09/10/2011 04:44 GMT+7

Về nơi khởi nguồn con đường huyền thoại

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Sông Gianh (Quảng Bình), sáng 8-10-2011, đoàn đại biểu của “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển - Học kỳ trên biển” đã đến điểm dừng đầu tiên của chặng đường dài 19 ngày đêm vẽ lại con đường huyền thoại.

PCRKJkT4.jpgPhóng to
Ông Phạm Quốc Hùng (phải), trưởng ban liên lạc đường Hồ Chí Minh trên biển tỉnh Quảng Bình, vui mừng gặp lại đồng đội cũ Hoàng Gia Hiếu là thành viên hành trình Hồ Chí Minh trên biển tại cảng Gianh - nơi xuất phát chuyến tàu không số đầu tiên - Ảnh: T.T.D.

160 người “theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”Bắt đầu “Hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển”Vẽ lại con đường huyền thoại trên biển

Vào 51 năm trước, ngày 27-1-1960, đây là nơi con thuyền do đại đội 1 (tiểu đoàn 603 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn) giả danh tập đoàn đánh cá Sông Gianh chở 5 tấn vũ khí rời bến. Đây là chuyến vượt biển đầu tiên từng bước khai phá con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển.

Những chuyến vượt biển không tưởng

Chuyến đi không thành. Tất cả sáu người bị địch bắt nhưng họ đã kịp thả 5 tấn vũ khí xuống biển để xóa dấu vết và giữ bí mật. Địch đưa đi nhiều nhà lao tra tấn dã man nhưng những con người kiên trung ấy không hé lộ bất cứ sơ hở nào về tuyến vận tải biển. Ngày trở về (năm 1973, địch trao trả tù nhân theo thỏa thuận), chỉ còn duy nhất một người.

Đoàn viên thanh niên của hành trình “góp đá”

Dịp này, anh Dương Văn An - bí thư T.Ư Đoàn và đại tá Nguyễn Đức Nho - phó tham mưu trưởng Quân chủng hải quân - cùng đại diện thanh niên, đoàn viên đã đến thăm và tặng quà cho bà Hồ Thị Đức, mẹ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương hi sinh tại khu vực đảo Gạc Ma trong sự kiện ngày 14-3-1988. Buổi chiều, đoàn đã giao lưu với Trường THPT số 3 Bố Trạch. Tại đây, học sinh của trường và đoàn viên, thanh niên của hành trình đã cùng tham gia đóng góp ủng hộ biển đảo và bộ đội Trường Sa qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa”.

Sau tổn thất ấy, Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, thử nghiệm và quyết định thành lập Đoàn vận tải biển 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125 hải quân) vào ngày 23-10-1961.

Bước xuống xe, cựu chiến binh Hoàng Gia Hiếu cầm tay người đồng đội Nguyễn Đắc Thớ khẽ ngâm nga: “Sông Gianh ơi, chiều qua bên chiến hào, hôm nay bên trận pháo; anh công nhân cảng mà nòng súng chắc tay trên những hạm tàu hay trên mâm pháo, chúng ta đã sẵn sàng...”. 50 năm trước, họ từng có mặt ở bến sông Gianh.

Ký ức về sông Gianh của 50 năm xưa trong tâm khảm ông Hiếu là những đêm ở trên tàu chờ dân quân bốc hàng vào kho cất giấu bí mật, nghe tiếng hò của người dân trên ghe thuyền hay đến nao lòng và không muốn ngủ. Người cựu chiến binh hồi tưởng: “Từ tháng 11-1968, tranh thủ mấy tháng địch ném bom hạn chế miền Bắc theo thỏa thuận, ta đã gấp rút huy động tổng lực tất cả các tàu vận tải để chở vũ khí, hàng hóa vào bến sông Gianh. Thời điểm này ta đi - về tự do nên vận chuyển thông cả ngày lẫn đêm. Mỗi tàu đi trên 40 chuyến chỉ trong ba tháng tranh thủ Mỹ ngừng ném bom!”.

Còn ông Thớ tham gia đoàn tàu không số từ khi mới 18 tuổi. Năm 1964, ông Thớ khi đó là thợ máy tàu không số mật danh 641, là thế hệ thứ hai của đoàn tàu không số vào bến sông Gianh. Tàu 641 là một trong số những tàu đi nhiều nhất: 45 chuyến chỉ trong vòng ba tháng, trung bình 2-3 ngày/chuyến. Ký ức về sông Gianh ngày ấy với ông Thớ là những đống hàng chất lên kho cất giấu cao như núi. Số lượng vũ khí này được Đoàn 559 tiếp nhận, chuyển vào chiến trường miền Nam theo đường Hồ Chí Minh dọc dãy Trường Sơn.

Đến năm 1972, Mỹ ngừng bắn theo thỏa thuận, ta lại ồ ạt huy động tổng lực các tàu chuyển vũ khí, hàng hóa. Khi đó, ông Thớ lại cùng đồng đội có mặt trên sông Nhật Lệ (Quảng Bình), cung cấp vũ khí cho chiến dịch giải phóng Khe Sanh và thị xã Quảng Trị (tháng 4-1972).

Con cá kình trên biển

Hôm qua, buổi sáng của hơn 50 năm sau, cũng tại bến sông Gianh này, cái lạnh của cơn mưa đầu tháng 10 vẫn không ngăn được tình cảm nồng ấm của người Quảng Bình đón đoàn đại biểu của hành trình. Trong những người đến đón đoàn có những cựu chiến binh của đoàn tàu không số hiện đang sống tại Quảng Bình.

Ông Phạm Quốc Hùng (72 tuổi), cựu thủy thủ tàu không số mật danh 43, run run xúc động bước nhanh tới bắt tay, ôm vai và gọi tên những người đồng đội của mình: đây là Tân, là Hiếu, là Thớ, là Hào... Từ năm 1966 đến giờ họ mới gặp lại nhau. Những cái ôm thật chặt trong rưng rưng đầy cảm xúc. Ông Phạm Quốc Hùng nắm tay đồng đội bảo: “Trưa nay về nhà tớ ăn cơm”, “Thế bọ cho chúng tớ ăn gì?”, “Tớ vẫn chưa biết. Cứ về, có gì ăn nấy”... Những tiếng cười hào sảng của những người đồng đội vang lên giữa mưa gió bên bến sông Gianh.

Ông Hùng tham gia đoàn tàu không số từ năm 24 tuổi (năm 1963). Đi 10 chuyến đều thành công cả 10. Dấu ấn lớn nhất trong đời binh nghiệp của người cựu chiến binh trên con đường biển huyền thoại là chuyến đi cuối năm 1964. “Chúng tôi vừa bị ba tàu khu trục của Mỹ và hai máy bay kềm chặt. Chúng tìm cách ép ta lên bờ để bắt sống. Còn ta thì tìm cách phá vòng vây” - ông Hùng kể.

Cứ thế hai bên giằng co đến ngày thứ ba thì bão ập tới. Bão còn ghê gớm hơn kẻ thù. Thuyền chỉ chịu được sóng gió cấp 7 nhưng khi đó sóng gió cấp 9, cấp 10. Nhiều anh em mửa ra mật xanh mật vàng nhưng vẫn quyết giữ không để tàu chìm, giữ được vũ khí. Tàu 43 cầm cự vượt qua cơn bão thì đã đến ngày thứ bảy. Không còn nước để nấu cơm. Mọi người say lả.

Ông Hùng - vốn được anh em gọi là “con cá kình trên biển” - phải lấy nước đã bị gỉ sắt ố ra vàng khè nấu tới lần thứ hai và phải có hai người đứng giữ nồi mới được một nồi cơm sần sật. Chỉ một chén cơm vàng khè gỉ sắt cầm hơi nhưng sau đó, chiến sĩ tàu 43 đã mưu trí phá được vòng vây, cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) thành công. 50 tấn vũ khí đã được chuyển vào kho cất giấu bí mật.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên