ám chỉ đến chứng "sợ ma" của người Mỹ, lúc nào cũng sợ những bóng ma mang tên Chiến tranh lạnh, bóng ma mang tên chủng tộc cứ vây bám lấy mình.
Philip Roth qua đời năm 2018, để lại một sự nghiệp đồ sộ. Nhiều độc giả vẫn muốn giải Nobel văn chương "sửa sai" và phá lệ trao cho Roth. Vết nhơ của người được Philip Roth viết khi ngấp nghé tuổi bảy mươi, nhưng vẫn không đánh mất chút nào thứ năng lực gây hấn, sẵn sàng sấn sổ vào bất kể chủ đề cấm kỵ nào.
Từ ngoại ô đến thành thị, Roth không cho xã hội ấy được thoải mái trong cái yên ổn tạm bợ mà quyết khơi lên những "vết nhơ" buộc chúng phải đối diện, phải nghe những lời khó nghe, phải chịu sự "thanh tẩy" mà chúng đã bắt đầu.
Vết nhơ của người (2000) là cuốn được viết sau cùng trong bộ tiểu thuyết ba cuốn thường được gọi là "Bộ ba Mỹ" (The American Trilogy) của Philip Roth, như một lần sau rốt ngoái đầu nhìn lại quá khứ, và hết thảy những điều vĩ đại và hèn mọn đã góp nhau hình thành nên diện mạo nước Mỹ hôm nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận