12/02/2006 04:26 GMT+7

Về loại hình giáo dục phổ thông

PGS-TS NGUYỄN LÊ NINH
PGS-TS NGUYỄN LÊ NINH

TTCN - Tự thân từ “phổ thông” cũng đã nói lên được nội dung kiến thức cần có của loại hình giáo dục này.

9F78E1Ex.jpgPhóng to

Ảnh: Như Hùng

TTCN - Tự thân từ “phổ thông” cũng đã nói lên được nội dung kiến thức cần có của loại hình giáo dục này.

Xã hội loài người càng phát triển theo thời gian, kiến thức con người càng được mở rộng và nâng tầm. Nhưng dù phát triển đến mức nào chăng nữa thì đối với bậc học này, những hiểu biết có tính phổ thông cần trang bị cho mỗi con người về mặt xã hội học thuộc các phạm trù cội nguồn dân tộc, ngôn ngữ, tính nhân bản, văn - thể - mỹ, về khoa học tự nhiên cũng vẫn không cần vượt khỏi ranh giới “kiến thức phổ thông”.

Xác định được những kiến thức nào thuộc phạm trù “kiến thức phổ thông” thì mới có cơ sở ấn định nội dung chương trình cho bậc học này. Nhưng việc xác định những mảng kiến thức nào là phổ thông phải do Ủy ban Giáo dục của Quốc hội xác lập và quyết định. Đây là vấn đề lập pháp, không thuộc chức năng Bộ Giáo dục.

Nội dung phạm trù “kiến thức phổ thông” cần bổ sung, điều chỉnh theo sự phát triển tri thức của nhân loại. Song thời gian gián cách giữa hai đợt điều chỉnh liền nhau không được ít hơn thời gian qui định của mỗi cấp học, và chỉ mang tính bổ sung nâng cao chứ tuyệt nhiên không đặt lại vấn đề hệ thống. Nếu không sẽ gây bất ổn theo phản ứng dây chuyền (sách giáo khoa phải biên soạn lại, vấn đề tập huấn, bồi dưỡng nâng cấp đội ngũ thầy cô giáo...).

Cần thấy rằng không phải bất kỳ tri thức nào mới được con người phát hiện cũng đều phải được phổ cập hóa ngay trong nội dung chương trình ở các lớp thuộc bậc học phổ thông. Có thể chỉ cần coi đó là phần kiến thức ngoại khóa để học sinh tham khảo bổ sung, nâng cao. Thậm chí không chắc đã cần cập nhật ở bậc phổ thông khi những kiến thức mới phát hiện này lại mang tính chuyên sâu của một ngành hẹp.

Như vậy sẽ tránh được hiện tượng quá tải cho học sinh ở bậc học này.

Hiện tượng quá tải đối với một số môn học hiện nay ở bậc học phổ thông có nguyên nhân từ việc không phân định rõ lằn ranh giữa “kiến thức phổ thông” và “những kiến thức mới phát hiện”.

Việc học thêm, dạy thêm cũng không còn cần thiết khi lằn ranh trên được phân định rõ ràng, nội dung và thời lượng các môn học được chuẩn hóa.

Nắm vững kiến thức phổ thông, mục đích chính là để trở thành một con người đích thực, có bản lĩnh thông thường trong giao tiếp xã hội.

Với cách nhìn nhận như trên, nên gọi loại hình giáo dục này là giáo dục phổ thông và chia ra ba cấp. “Phổ thông cấp I” (tiểu học hiện nay), “phổ thông cấp II” (trung học cơ sở hiện nay) và “phổ thông cấp III” như một số năm trước đây đã từng gọi.

Hiện nay không có cái gọi là cấp “phổ thông đại học” nên chẳng cần danh xưng “phổ thông trung học”!

Xét về mặt phúc lợi của chủ nghĩa xã hội, mọi công dân VN, sinh sống trên lãnh thổ VN đều phải được đi học miễn phí loại hình giáo dục phổ thông. Vì thế, xin kiến nghị với Nhà nước là ở loại hình giáo dục này không có hình thức bán công hoặc tư thục mà toàn bộ là trường công lập, và việc quản lý của Nhà nước đối với loại hình giáo dục phổ thông nên do một cơ quan cấp bộ mang tên “Bộ Giáo dục phổ thông” chuyên trách.

Việc thi hết cấp của các trường phổ thông là không cần thiết, chỉ cần cấp “chứng chỉ học lực cấp I” sau khi người học đã qua được các kỳ kiểm tra cuối mỗi niên khóa. Chứng chỉ này chỉ dùng để xét chuyển cấp học. Bởi thật ra mỗi người đi học ở cấp này là chỉ để có kiến thức phổ thông chứ đã có chuyên môn gì đâu mà cần thi lấy bằng để tìm kiếm việc làm.

PGS-TS NGUYỄN LÊ NINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên