Phóng to |
Địa đạo Đám Toái, thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) |
Từ khách sạn Mỹ Trà nằm ở bờ bắc cầu Trà Khúc (Quảng Ngãi), theo hướng đông, đi qua những xóm nhà và những cánh đồng bạt ngàn xanh chừng 20km, bạn sẽ đến khu vực cửa biển Sa Kỳ. Từ đây, theo con đường đất đỏ đi về phía bắc chừng vài cây số rồi rẽ ngoặc sang hướng đông, qua những rặng đồi thấp và thêm chừng 1km nữa là đến địa đạo Đám Toái.
Địa đạo nằm trên đồi cao, sát mé biển, khuất trong vòm cây xanh. Mùa hạ cũng như mùa đông đều nghe tiếng sóng biển vọng về, như ru giấc những người xa khuất. Thắp một nén hương dưới chân tượng đài, trên những nấm mồ liệt sĩ, đọc những dòng chữ trong nhà bia tưởng niệm rồi đi vào lòng đất, bạn sẽ hiểu hơn cuộc chiến đấu ngoan cường đầy chất bi hùng của các y bác sĩ, thương bệnh binh một thời.
Phóng to |
Thắp hương dưới chân tượng đài ở địa đạo Đám Toái |
Cùng nhiều địa đạo ngang dọc khác trong lòng đất thôn Phú Quý, địa đạo Đám Toái được đào năm 1947 để đáp ứng cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong thời chống Mỹ, địa đạo được mở rộng và đào dài thêm. Từ năm 1962-1965, Quân khu 5 và Tỉnh đội Quảng Ngãi đã quyết định chọn địa đạo Đám Toái để đặt trạm phẫu thuật tiền phương, mang mật danh A 100 để cứu chữa cho thương bệnh binh huyện Đông Sơn (cũ) gồm các xã vùng đông của hai huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh.
Sau chiến thắng Vạn Tường - trận đầu diệt Mỹ quy mô lớn ở miền Nam diễn ra ngày 18-8-1965, bộ đội chủ lực Quân khu 5 phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đã loại khỏi vòng chiến 919 lính Mỹ và nhiều phương tiện chiến tranh, địa đạo Đám Toái trở thành nơi tiếp nhận thương binh trước khi chuyển lên vùng căn cứ phía tây Quảng Ngãi.
Thua đau trong trận Vạn Tường, quân đội Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc càn quét dữ dội ở vùng đông huyện Bình Sơn, trong đó xã Bình Châu - địa đạo Đám Toái trở thành một trong những địa bàn trọng điểm.
Phóng to |
Ngày 9-9-1965, quân đội Mỹ đổ bộ vào bãi biển Ba Làng An rồi càn lên đồi Phú Quý.
Chúng đã bắt được y sĩ Lâm và y tá Lệ ngay cửa địa đạo rồi dùng loa kêu gọi tất cả lên hàng. Đáp lại lời chúng là những tràng súng AK đanh thép phát ra từ cửa địa đạo. Biết không thể khuất phục được ý chí chiến đấu ngoan cường của quân ta, trưa cùng ngày, địch đã dùng một lượng thuốc nổ khá lớn đánh sập địa đạo.
Sau khi quân đội Mỹ rút đi, những người dân trong làng Phú Quý đã đi tìm những mảng thi thể còn lại của y sĩ Lâm và y tá Lệ chôn vào nấm mộ chung. Biết không thể nào khai quật địa đạo được, dân làng nghĩ cách đắp thêm đất phía trên địa đạo thành một nấm mộ chung ngoằn ngoèo gợi hình con rồng. Trong ngày tết, bà con ra thắp hương trên nấm mộ chung tưởng nhớ những liệt sĩ đã khuất.
Phóng to |
Nấm mộ chôn chung của y sĩ Lâm và y tá Lệ |
Phóng to |
Thắp hương trên những nấm mộ liệt sĩ ở địa đạo Đám Toái |
Địa đạo Đám Toái đã được Quân khu 5 và tỉnh Quảng Ngãi khai quật vào năm 1977 phát hiện 64 hài cốt các y bác sĩ, thương bệnh binh rồi quy tập xây dựng thành khu mộ các liệt sĩ trong khuôn viên địa đạo cùng với nấm mộ chung của y sĩ Lâm và y tá Lệ. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã phục dựng địa đạo, xây dựng tượng đài gợi hình y sĩ Lâm và y tá Lệ trước lúc hi sinh cùng nhà bia tưởng niệm. Đồng thời, lập hồ sơ và đã được Bộ Văn hóa thông tin (cũ) công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào năm 1991.
Địa đạo Đám Toái thường ngày vẫn đón những cựu chiến binh từng chiến đấu ở chiến trường huyện Đông Sơn về thăm, viếng mộ, những bạn trẻ trong những chuyến tìm về địa chỉ đỏ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Quảng Ngãi.
Ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch địa đạo Đám Toái thành điểm du lịch trong tuyến du lich bờ bắc sông Trà Khúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận