16/02/2013 07:36 GMT+7

Về với hội làng

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Không đi hội Lim mà về Diềm nghe quan họ, không đi chùa Hương mà đi xem vật cầu, nấu cơm thi. Du xuân và về với hội làng đang dần trở thành một xu hướng...

tcHqVEiA.jpgPhóng to
Hội làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) đông mà vui - Ảnh: Việt Dũng

Tránh xa những lễ hội ken đặc người, những bát phở có giá “cắt cổ”, tiếng loa chát chúa, nhiều người đã tự tìm về những lễ hội làng - nơi vẫn giữ được nét nguyên sơ, giản dị và chưa bị thương mại hóa.

Lọt thỏm giữa những khu đô thị mới sầm uất phía tây thành phố, làng Thị Cấm (xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) vẫn giữ vẹn nguyên nét làng trong phố. Mồng 8 tháng giêng, già trẻ gái trai trong làng mở hội thổi cơm thi. Thóc được trồng trong khoảnh ruộng riêng của làng, mỗi năm thu hoạch để dành cho việc mở hội. Những người vốn đã quen với bếp gas, bếp điện giờ phải tự bó rơm, mài ống tre khô với mùn cưa và rơm để tạo lửa nấu cơm, rồi hồi hộp chờ kết quả do các cụ cao niên trong làng chấm. Cả chủ và khách đều được làng mời một ít cơm đoạt giải, trắng dẻo và thơm. Lần đầu đến xem hội thổi cơm, không ít người còn ngỡ ngàng vì dịch vụ trông xe miễn phí, dưới mái đình có người mời nước mời trầu. Cụ Trần Văn Nghĩa (xã Xuân Phương) chia sẻ: “Bao năm lệ làng vẫn vậy. Chỉ có bây giờ con cháu về nhiều hơn thì làng mở rộng sân đình cho rộng rãi”.

Hội rước pháo làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) mở vào mồng 4, lúc nhiều người vẫn đang say men tết. Ấy vậy mà Đồng Kỵ năm nào cũng đông người về dù pháo đã bị cấm từ lâu lắm rồi. Cũng có chút chen lấn, xô đẩy nhưng tan hội ai cũng hỉ hả ra về vì thưởng thức được trò hay. Làng Đồng Kỵ nổi tiếng giàu có nhưng có lẽ đây là ngôi làng hiếm hoi giữ trọn được những nét truyền thống cổ cho lễ hội dù vẫn cố gắng thích nghi với những yếu tố hiện đại. Theo PGS.TS Lương Hồng Quang (Viện Văn hóa nghệ thuật VN), những người tổ chức lễ hội Đồng Kỵ đã cân đối được yếu tố truyền thống và hiện đại. Chính các bô lão trong làng đã đấu tranh để giữ lại lễ hội của mình và nhận được sự đồng thuận của cộng đồng. Đồng Kỵ trước đây không có nhà truyền thống, nhưng giờ họ đã xây dựng và các cây pháo lớn, bát nhang dùng trong lễ hội được để tại đó. Việc rước các quan đám và rước pháp cũng đơn giản hơn để phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.

Lễ vật cầu làng Thúy Lĩnh (Hoàng Mai, Hà Nội), hát ghẹo hay lễ Trò Trám (Phú Thọ)... cũng đều thu hút nhiều người lặn lội đường xa về tham dự. Không có trò chơi ăn may lấy tiền, không có giá trông gửi xe “cắt cổ” hay anh cán bộ văn hóa huyện cầm kịch bản chỉ đạo các cụ cao tuổi... thì hội làng đích thực là của người dân.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên