22/10/2018 15:37 GMT+7

Vệ sinh răng bằng bàn chải kẽ

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Bàn chải kẽ răng là một bàn chải nhỏ được thiết kế đặc biệt để làm sạch khe kẽ giữa các răng - vị trí mà bàn chải thông thường không tác động được.

Vệ sinh răng bằng bàn chải kẽ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: BVTWQĐ 108

Nhiều người than phiền với nha sĩ "tôi bị giắt răng nhiều đến mức không muốn nhai vào răng đó nữa", "có thể hàn kín khe lại cho khỏi giắt thức ăn được không"…

Thói quen dùng tăm tre xỉa răng gây hiện tượng nong rộng khe giữa 2 răng, tăm có thể không được khử trùng tốt sẽ gây viêm kẽ, việc dùng tăm lâu ngày cộng với sự thoái hóa xương ổ răng sẽ làm cho khe giữa các răng ngày càng rộng và giắt nhiều thức ăn khi nhai, đặc biệt là các chất xơ. Khi ăn, các thức ăn mềm, dẻo… sẽ dễ dàng mắc kẹt vào các kẽ răng, gây ra cảm giác khó chịu. Mọi người dùng tăm để "chọc" các thức ăn ấy ra. Do không xuyên qua được khe hẹp giữa 2 răng, chúng ta tìm cách xỉa qua phần cổ răng (phần tiếp giáp giữa răng và nướu). Chỗ này có 1 khe hình tam giác, được lấp đầy bởi mô mềm gọi là nhú lợi. Do đầu tăm có kích cỡ lớn hơn các kẽ răng nên việc này sẽ làm các khe răng ngày càng thưa ra, dẫn tới thức ăn sẽ dễ dàng mắc kẹt lại khe răng hơn, và chúng ta lại dùng tăm để xỉa… Cứ thế tạo thành một vòng xoắn khiến cho xương ổ răng ngày càng tiêu, khe răng ngày càng rộng.

Chính vì vậy, chúng ta nên thay đổi thói quen và dùng bàn chải kẽ để vệ sinh răng.

Bàn chải kẽ răng là một bàn chải nhỏ được thiết kế đặc biệt để làm sạch khe kẽ giữa các răng - vị trí mà bàn chải đánh răng thông thường không tác động được. Đánh răng bằng bàn chải thường chỉ lấy được 60% mảng bám răng ở kẽ răng. Với bàn chải kẽ, làm đúng thao tác có thể lấy sạch 95% mảng bám.

Cấu tạo: Nhiều sợi lông mềm có đường kính đủ rộng, đàn hồi, kết hợp đầu bàn chải bằng thép ở giữa có độ bền và dễ dàng uốn cong để đưa được vào các vị trí khó đưa tới như các răng hàm lớn. Các sợi lông được sắp xếp từ to cho đến nhỏ dần ở đầu bàn chải. Có nhiều kích cỡ khác nhau từ nhỏ đến lớn để người sử dụng tiện lựa chọn. Cỡ càng lớn thì số đo sợi lông cũng càng lớn.

Tác dụng: Loại bỏ mảng bám, vụn thức ăn giữa kẽ răng, giúp ngăn ngừa các bệnh lý nha khoa như sâu răng, viêm lợi, hôi miệng. Riêng với chỉnh nha, bàn chải kẽ còn làm sạch các mắc cài.

Có 2 loại bàn chải kẽ: hình chữ I và hình chữ L. Có thể uốn cong bàn chải chữ I theo một góc mong muốn bằng cách uốn đầu dây kim loại để phù hợp tình trạng răng của từng người.

Bàn chải hình chữ I giúp làm sạch các răng phía trước.

Bàn chải hình chữ L có góc cố định giúp làm sạch các răng phía sau (như răng hàm lớn).

Cách sử dụng: Súc miệng và đánh răng bằng bàn chải thường, sau đó dùng bàn chải kẽ. Vị trí đặt bàn chải kẽ là khoảng trống tạo bởi lợi và khe giữa 2 răng sao cho bàn chải tạo một góc 90O với răng. Chuyển động có thể theo hướng từ ngoài vào trong hoặc ngược lại.

- Xác định kích thước bàn chải phù hợp.

- Bắt đầu ở răng cửa hàm trên với bàn chải chữ I. Thao tác nhẹ nhàng, đưa bàn chải vào khe hình tam giác giữa 2 răng, không cố ấn. Nếu không phù hợp có thể thử với bàn chải kích thước nhỏ hơn. Sau đó di chuyển bàn chải với tốc độ trung bình hết chiều dài rồi theo hướng ngược lại một cách nhẹ nhàng.

- Lặp lại thao tác với các răng cửa hàm dưới bằng bàn chải chữ I.

Nếu thấy thức ăn quấn nhiều vào lông bàn chải, có thể rửa bàn chải.

- Dùng bàn chải chữ L cho răng sau. Hình dạng cán vuông góc giúp luồn bàn chải vào được sâu hơn và xa hơn.

Nên nhúng bàn chải vào kem đánh răng hoặc nước súc miệng để tăng thêm tác dụng làm sạch.

Bàn chải kẽ tương đối dễ sử dụng. Thiết kế có hộp hoặc nắp để có thể thuận tiện mang theo, vệ sinh răng hoặc lấy thức ăn giắt sau mỗi bữa ăn.

Hãy mạnh dạn trình bày vấn đề với nha sĩ để nhận được lời khuyên về cách chọn và sử dụng bàn chải kẽ phù hợp nhất./.

Nguồn: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên