25/02/2014 14:59 GMT+7

Về miền Tây Trúc - kỳ 3: Từ Kushinagar tới Vaishali

THU GIANG
THU GIANG

TTO - Từ Lumbini, đi ngược lại 170 km, theo đường quốc lộ NH29 và đường tỉnh lộ SH64 khoảng 4-5 giờ là tới Kushinagar. Kushinagar, còn được biết đến với tên gọi Kushinara, là nơi Đức Phật nhập Niết Bàn khi người 80 tuổi.

Kỳ 2: Lumbini hạnh phúc Kỳ 1: Sravasti bình yên

QsIMqwLH.jpgPhóng to

Phật tử đi kinh hành quanh tháp trà tỳ Đức Phật - Ảnh: Thu Giang

Đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao không khí êm đềm tươi sáng của Lumbini bỗng trở nên u tịch khi xe chúng tôi tới Kushinagar. Có lẽ bởi chúng tôi đã đến đây đúng vào buổi chiều, một buổi chiều trời chuyển mưa âm u; có lẽ bởi những rặng lau cứ xào xạc mãi bên con đường nhỏ dẫn vào ngôi làng.

Mưa Kushinagar

Mấy ngàn năm đã trôi qua, nhưng dường như Kushinagar vẫn lặng lẽ như những ngày xưa, khi còn được mô tả là một thành phố nhỏ bé, bao quanh bởi những khu rừng. Đa số khách hành hương đều tới từ Gorakhpur, cách đó chừng 53 km, từ đây có sân bay nội địa và ga tà̀u nối với hầu hết các thành phố lớn.

Kushinagar và những di tích của nó đã được ghi lại trong ghi chép của hai nhà tu hành Pháp Hiền và Huyền Trang. Trải qua nhiều cuộc bể dâu, toàn bộ những phế tích của Kushinagar đã chìm trong quên lãng cho đến tận giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học Alexander Cunningham mới đưa ra những lập luận về nơi Đức Phật nhập Niết Bàn dựa trên các khảo cứu của mình.

Sân ga gần nhất với Kushinagar nằm ở Deoria, cách chừng 35 km. Khách hành hương cũng có thể đến Kushinagar dễ dàng bằng ôtô, theo đường 28.

Công trình kiến trúc có tầm quan trọng nhất ở Kushinagar là tháp Nirvana Chaitya và chùa Mahaparinirvana (Nirvara Temple). Sau những khám phá của Cunningham, khu vực này được khai quật rộng rãi bởi Carlleyle vào năm 1876 và Viện Khảo cổ Ấn Độ (ASI) vào những năm 1904-1912.

Khi đó, người ta đã tìm thấy ngôi chùa Nirvara không còn mái, phần chân của tháp Nirvara và phế tích của các tu viện và tháp lớn nhỏ xung quanh khu vực chùa và tháp chính.

Chùa và tháp chính nổi bật trong ánh chiều tà. Đứng trên nền cao 2.74m, ngôi tháp hình trụ với mái vòm giản dị vươn lên 19,81m so với mặt đất. Ngôi tháp được dự đoán xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ III, và được phục chế lại vào năm 1927. Chiều cao nguyên thủy của tháp được ước lượng vào khoảng 45 m.

Bên cạnh tháp là chùa Mahaparinivana, được dựng mới trên nền ngôi chùa cũ vào năm 1956 để chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản năm 2500. Trong chùa thờ pho tượng Đức Phật nhập Niết Bàn, nằm nghiêng về bên phải, đầu quay về phía Bắc, mắt nhìn về hướng Tây. Các nhà khảo cổ cho rằng bức tượng được đặt ở chính vị trí ngày xưa Đức Phật đã nhập Niết Bàn.

mslkS1N8.jpgPhóng to
Đường vào tháp trà tỳ (nơi người ta làm lễ trà tỳ - hỏa táng) Đức Phật - Ảnh: Thu Giang
WVA0XNhx.jpgPhóng to

Tượng Đức Phật nhập Niết Bàn - Ảnh: Thu Giang

Bức tượng xuất hiện từ thế kỷ thứ 5, tạc từ một khối đá sa thạch dài hơn 6m, được đặt trên một bệ gạch dài khoảng 7m. Nét mặt từ bi của Đức Phật khiến nhiều lớp người xúc động, nhất là trong không khí u tịch của buổi chiều muộn tháng mười, thoắt nắng thoắt mưa.

Gần ngôi chùa là hai cây sala tỏa bóng xuống lối đi, những mắt lá dài xanh biếc. Cây sala là loài thân gỗ, với những chùm hoa dài mọc ra từ thân cây và có mùi hương dễ chịu. Trong kinh điển, Đức Phật nhập Niết Bàn dưới tán cây sala, và khi đó rừng sala đồng loạt trút lá.

Cách quần thể chùa và tháp khoảng hơn một cây số về phía đông là khu lăng mộ Ramabhar - được coi là nơi làm lễ trà tỳ cho Đức Phật. Tên gọi Ramabhar được đặt theo tên của một hồ nước gần đó, còn cư dân địa phương vẫn gọi tháp là Angara Stupa (tháp Di Cốt). Ramabhar là một ngôi tháp gạch có kiến trúc hình tròn giản dị, đường kính 34,14m, được dựng trên một bệ tròn nhiều tầng có đường kính chân nền 47,24m.

Chúng tôi đến thăm tháp vào buổi sáng sớm và lặng lẽ nhập vào đoàn các phật tử Sri Lanka đi kinh hành nhiều lần quanh tháp, trước khi đi Vaishali.

Vaishali - mùa xoài không ra trái

Ngày hôm nay, chúng tôi sẽ đi ngược lại con đường Đức Phật đã đi trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời thân báo của ngài để đến thăm Vaishali. Vaishali hoặc Vesali (Pali) là một trong tám điểm thánh tích quan trọng của Phật giáo, và cũng là điểm hành hương quan trọng của đạo Jain. Vào thời Đức Phật còn tại thế, nơi đây đã từng là một đô thành lớn, giàu có và đông đúc.

Thật dễ mủi lòng khi chứng kiến Vaishali, kinh đô một thời của Vương quốc Litchavi, giờ đã hóa thân thành đồng ruộng và những ngôi làng nhỏ. Không còn dấu tích gì của một trong những Vương quốc Cộng hòa đầu tiên trên thế giới; của ngựa xe, phồn hoa đô hội.

Chúng tôi băng qua một ngôi làng nghèo để tới Kolhua, quần thể di tích gồm có cột đá Asoka, tháp thờ xá lợi ngài Ananda, hồ Ramakunda và rất nhiều phế tích của các tháp và tịnh xá.

OWdCFiEY.jpgPhóng to

Ngôi làng bao quanh Kolhua với những ngôi nhà thấp bé - Ảnh: Thu Giang

pgRPvjPG.jpgPhóng to

Một trạm xăng cũ mèm gần Vaishali - Ảnh: Thu Giang

Ngôi làng phơi ra vẻ nghèo khó không giấu giếm trong những ngôi nhà đất lè tè, những ngôi nhà gạch không tô trát, nằm lẫn trong vườn xoài, mà bụi bặm đã khiến tán lá đổ sang màu xám. Chủ yếu là nhà đất, lợp lá, cạnh đó là nhà kho dựng kiểu nhà bhonga hình tròn nhỏ xíu và chuồng bò hầu như chỉ là vài cây cột dựng lên, bên trên có mái lá che mưa nắng.

Con đường đi quá chật hẹp, nước thải đổ thành rãnh trên đường làm thành nơi trú ẩn của muỗi. Ở đầu làng có một chiếc giếng khoan của UNICEF và bọn trẻ tưng bừng nghịch nước quanh giếng. Những người phụ nữ ngồi trước nhà nhìn ra ngoài đường, đôi mắt ánh lên vẻ hoài nghi.

Khu di tích được tách biệt với khu dân cư bởi một bức tường gạch, và không gian bên trong sạch sẽ, vắng lặng hoàn toàn khác với khung cảnh bên ngoài.

Cây cột đá Asoka, được dựng vào thế kỷ III trước Công nguyên, đứng ngạo nghễ trong nắng chiều. Biết bao thời gian, biết bao mưa nắng, biết bao sự kiện đã trôi qua nơi đây, dưới cây cột này! Cột hầu như còn nguyên vẹn, cao 11m, đường kính khoảng 1m, bằng đá sa thạch nguyên khối được đánh bóng, với một số ký tự của thời Gupta.

Trên đỉnh cột là hình sư tử nhìn về phía Bắc, hướng Đức Phật đã đi trong cuộc du hành cuối đời của người. Đây là cột đá duy nhất thời vua Asoka còn nguyên vẹn cho đến bây giờ.

Phía trước cột đá là phế tích của một tháp gạch, cao khoảng 3m, được cho là ngôi tháp thờ xá lợi của Đại đức Ananda, người thị giả trung thành của Đức Phật trong suốt 27 năm và cũng là người đã xin Đức Phật cho phép thành lập ni đoàn.

ZDtzYX9W.jpgPhóng to

Toàn cảnh khu phế tích Kolhua - Vaishali

O0OL9FXT.jpgPhóng to

Hồ Ramakunda - Ảnh: Thu Giang

Phía sau cột đá là hồ Ramakunda hình chữ nhật, rộng 35m, dài 65m, ghi dấu sự tích về bầy khỉ thường cúng dường trái cây và mật ong cho Đức Phật.

(*) Kỳ 4: Bodh Gaya

THU GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên