24/10/2006 06:09 GMT+7

Về vùng lúa nổi trời cho

Thạc sĩ TRẦN VĂN MÌ (Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, An Giang)
Thạc sĩ TRẦN VĂN MÌ (Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, An Giang)

TT - Vào vùng tứ giác Long Xuyên trong những ngày đỉnh lũ tìm cây lúa nổi, nhiều người lắc đầu “đâu biết nơi nào...”. Quả là khó biết vì từ trên 300.000ha lúa nổi toàn vùng giờ nghe đâu đã tóp lại chỉ còn trên dưới 100ha. Cây lúa mùa nổi hoang dã trời cho đang “chìm” dần...

8P2gzibb.jpgPhóng to
Lão nông Chín Thông bên cây lúa nổi nàng pha - giống lúa gắn bó gần như trọn đời với ông - Ảnh: QUANG VINH
TT - Vào vùng tứ giác Long Xuyên trong những ngày đỉnh lũ tìm cây lúa nổi, nhiều người lắc đầu “đâu biết nơi nào...”. Quả là khó biết vì từ trên 300.000ha lúa nổi toàn vùng giờ nghe đâu đã tóp lại chỉ còn trên dưới 100ha. Cây lúa mùa nổi hoang dã trời cho đang “chìm” dần...

Cây lúa trời cho

Vất vả lắm tôi mới tìm được vài nông dân được xem là còn duyên nợ với cây lúa nổi một thời. Đó là thời kỳ đầu khai hoang vùng tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười. Những năm 1979-1980, lúa nổi đã giúp hàng trăm ngàn hộ dân cầm cự với cái đói sau các cơn hồng thủy.

Nâng một cây lúa nổi lên khỏi mặt nước, ông Mười Cường - Phan Văn Cường, nông dân ở xã Lương An Trà (Tri Tôn, An Giang), nói như khoe: “Đây là cây lúa có một không hai, thân cao như cây sậy, ít sâu bệnh, đại hồng thủy cũng không chết”.

Theo các nhà khoa học nông nghiệp Nguyễn Văn Sanh, Võ Tòng Xuân và Trần An Phong (1998), căn cứ các di tích được tìm thấy gần đây, các nhà khảo cổ VN và nước ngoài đã tìm thấy những hạt lúa ở vùng văn hóa Óc Eo ở độ sâu 3m.

Những hạt lúa này có thể phân thành hai loại lúa: Oryza saltiva và Oryza prosative. Những cây lúa của hai loại này được người Óc Eo trồng và có liên quan đến các giống lúa nổi ngày nay.

Các giống lúa nổi hiện còn ở xã Lương An Trà bao gồm tây bông dừa, bông sen, nàng pha, tây đùm, chệt cụt, nếp tràm.

Tôi hỏi còn bao nhiêu người trồng lúa nổi, ông bảo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Để minh chứng cho sức vươn lên mạnh mẽ của giống lúa có cái tên rất đẹp nàng pha đang đưa mình trên mặt nước, ông Mười Cường chèo xuồng chỉ tay về hàng tràm đang bị ngập tới ngọn nói: “Tất cả đều chìm dưới lũ, chỉ có lúa nổi là vươn lên”. Nếu bấm dấu tay vào thân lúa làm dấu sẽ đo được cây lúa trồi lên cả tấc theo mực nước lũ mỗi ngày.

Đi tìm nguồn gốc cây lúa hoang độc đáo này, chúng tôi đến gặp lão nông Chín Thông - Võ Văn Thông, ở gần UBND xã Lương An Trà. Đã 95 tuổi nhưng da dẻ ông hồng hào, tinh mắt, thính tai. Vừa thấy tôi cầm bó lúa ông nói ngay: “Nàng pha đấy!”.

Tất cả giống lúa nổi, theo ông Chín, “đều có từ lúc khai thiên lập địa”. Hằng năm vào các ngày rằm, tết, nông gia vẫn làm bánh tét bằng gạo lúa nổi cúng trời đất, tạ ơn ông bà. Năm nào ông Chín cũng trồng 4 công đất lúa nổi để ăn và trữ giống. Lúa nổi bây giờ đã trở thành hàng đặc sản ngon bổ, trị bệnh. “Có tiền cũng chưa chắc có lúa nổi để mua. Tôi nhờ ăn gạo lúa nổi dẻo cơm trợ tiêu hóa mà sang sảng như vầy!” - ông Chín cười nói.

Cô Út Liên, con gái ông Chín, đang vo gạo chuẩn bị cơm chiều ngoắc tôi lại cho xem hạt gạo lúa nổi. Cắn đôi hạt gạo, cô nói bây giờ tìm đâu ra hạt lúa màu cẩm thạch, huyết dụ này, chỉ với nước cơm vo mà chị em cô có làn da mặt mịn màng, không cần đến kem phấn.

Chuyện bất đắc dĩ!

Võ Hồng Nam, chủ tịch Hội Nông dân xã Lương An Trà, hướng dẫn chúng tôi ra khu vực nam kênh Vĩnh Tế 3, nơi có những nông dân cuối cùng trong xã trồng lúa nổi. Nam bảo từ năm 2002 đến nay, diện tích lúa nổi đã giảm dần từ 5.000ha xuống còn khoảng 80ha. Đồng lúa nổi bây giờ đìu hiu, phân bố lẻ tẻ như da beo.

* Lúa nổi có đặc tính đa dạng sinh học với nhiều dạng giống lúa, mỗi loại lại có nhiều đặc tính cơ bản khác nhau và đều có nguồn gốc hoang dã từ cây lúa hoang.

* Lúa nổi có những bộ gen quí như gen chống ngập sâu, chống được sâu bệnh, gen cho hạt gạo có độ dẻo, thơm, ngon cơm và nhiều vitamin có lợi cho cơ thể (trị được các bệnh dạ dày, tê tay chân, bệnh tim…).

* Có đặc tính thân thiện với môi trường vì khi canh tác nông dân không cần sử dụng phân hóa học nên không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học. Do đó không gây ô nhiễm môi trường sinh thái và bản thân cây lúa cũng mang đặc tính sạch.

Trong vùng nhiều nông dân kỳ cựu như Ba Hợp, Tư Trung, Tư Hia cũng đang tính chuyện bỏ hẳn lúa nổi để chuyển sang trồng lúa mùa 2-3 vụ. Nguy cơ mất giống lúa chỉ còn trong ngày một ngày hai, ai cũng tiếc, lo. Ông Tư Trung nhớ lại mấy năm trước có công ty về xã hợp đồng mua mỗi chuyến 7-8 tấn lúa nổi để xay chế biến làm bột nhi đồng xuất khẩu, nhưng nay doanh nghiệp đó đã biệt tăm.

Thỉnh thoảng vẫn có người phương xa đến ấp Cà Na hỏi mua gạo đặc sản tây đùm, tây bông dừa, chệt cụt về ăn nhưng rất hiếm có gạo để mua. “Nông dân trồng lúa nổi vẫn đang nuôi hi vọng đến ngày nào đó sẽ có người “bắt tay” đầu tư bao tiêu sản phẩm cây lúa đặc sản quí hiếm này” - ông Tư Trung nói.

Vẫn nuôi hi vọng nên có những nông dân đã đưa ra nhiều cách duy trì, phát triển lúa nổi nhưng chẳng đến đâu vì làm gì có vốn liếng. Riêng với ông Tư Hia, trong 5-6 tháng mùa lũ đã trồng 1,5ha lúa nổi, kết hợp khai thác đánh bắt cá đồng dưới chân ruộng đã cho thu nhập 16-17 triệu đồng. Ông đang tính làm đê bao trồng lúa nổi và nuôi cá cho mùa lũ sau. “Mất lúa nổi, mất hệ sinh thái vốn có là mất luôn nguồn cá thiên nhiên”, ông Tư Hia nói.

Bảo tồn “mỏ gen quí”

Thạc sĩ Trần Văn Mì, trưởng Phòng Nông nghiệp & phát triển nông thôn huyện Tri Tôn (An Giang), cho biết hiện nay Viện nghiên cứu hệ thống canh tác Trường đại học Cần Thơ đang lưu trữ bộ giống lúa nổi trong ngân hàng giống của viện.

Thông tin trên thế giới cũng cho thấy nhu cầu về sản phẩm lúa sạch, thực phẩm sạch rất lớn... Thế nhưng diện tích lúa nổi đã thu hẹp quá nhanh. Nông dân phải chuyển đổi thôi vì từ năm 2002 đến nay lúa hai vụ luôn có giá cao và ổn định, trong khi năng suất lúa nổi thấp, chưa bằng phân nửa lúa thường mà giá chỉ cao hơn 100-200 đồng.

Nhiều lần tại các cuộc họp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Mì đã cảnh báo sẽ mất “mỏ gen quí hiếm”. Lãnh đạo tỉnh đã ủng hộ ý tưởng của ông và khuyến khích ngành nông nghiệp nên tìm nhà tài trợ để xây dựng dự án khôi phục và phát triển cây lúa nổi.

Thạc sĩ Võ Tòng Anh, trưởng khoa nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH An Giang, đã viết xong dự án “Khôi phục và phát triển lúa mùa nổi tại An Giang”. “Hi vọng Viện Nghiên cứu giống lúa quốc tế (IRRI) sẽ hợp tác đầu tư tìm hướng ra cho sản phẩm lúa sạch này. Sẽ đến ngày lúa nổi ở tứ giác Long Xuyên có thương hiệu và trở thành đặc sản sạch độc đáo ở vùng hạ lưu sông Mekong” - ông Mì lạc quan nói.

Thạc sĩ TRẦN VĂN MÌ (Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn, An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên