27/06/2016 10:57 GMT+7

Vẽ nguệch ngoạc tăng khả năng ghi nhớ

TUẤN MINH (Theo The Wall Street Journal)
TUẤN MINH (Theo The Wall Street Journal)

TTO - Việc vẽ nguệch ngoạc (doodling) trên giấy như một hành động lãng phí thời gian trong học tập, song nghiên cứu cho thấy doodling giúp tăng khả năng tập trung, giúp lưu giữ kiến thức lâu hơn.

Các kí hiệu đơn giản như hình tròn, mũi tên, hình vuông thường được sử dụng trong phương pháp Doodling - Ảnh: WSJ
Các kí hiệu đơn giản như hình tròn, mũi tên, hình vuông và hình trái tim thường được sử dụng trong phương pháp Doodling - Ảnh: WSJ

Vẽ nguệch ngoạc - công cụ tư duy

Sunni Brown, một nhà nghiên cứu về giáo dục, tác giả của cuốn sách “Cuộc cách mạng vẽ nguệch ngoạc”, cô gọi phương pháp này là “công cụ tư duy”.

Doodling cung cấp cho học sinh sức mạnh để nhớ lại các kiến thức đã học một cách tóm tắt theo cách riêng của mình và cải thiện hiệu suất học tập. Ngoài ra, việc vẽ nguệch ngoạc giúp người học giảm bớt sự nhàm chán và căng thẳng một cách hiệu quả.

Doodling tập trung vào việc sử dụng các hình vẽ tượng trưng như các sự vật, phong cảnh, kí hiệu, con người hoặc các họa tiết tường minh hoặc trừu tượng để mô tả lại kiến thức trong quá trình học tập,nghiên cứu hay hội họp. Doodling không phải là ghi chú bằng con chữ.

Vào năm 2009, nghiên cứu của Giáo sư Tâm lý học Jackie Andrade đã được thực hiện trên 2 nhóm người cùng nghe một cuộc điện thoại có nội dung nhàm chán nhưng đều có chứa nhiều thông tin. Một nhóm nghe điện thoại với giấy bút để vẽ ra những gì mà họ vừa nghe điện thoại, vừa liên tưởng ra; nhóm còn lại chỉ đơn thuần nghe điện thoại.

Kết quả cho thấy, người vừa nghe vừa vẽ nguệch ngoạc có thể kể lại hầu hết thông tin họ nghe được, nhóm còn lại thì không.

Vẽ nguệch ngoạc là một phương pháp giúp người học tránh khỏi tình trạng “tâm hồn treo ngược cành cây”. Nó biến các thông tin tẻ nhạt, nhàm chán trở nên có hình tượng và ăn sâu hơn vào trí nhớ. Việc vẽ tưởng chừng vô bổ này lại giúp người học tăng sự tập trung, đặc biệt khi họ đang chăm chú nghe giảng những kiến thức “khó nuốt”.

Theo bà Giulia Forsythe, một chuyên gia tại Trung tâm Giảng dạy, Học tập và Công nghệ Giáo dục, vẽ nguệch ngoạc có thể giúp học sinh mô tả lại các khái niệm trừu tượng và diễn tả lại những cảm xúc phức tạp.

Đây là một hình thức thể hiện ra bên ngoài bằng các hình vẽ những gì bạn liên tưởng đến trong khi đang suy nghĩ. Doodling có thể hỗ trợ học sinh tập trung nhiều hơn và tập trung ngay cả trong vô thức.

Sử dụng nhiều màu sắc làm bài học thêm phong phú - Ảnh: WSJ
Sử dụng nhiều màu sắc làm bài học thêm phong phú - Ảnh: WSJ

Đơn giản hóa các khái niệm khoa học

Giulia Forsythe cho biết hình vẽ được sử dụng như một phép ẩn dụ để minh họa rõ ràng cho một thông tin, kiến thức nào đó. Học sinh thường sử dụng các hình vẽ đơn giản để biểu trưng cho các thông điệp muốn truyền tải và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả hơn.

Các nghiên cứu của Trung tâm Giảng dạy, Học tập và Công nghệ Giáo dục, học sinh, sinh viên thường vẽ lại kiến thức trong quá trình nghe giảng đã tỏ ra thích thú với bài học và có khả năng tương tác cao với các tài liệu khoa học hơn.

Ngoài ra, những bản vẽ trừu tượng chỉ có chính tác giả mới hiểu ấy sẽ giúp học sinh tránh sự phân tâm, nhanh chóng nắm bắt ý tưởng phức tạp, thúc đẩy tư duy sáng tạo và đến với kiến thức một cách trực quan theo phong cách riêng của mình.

Theo Chuyên gia Giáo dục Leah Levy (tác giả của trang web chuyên về kĩ năng giáo dục Edudemic), học sinh có thể sử dụng phương pháp Doodling trong khi đang ghi chép, tư duy, trao đổi các khái niệm mới với nhau, diễn tả những cảm xúc phức tạp, đơn giản hóa các khái niệm khoa học.

Để vẽ nguệch ngoạc có hiệu quả

1. Chọn công cụ vẽ: Lựa chọn những cây bút đen có độ đậm nhạt, độ lớn của các nét khác nhau để tạo ra những đường kẻ tương phản, một chiếc bút tô màu xám và một hộp bút có nhiều màu khác nhau.

2. Chọn bề mặt để vẽ: Tốt nhất vẫn là vẽ trên những tờ giấy trắng khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất, vẽ trên máy tính bảng hoặc các tờ giấy ghi chú nhỏ, tiện lợi.

3. Tìm từ ngữ và hình vẽ: Chọn những từ khóa thật ngắn gọn, xúc tích để chú thích và các hình vẽ tương ứng. Hình vẽ càng rõ ràng, ghi chú càng giảm bớt đi.

4. Xem xét bố cục: Bố cục khuyên dùng là từ phía trên bên trái di chuyển sang phải hoặc di chuyển thẳng xuống phía dưới.

5. Sử dụng nhiều màu sắc để vẽ và tạo kí hiện giúp cho kiến thức được mô tả thêm thú vị, sinh động.

6. Không có một cách vẽ hay ghi chép nào được cho là chuẩn mực. Điều quan trọng nhất là hình vẽ và ghi chép nguệch ngoạc đó có ý nghĩa với bạn và bạn hoàn toàn hiểu được thông điệp theo cách riêng của mình.

TUẤN MINH (Theo The Wall Street Journal)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên