Kỳ 4: Bodh Gaya Kỳ 3: Từ Kushinagar tới Vaishali Kỳ 2: Lumbini hạnh phúc Kỳ 1: Sravasti bình yên
Phóng to |
Cung đường Bodh Gaya - Sarnath là cung đường đầu tiên Đức Phật độc hành sau khi thành đạo, với mục tiêu tìm đến nhóm năm người bạn đồng tu khổ hạnh để truyền bá giáo pháp mà người vừa chứng ngộ. Nhà học giả người Ðức Schumann đã tính toán rằng để vượt qua khoảng cách này, Đức Phật cần ít nhất 14 ngày.
Cung đường xưa
Đường khá tốt, trời đẹp, và chúng tôi chỉ mất khoảng hơn 5 giờ để vượt qua khoảng cách gần 300km tới Sarnath. Sanath chỉ cách Varsanasi 8 km, nên điểm tham quan này được thừa hưởng hệ thống giao thông thuận lợi của thành phố này.
Varanasi là một trong những cửa ngõ giao thông của bang UP, từ đây có thể đi tới các thành phố lớn khác bằng đường hàng không, đường sắt và đường bộ. Sân bay Babatpur cách thành phố khoảng hơn 20km, cách Sarnath khoảng 30 km. Tại đây, các chuyến bay nội địa của Indian Airlines cất cánh hằng ngày, nối Varanasi với New Delhi, Delhi, Khajuraho, Mumbai, Lucknow.
Ga Varanasi là một trong những ga lớn nhất của Ấn Độ, từ đây có tàu đi hầu hết các thành phố lớn trong nước. Đường bộ cũng rất thuận lợi với quốc lộ 2 từ Calcutta to Delhi, quốc lộ 7 nối với Kanya Kumari và quốc lộ 29 nối với Gorakhpur.
Dù vậy, Sarnath dường như không bị ảnh hưởng bởi sự xô bồ, sầm uất của thành phố Varanasi. Sarnath thật thanh bình, với những con đường rộng rợp bóng cây.
Phóng to |
Sarnath, cũng như những thánh tích khác, đã từng chìm trong quên lãng. Năm 1794, người ta còn triệt hạ bảo tháp Dharmarajika để lấy vật liệu xây cất một ngôi chợ. Những cuộc khai quật đầu tiên ở Sarnath được thực hiện bởi Duncan và sau đó là Cole Mackenzie vào cuối thế kỷ XVIII.
Đầu thế kỷ XIX, Alexander Cunningham đã khảo sát tháp Chaukhandi và Dhamekh, ghi lại nơi Đức Phật thuyết pháp đầu tiên. Vào đầu thế kỷ XX, nhà khảo cổ F.C.Oertel khám phá ngôi chùa chính, trụ đá Asoka, tượng Phật Chuyển Pháp Luân bằng đá cùng rất nhiều cổ vật.
Nhiều cuộc khảo sát khác liên tục được tiến hành vào đầu thế kỷ XX, tuy vậy Sarnath vẫn chưa được chú ý tới như một thánh tích, cho đến tận khi Đại đức Anagarika Dharmapala mở công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Sarnath, dần đưa địa điểm này trở lại đúng vị trí quan trọng của nó.
Vùng đất huyền thoại
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi ở Sarnath là tháp Chaukhandi. Tháp được xây dựng để ghi dấu nơi đức Phật gặp lại năm người bạn đồng tu khổ hạnh. Tháp Chaukhandi nằm ngay bên con đường lớn dẫn tới Varanasi. Từ đỉnh tháp có thể nhìn thấy toàn cảnh Sarnath phía xa.
Chaukhandi rất dễ nhận ra bởi hình dáng đặc biệt. Vua Akbar đã xây trên đỉnh tháp một vọng lâu hai tầng, hình bát giác. Dù vọng lâu này không liên quan gì tới lịch sử của ngôi tháp cổ phía dưới, được dự đoán xây cất vào thời kỳ hậu Kushan (48 - 220) hoặc tiền Gupta (320 - 510), nhưng nó tạo cho phế tích vẻ ngoài đặc biệt dễ nhận biết.
Sau khi gặp năm người bạn đồng tu tại Chaukhandi, Đức Phật đã dẫn họ tới một nơi gần đó và thuyết pháp. Nơi Đức Phật thuyết pháp đã được ghi dấu lại bằng ngọn tháp Dhamekh. Tên của bảo tháp bắt nguồn từ chữ Phạn “Dharmachakra” (bánh xe Pháp).
Tháp Dhamekh là một ngôi tháp hình tròn, cao 44m, đường kính 27m nhỏ dần về đỉnh tháp. Tháp được xây dựng bởi vua Ashoka vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Ngôi tháp được dựng trên một bệ đá, phần thân tháp bằng gạch nung, còn giữ được nhiều hoa văn chạm trổ tinh tế.
Phóng to |
Phóng to |
Phóng to |
Dhamekh là công trình còn nguyên vẹn nhất trong quần thể Sarnath. Gần đó, tháp Dharmarajika chỉ còn là một phế tích với nền tháp hình tròn, có đường kính khoảng 18m.
Tháp Dharmarajika, được vua Ashokan dựng để thờ xá lợi Phật, xưa cao 30m với một lan can bằng đá. Tháp đã bị phá hủy năm 1794 để lấy vật liệu xây dựng một ngôi chợ ở Jagatganj. Trong lúc triệt hạ ngôi tháp, người ta tìm được xá lợi Phật đựng trong một hộp thánh tích bằng cẩm thạch và phần xá lợi này đã được đem thả xuống sông Hằng.
Một trong những phế tích nổi bật trong khu di tích Sarnath là ngôi chùa cổ Mulagandhakuti, được cho là ngôi chùa đã dựng trên nền am thất nơi Đức Phật an trú mùa mưa đầu tiên khi người thành đạo. Ngôi chùa chỉ còn là một phế tích với những bức tường cao khoảng 5m, dày 2m, được trang trí với những hoa văn thời Gupta.
Tiếp tục cuộc hành trình, du khách sẽ thấy dưới một mái che nhỏ là phế tích của trụ đá mà vua Asoka đã dựng để ghi dấu nơi Đức Phật Chuyển Pháp Luân. Trụ đá đã bị gãy làm nhiều đoạn, các nhà khảo cổ cho rằng cột trụ nguyên thủy có chiều cao khoảng 16m, phần đỉnh cột được trang trí hình bốn con sư tử.
Tháng 1-1950, Chính phủ Ấn Độ đã chọn phần đỉnh cột này làm quốc huy. Phần đỉnh của trụ đá hiện tại đang được lưu giữ tại Viện bảo tàng Khảo cổ Sarnath, cách khu phế tích chỉ một con đường.
Viện bảo tàng Khảo cổ, được thiết lập vào năm 1910, là một điểm tham quan thú vị. Viện bảo tàng chia làm năm phòng trưng bày, với nhiều tác di vật quý như đỉnh cột đá Asoka, tượng Phật Chuyển Pháp Luân, và rất nhiều tượng Phật, Bồ Tát, các bức điêu khắc, chạm trổ trên đá, gạch, đất nung và gỗ.
Sari và nỗi nhớ
Sarnath là điểm cuối trong cuộc hành hương của chúng tôi. Từ Sarnath, chúng tôi tới Varanasi, dừng chân ở Varanasi một đôi ngày đủ để bị làm mê mẩn bởi sari và các mặt hàng tơ lụa đã có danh tiếng hàng ngàn năm.
Phóng to |
Tà áo sari "đầy chất Ấn Độ" lưu lại trong ký ức một hành trình - Ảnh: Thu Giang |
Có lang thang trên xứ này mới thấy sari không chỉ là trang phục truyền thống mà còn là trang phục phổ thông của phụ nữ Ấn Độ, được phụ nữ Ấn Độ diện ở mọi nơi, mọi lúc, để làm mọi việc. Sari có thể là lụa loại thượng hạng, thêu chỉ bằng vàng thật, lộng lẫy như huyền thoại, cũng có thể chỉ là một mảnh vải in hình sặc sỡ.
Sari có thể xuất hiện ở những nơi sang trọng nhất, nhưng cũng có thể tung bay trên những cánh đồng, những con đường cát bụi. Người ta có thể mặc sari để làm lễ cưới, cũng có thể mặc sari để làm ruộng, đi chợ, đi kiếm củi… Nhưng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, vẻ duyên dáng của những tà áo sari sặc sỡ cũng khiến khung cảnh có nét sống động và đầy chất Ấn Độ.
Từ Varanasi, chúng tôi bắt chuyến tàu đêm về Dehli, và chẳng mấy chốc đã thấy mình ở Hà Nội, với vali đầy đồ lưu niệm và trong đầu đầy những hình ảnh về đất Ấn.
Ấn Độ quá nhiều âm sắc và mùi vị để nhìn, nghe, nếm trải, ghi nhớ và viết lại một cách đầy đủ. Nhưng mỗi khi nhớ lại chuyến du hành, tôi thấy lòng như bình an hơn.
Tôi vẫn thầm mong được trở lại xứ sở này, ăn một miếng bánh chapati, uống một ly trà chai, phiêu du trên mảnh đất rất lạ lùng này, và lần này, biết đâu mình sẽ có dịp đến Sankassa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận