14/05/2005 07:58 GMT+7

Về tình trạng tăng tiết học: Sở GD-ĐT TP.HCM kiên quyết giải quyết từ gốc

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Mùa thi, mùa “tăng tốc” ở các trường. Những lớp học đến tận 23 giờ đêm; những vất vả, căng thẳng của “đoạn trường” thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh của học trò cuối cấp. Thế nhưng căn bệnh trầm kha này vẫn chưa có thuốc chữa hiệu quả.

4oTgZoWL.jpgPhóng to
Chấm dứt nạn tăng tiết là ước mơ của nhiều học sinh
Mùa thi, mùa “tăng tốc” ở các trường. Những lớp học đến tận 23 giờ đêm; những vất vả, căng thẳng của “đoạn trường” thi cử đã trở thành nỗi ám ảnh của học trò cuối cấp. Thế nhưng căn bệnh trầm kha này vẫn chưa có thuốc chữa hiệu quả.

Chúng tôi đã đặt những bức xúc của PHHS với ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.

* Thưa Phó Giám đốc, theo phân phối chương trình của Bộ GD-ĐT, giữa tháng 5 mới kết thúc các môn học nhưng thực tế nhiều trường đã gấp rút hoàn thành các môn học phụ từ tháng 3, thậm chí có trường “đánh nhanh, rút gọn”, cuối học kỳ 1 là xong chương trình. Dư luận đặt câu hỏi: Sở GD-ĐT TP không biết hay Sở bật đèn xanh cho các trường?

- Trước khi Bộ GD-ĐT có văn bản nhắc lại việc thực hiện niên chế năm học, Sở GD-ĐT TP có chỉ đạo đến các trường học thực hiện nghiêm túc việc phân phối chương trình, không được cắt xén chương trình, dạy dồn các môn không thi. Nhưng trên thực tế, địa bàn TP.HCM rộng, số trường nhiều, điều kiện theo sát quản lý chưa nắm bắt được đầy đủ, do vậy PHHS phản ánh nơi này nơi kia dạy trước chương trình, tôi nghĩ vẫn có.

* Thanh tra Sở có kiểm tra các trường? Việc kiểm tra này theo kế hoạch hay theo đơn thư phản ánh?

- Ngoài thanh tra theo định kỳ, theo đơn thư phản ánh, bộ phận thanh tra còn đi theo chỉ đạo của Giám đốc Sở. Nhìn chung, số lượng trường được thanh tra cũng không nhiều lắm.

* Đã có đơn vị nào tăng tiết quá quy định, dạy dồn tiết, cắt xén chương trình bị xử lý?

- Biện pháp chủ yếu vẫn chỉ là nhắc nhở. Đây là vấn đề sẽ được lãnh đạo Sở bàn để có hướng chỉ đạo có hiệu quả hơn trong năm học tới.

* Vì sao Sở không xử lý kiên quyết ngay từ bây giờ, khi mà tăng tiết tràn lan đè nặng lên vai các em, ảnh hưởng đến sức khỏe HS?

- Nói thật lòng, việc ban hành văn bản, quy định các hình thức xử lý vi phạm không khó. Cái khó là hiệu quả văn bản, là kiểm tra việc thực hiện như thế nào. Chúng tôi sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề tăng tiết, tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục có hiệu quả cho năm học tới. Kiên quyết không để tình trạng tăng tiết tùy tiện, phản khoa học làm khổ HS.

* Không xét đến góc độ kinh tế (tăng tiết có thu tiền), chúng tôi biết ngay cả người thầy cũng vất vả, khổ sở không kém gì trò. Nhưng nếu đặt mình ở vai trò PHHS, hẳn ông sẽ thấy “đoạn trường học thi” khổ sở như thế nào?

- Không chỉ riêng tôi mà anh em ở Sở cũng bức xúc về tình hình tăng tiết. Trường nào bắt HS học bài đến khuya thì tôi thấy đó là cách làm phản KH, cần phải chấn chỉnh. Nhưng, nếu tăng tiết có mức độ để dành thời gian ôn tập cho HS, xem đây là nhiệm vụ giáo viên, không thu tiền và phải được PHHS đồng tình thì đáng ghi nhận và trân trọng. Mặt khác, một bộ phận HS yếu, lười học, bố mẹ bận rộn công tác không có thời gian chăm lo cho các em nên nhiều trường đã hỗ trợ gia đình bằng cách quản lý các em giờ trái buổi…

* Thưa ông, Sở có đặt chỉ tiêu tốt nghiệp cho các trường?

- Sở chỉ đặt nặng vấn đề dạy học, coi thi, chấm thi nghiêm túc chứ không đòi hỏi về chỉ tiêu tốt nghiệp. Nhưng xã hội vẫn nhìn tỉ lệ tốt nghiệp để đánh giá trường dạy tốt hay không tốt. Điều này vô tình thúc đẩy các trường phải áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo tỉ lệ tốt nghiệp cao hơn hoặc ít nhất phải bằng với năm trước.

* Phải chăng vì chạy theo thành tích mà các trường ép HS tăng tiết, dạy trước chương trình?

- Phân phối chương trình của Bộ tính toán sau một chương có củng cố kiến thức, ôn tập, kiểm tra; bản thân HS chủ động ôn cái cũ, học cái mới. Đó là trên lý thuyết, còn thực tế thì số HS tự chủ động ôn tập không nhiều. Trong khi đó, nhà trường chịu nhiều áp lực.

* Vậy theo ông, giải quyết đồng bộ như thế nào?

- Phải quay lại nguồn gốc vấn đề, từ chương trình, sách giáo khoa, phân phối chương trình, năng lực giáo viên, thi cử, tổ chức quản lý dạy và học, tìm ra chỗ hạn chế, yếu kém để kiên quyết khắc phục. Tốt nhất, nên học môn nào thi môn nấy, hình thức thi như thế nào cho phù hợp với từng môn, có môn thi trắc nghiệm khách quan, có môn thi tự luận với thời lượng phù hợp.

Có như thế các trường mới dạy đủ các môn. Luật Giáo dục quy định mục tiêu giáo dục là toàn diện, nhưng với việc chỉ thi một số môn tốt nghiệp như hiện nay thì khó mà nói toàn diện được.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên